Nghệ An được khen đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

(Baonghean) - Ngày 25/6, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Theo đánh giá tại hội nghị, Nghệ An nằm trong số các địa phương tỉnh đạt kết quả tốt trong thực hiện cổ phần hóa DN.

Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nước năm 2015, công tác tái cơ cấu DNNN đã đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐKT, TCTNN) nhiều giải pháp chủ yếu phải thực hiện. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) Trung ương đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN quyết liệt và sâu sát. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, công tác tái cơ cấu DNNN luôn được coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế, thường xuyên được đề cập. Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện, kịp thời phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bốc xếp bột đá trắng xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò. 	Ảnh: đình nhật
Bốc xếp bột đá trắng xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: đình nhật
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 6 tháng đầu năm, kết quả thực hiện tái cơ cấu DNNN cho thấy các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN đã triển khai thực hiện các đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; sắp xếp lại các DN cấp 4 đối với các TĐKT, TCTNN.
 Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, tính đến ngày 23/6, tất cả 289 DN thuộc diện cổ phần hóa (CPH) năm 2015 đã thành lập ban chỉ đạo. Trong đó, 127 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 61 DN đã hoàn thành CPH. Ngoài CPH, đã có 2 DN được bán, 1 DN giải thể, 1 DN sáp nhập và 3 DN chuyển thành công ty TNHH, nâng tổng số DN được sắp xếp, CPH trong 6 tháng đầu năm lên 68 DN. Những đơn vị đạt kết quả tốt là Thành phố Hà Nội với 19 DN, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản với 5 DN, tỉnh Nghệ An với 4 DN.
Về thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm và bán bớt vốn nhà nước tại DNNN không cần nắm giữ, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thoái được 7.522 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư) 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách, đạt 15% số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải thoái vốn. Bán bớt vốn nhà nước tại các DN không cần nắm giữ đạt 4.153 tỷ đồng, bằng 1,76 lần giá trị sổ sách. Những đơn vị thực hiện thoái vốn có kết quả khá tốt là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã thoái được 2.655 tỷ đồng vốn, thu về 3.169 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) đã thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đã thoái được 596 tỷ đồng, thu về 783 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái được 851 tỷ đồng, thu về 2.306 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) đã thoái 588 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thoái 259 tỷ đồng…
Kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ủy ban chứng khoán nhà nước cho thấy, đến ngày 17/6, có 46 DN đã CPH cũng đã IPO khá tốt khi đến ngày 17/6, có 16 DN đã IPO với tổng số lượng cổ phần chào bán là 557 triệu cổ phiếu, giá trị 5.576 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phiếu được bán thành công mới đạt 110 triệu cổ phiếu, bằng gần 20% tổng số lượng cổ phần chào bán, chưa đạt kết quả như mong đợi. Việc rà soát, bổ sung DN cần CPH, thoái vốn nhà nước cũng cho thấy, đã có 23 bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN trình và được phê duyệt phương án sắp xếp theo tiêu chí, danh mục phân loại DN. Theo đó, đã có 125 DN bổ sung kế hoạch CPH trong năm 2015, 19 DN giải thể, phá sản; 12 DN giao, bán, 8 DN sáp nhập, hợp nhất và 2 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng nêu lên những tồn tại, vướng mắc cần giải đáp, như việc xử lý lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tái cơ cấu; việc thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất khi thoái vốn tại công ty liên doanh cũng như trách nhiệm của việc thoái vốn dưới mệnh giá… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng, trong thực tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, công nghiệp, các nông lâm trường khi thực hiện CPH thường được giao quyền sử dụng đất có giá trị thương mại rất cao. Sau đó, có trường hợp một số đơn vị đã thay đổi mục đích sử dụng đất cũng như chuyển trụ sở làm việc, kho bãi sang xây dựng khu phức hợp văn phòng, nhà ở thương mại hay trung tâm thương mại. Bộ KH&ĐT đề nghị cần phải làm rõ chuyện CPH ở những TĐKT, TCTNN có liên quan tới đất đai.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (TP. Vinh). 	 	Ảnh: Bình An
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (TP. Vinh). Ảnh: Bình An
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng đây không phải là vấn đề đáng ngại, vì việc chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH vì đã có cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai (sửa đổi). Khi chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH, một là phải bảo đảm quy hoạch của địa phương, hai là nếu chuyển đổi mục đích thì phải nộp tiền sử dụng đất tương ứng. Vấn đề ở đây là có tính sát giá đất hay không thôi. Ngoài ra, phải xử lý rất cụ thể cùng với đề cao vai trò của địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận: Vấn đề đất đai trong cổ phần hóa DNNN, kể cả chuyển sang cho thuê đất cũng là giải pháp để thúc đẩy CPH và hạn chế tiêu cực. Pháp luật quy định rõ đất đai sau khi CPH phải được thực hiện theo quy hoạch của địa phương, vì vậy, khi chuyển đổi thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu làm đúng, làm nghiêm thì không có vấn đề gì phải quá lo lắng. Nhưng nếu không làm chặt chẽ sẽ có kẽ hở, và ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Nếu nơi nào thay đổi mục đích sử dụng đất sai quy định của pháp luật thì cần phải chỉ đích danh, nếu cần thiết Chính phủ sẽ yêu cầu kiểm tra - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói. 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng các cơ chế, chính sách ban hành đang phát huy tác dụng, đi đúng hướng, bảo toàn và phát huy giá trị đồng vốn nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung CPH vẫn bị chậm, là do khi bổ sung cơ chế thì liên quan tới quy trình xây dựng văn bản. Hơn nữa, số lượng DNNN cần CPH trong 6 tháng tới còn nhiều (228 DN). Nếu không quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cụ thể thì có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp bộ, địa phương, người đứng đầu DNNN chưa thực sự quan tâm, “xắn tay” vào tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, chưa có bộ, ngành, địa phương nào kỷ luật, xử lý ai không thực hiện nhiệm vụ trên giao về CPH, nhưng sắp tới phải báo cáo việc này vì thực tiễn là có. Các bộ, ngành, địa phương, các DNNN định kỳ hàng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Chỉ đạo, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ chỉ đạo cần tiếp tục khẩn trương ban hành đúng tiến độ các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đã đề ra. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã đề ra, đặc biệt là CPH, thoái vốn nhà nước. Trong đó, tập trung hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN và công bố được giá trị của 127 DN hiện đang xác định giá trị DN trong quý 3. Trong quý 4, phải hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 127 DN này. Những DN đã được phê duyệt nhưng chưa có điều kiện IPO nay phải chuyển ngay sang công ty cổ phần với cổ đông là nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động nhằm đa dạng hóa sở hữu để đổi mới quản trị DN, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường. Trong đó, giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong DN bằng 60% giá khởi điểm theo phương án CPH…
Một trong những điểm nhấn trong thời gian còn lại để thúc đẩy CPH là trong quý 3, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn tổng thể đối với gần 19 nghìn tỷ đồng mà các TĐKT, TCTNN đã đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Hồng Hà

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.