Vốn thực hiện Nghị định 67: Những dấu hỏi lớn về trách nhiệm

(Baonghean) - Hiện Nghệ An có hơn 1.200 phương tiện đánh bắt xa bờ, đội ngũ đánh bắt hùng hậu bậc nhất miền Bắc, vậy vì sao Nghệ An lại không thể tiên phong trong thực hiện Nghị định 67? Mang theo câu hỏi, chúng tôi đã “gõ cửa” một số ngân hàng thương mại, là những đơn vị được chính phủ giao thực hiện cho vay vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ...
Ngân hàng “phòng xa” nên “xa” trách nhiệm?
Tìm đến chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Phủ Diễn (Diễn Châu) với câu chuyện xoay quanh việc cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngay từ những phút đầu, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc chi nhánh này đã tỏ ra kém vui. Theo ông Tài, sau khi tiếp nhận chương trình phát triển ngành Thủy sản theo tinh thần của Nghị định 67 CP, BIDV Phủ Diễn cũng đã rất tích cực tham gia hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, và đã "giải ngân cho vay đối với 1 trường hợp tàu vỏ gỗ; hoàn chỉnh  hồ sơ 1 tàu vỏ gỗ khác gửi ra Ngân hàng BIDV Trung ương thẩm định; với tàu vỏ sắt, thì chưa giải quyết bất cứ trường hợp nào". Hỏi rằng tại sao lại như vậy, khi đã có tới 5 chủ dự án gửi hồ sơ đăng ký vay vốn đóng mới tàu vỏ sắt trong một khoảng thời gian khá dài? Ban đầu, theo ông Tài, ấy là thiết kế tàu vỏ sắt của 5 chủ dự án trình lên chưa phù hợp, chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt(?). 
Nhiều ngư dân Nghệ An mong muốn được chuyển đổi tàu công suất lớn.  Ảnh: Cảnh trần
Nhiều ngư dân Nghệ An mong muốn được chuyển đổi tàu công suất lớn. Ảnh: Cảnh trần
Tuy nhiên, khi đối chiếu thiết kế tàu vỏ sắt của ngư dân Hoàng Văn Bình, có sự phê duyệt của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ông Tài lại nại ra những lý do như "khả năng phát huy của tàu vỏ sắt ngoài ngư trường không cao, tiếng là đánh bắt xa bờ nhưng chỉ quẩn quanh ngư trường Vịnh Bắc bộ". Thậm chí, vị Giám đốc BIDV Phủ Diễn còn cho rằng, ngư dân - các chủ dự án đóng tàu vỏ sắt không chứng minh được vốn đối ứng của họ có phải là tài sản tự có hay không, hay là vay mượn, trong khi tổng giá trị của một con tàu là nhiều tỷ đồng… Ông nói: "Kể cả khi dân đưa phần tiền đối ứng đến nộp vào ngân hàng thì cũng khó chấp nhận; bởi làm sao xác minh đây là nguồn tiền an toàn, không phải là tiền vay? Dòng tiền đối ứng của các chủ dự án chỉ được xem là hợp lệ khi chảy trong chính ngân hàng BIDV trước khi họ muốn lập hồ sơ đăng ký vay vốn theo Nghị định 67”(?). 
Một trong 2 con tàu đầu tiên ở Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) thí điểm đóng mới thực hiện Nghị định 67 sau hơn 3 tháng vẫn dở dang.	Ảnh: Đ.T
Một trong 2 con tàu đầu tiên ở Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) thí điểm đóng mới thực hiện Nghị định 67 sau hơn 3 tháng vẫn dở dang. Ảnh: Đ.T
Và, ông Tài đã dẫn ra báo cáo của Ban Phát triển ngân hàng bán lẻ của BIDV Việt Nam để chứng minh thêm những khó khăn khi triển khai Nghị định 67,đó là: “Khách hàng không có hoặc không chứng minh được vốn tự có; giá trị tàu quá lớn dẫn tới khó khăn trong việc trả nợ hằng năm; khó khăn trong việc quản lý khách hàng và tài sản đảm bảo; kiến thức, kinh nghiệm về vận hành, sử dụng, khai thác tàu sắt của ngư dân còn hạn chế…”. Kết lại, với BIDV Phủ Diễn, việc Nghị định 67 quy định các chủ dự án đóng tàu vỏ sắt được vay 95% tổng giá trị của con tàu và tham gia đối ứng 5%, thời hạn vay 11 năm đang “làm khó” cho các ngân hàng thương mại. Vì, tổng giá trị một con tàu vỏ sắt đóng mới rất lớn, trên 15 tỷ đồng; như 5 con tàu vỏ sắt của các chủ dự án ở Tiến Thủy, theo thiết kế, dự toán đã được phê duyệt, đều có giá trị trên 18 tỷ đồng/tàu!
Tìm đến Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An (đóng tại Thị trấn Cầu Giát) để tiếp tục câu chuyện vay vốn đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, vị Phó Giám đốc ở đây là ông Dương Minh Tân đã “phỏng vấn ngược” chúng tôi rằng: “Theo anh nghề đi biển có rủi ro không? Anh có biết mỗi năm tại huyện Quỳnh Lưu xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn, thương tích liên quan đến đánh bắt không?”. Và như để khẳng định cho luận điểm của mình, ông Dương Minh Tân nói rằng, địa bàn huyện Quỳnh Lưu có nhiều chủ tàu tham gia đi biển, rủi ro nghề biển là rủi ro về khai thác, sản lượng đánh bắt tập trung vào mùa vụ, khả năng tai nạn cao, trong khi bảo hiểm tàu thuyền chỉ thực hiện từng năm một. Đối với cái lý của ông Dương Minh Tân đưa ra, ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã phản bác rằng: Đối với tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm tàu và thuyền viên trong thời gian 11 năm. Dù được ký từng năm một, song trước khi hết hiệu lực bảo hiểm 1 tháng, cơ quan bảo hiểm sẽ liên hệ với các chủ tàu, chủ dự án tiếp tục gia hạn. Thế nên, đấy chỉ là một lý do ngân hàng đưa ra để gây khó tiếp cận dòng vốn vay. Chúng tôi đã hỏi đại diện Ngân hàng Công thương Chi nhánh Bắc Nghệ An về thẩm quyền của đơn vị này, và theo lời của ông Dương Minh Tân, chi nhánh chỉ được phép cho vay 4 tỷ đồng với thời hạn vay 7 năm đối với một dự án đóng mới tàu cá. Để đóng mới 1 tàu vỏ gỗ công suất 800 mã lực trở lên theo tiêu chí của Nghị định 67, cần khoảng từ 8 - 10 tỷ đồng, chủ dự án được xét vay tối đa là 70%, vậy nên xét theo thẩm quyền của Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An, chỉ đáp ứng được tối đa 40% giá trị. Vậy nên, ngân hàng này về bản chất, chỉ thực hiện khâu trung gian, còn việc thẩm định, xét duyệt cho vốn thực chất thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. "Chúng tôi đã chuyển 1 bộ hồ sơ cho cấp trên, sau khi được thẩm định, sẽ là cơ sở để xét duyệt các hồ sơ khác" - ông Tân nói. Vậy khi nào thì có kết quả? "Việc ấy chúng tôi không xác định được" - ông Dương Minh Tân trả lời.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Diễn Châu đã tiếp nhận 2 hồ sơ đăng ký vay vốn đóng mới tàu cá của ông Phạm Văn Mạnh ở xã Diễn Ngọc và Nguyễn Văn Ba ở xã Diễn Bích. Hồ sơ thiết kế tàu của 2 thuyền trưởng này đều có công suất 820CV, trong đó ông Mạnh đăng ký đóng tàu vỏ sắt, ông Ba chuyển từ vỏ sắt sang composite. Lý giải cho sự chậm trễ trong việc hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký vay vốn, Giám đốc Chu Thị Khánh nói rằng, việc thẩm định thiết kế, kỹ thuật các con tàu nói trên nằm ngoài khả năng của lãnh đạo và cán bộ ngân hàng này; trong khi ở Nghệ An chưa có trường hợp đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt nào thành công nên không có mô hình để học tập (?)...
“Lập hàng rào” ngăn dân tiếp cận vốn? 
Chúng tôi đã nghĩ rằng dường như đang có một rào cản vô hình nào đó đã được các ngân hàng thương mại ở Nghệ An dựng lên xung quanh gói vay đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67. Theo ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, có rất nhiều hộ dân, chủ dự án vì theo đuổi thực hiện Nghị định 67 mà phải bán tàu thuyền ngồi bờ nhiều tháng nay; nhiều người khác vì quá mệt mỏi và chán nản đành phải bỏ cuộc. Lý do vì các ngân hàng thương mại được giao cho vay theo Nghị định của Chính phủ đang tìm mọi cách để trì hoãn không thực hiện. “Ngân hàng sợ rủi ro, nhưng giả sử không may xảy ra rủi ro thì Chính phủ đã hỗ trợ bảo hiểm rồi. Chính sách đó là công khai, là khép kín, có Nhà nước bảo lãnh nhưng ngân hàng vẫn lo sợ mất vốn. Dân nộp hồ sơ lên ngân hàng nhưng họ không căn vặn cũng không phản hồi. Thế là thế nào! Họ không có niềm tin” - ông Bình nói. 
Theo Nghị định 67, có 3 điều kiện tiên quyết trong việc xem xét cho dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu đánh cá xa bờ, tàu hậu cần nghề cá. Đó là: đối tượng vay vốn phải chứng minh được hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết lâu nay các ngân hàng thương mại cứ vin vào chỗ này chỗ kia để bắt bẻ các hộ dân đăng ký vay vốn. “Ngân hàng lăn tăn không quản lý được dòng tiền, không tin phương án sản xuất kinh doanh của dân. Vậy phân tích các phương án đi. Không khả thi chỗ nào. Đằng này, các chủ dự án nộp hồ sơ mà anh không nói gì cả. Nếu không đủ trình độ để kiểm tra kỹ thuật, thẩm định thiết kế thì vẫn có thể thuê các chuyên gia, cơ chế cho phép mà”. Cũng theo ông Tiến, thực chất là ngân hàng không muốn cho vay, không tin dân nên đặt ra nguyên cớ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng nói rằng, không phải là không có các đối tượng có ý định lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi. “Tuy nhiên với sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ, được thẩm định từ xã, huyện, cho đến tỉnh với quan điểm là làm chắc chắn nên không có chỗ cho chủ nghĩa cơ hội” - ông Trần Hữu Tiến khẳng định. 
Nghị định 67 của Chính phủ ra đời ngoài việc hỗ trợ bà con ngư dân phát triển ngành thủy sản, khai thác đánh bắt xa bờ còn hướng đến một mục tiêu lớn lao hơn, đó là khẳng định sự hiện diện của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và đặc quyền kinh tế của mình. Theo quy định của Nghị định 67, mỗi một bộ hồ sơ đăng ký vay vốn đóng mới tàu khai thác xa bờ đều phải được chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh và các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt và được Chính phủ đảm bảo. Buồn thay, việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không mặn mà, thậm chí luôn tạo nên một “hàng rào” xung quanh két tiền của mình để dân không tiếp cận được gói vay theo chính sách của Nhà nước suy cho cùng là do lãi suất thấp và phần quan trọng còn lại là do thiếu hụt niềm tin.  
Hà Giang - Đào Tuấn
Theo ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành, Bộ NN&PTNT giao chỉ tiêu cho Nghệ An 100 chiếc. Ở Nghệ An có 874 hồ sơ đăng ký đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ; qua quá trình thẩm tra, thẩm định, kiểm tra các điều kiện, chỉ có 71 chủ dự án được tỉnh phê duyệt cho phép đóng mới. Trong đó có 36 tàu vỏ gỗ; 30 tàu vỏ thép; 5 tàu composite. Ông Trần Hữu Tiến nói: “Khi chưa có Nghị định 67, bình quân mỗi năm Nghệ An đóng mới từ 80 - 100 con tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 400CV trở lên. Năm nay mới chỉ đóng mới được 10 con tàu...!”

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.