Liên minh châu Âu liệu có ngăn nổi 'kho đạn' Libya?

(Baonghean) - Sau màn tranh luận căng thẳng, rốt cuộc các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ đã nhất trí khởi động một sứ mệnh mới nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Được cho là thay thế cho Chiến dịch Sophia trước đây, sứ mệnh lần này bao gồm các hoạt động giám sát không quân và các chiến dịch hải quân. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu, giới phê bình đã quả quyết rằng, sứ mệnh trên sẽ đem lại rất ít cải thiện.

Bước tiến ngoại giao

Theo DW, như đã thống nhất tại hội nghị hòa bình Libya diễn ra tại Thủ đô Berlin của Đức vào tháng 1 vừa qua, sứ mệnh quân sự mới dự kiến sẽ hình thành một trụ cột trong chiến lược tổng thể của EU hướng tới ổn định quốc gia Bắc Phi. Và hôm 18/2, nguồn tin này cũng cho biết, sau các cuộc gặp với những người đồng cấp châu Âu, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo việc các bên đã đi đến quyết định, nói thêm rằng sứ mệnh mới liên quan đến Libya sẽ bao gồm một “thành tố hàng hải”. Nói cách khác, EU sẽ điều các tàu hải quân đến khu vực Đông Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (giữa) cho rằng việc quan trọng là các cường quốc thế giới phải ngăn các bên cung ứng cho cuộc xung đột tại Libya. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (giữa) cho rằng việc quan trọng là các cường quốc thế giới phải ngăn các bên cung ứng cho cuộc xung đột tại Libya. Ảnh: AP

Động thái nói trên được cho là nỗ lực hòng thay thế Chiến dịch Sophia, vốn bị đình chỉ hồi năm ngoái do Italy phản đối việc các tàu của EU giải cứu người di cư gặp nạn trên biển, rồi cho phép họ lên bờ tại các cảng của đất nước hình chiếc ủng. Với sứ mệnh lần này, ban đầu Áo cũng đã nỗ lực ngăn cản, lo ngại rằng, việc tái khởi động một sứ mệnh hàng hải sẽ khuyến khích thêm nhiều người di cư vượt Địa Trung Hải. Nhưng rốt cuộc nội bộ EU đã đi đến thỏa hiệp, và ông Maas nhấn mạnh rằng sứ mệnh mới sẽ chỉ điều các tàu của EU tới phía Đông Địa Trung Hải và tránh xa các tuyến đường biển mà người di cư thường lựa chọn. Nhưng trước thực trạng các tay buôn lậu vũ khí đang tìm cách lẩn tránh các nhà quan sát EU, các tàu của châu Âu khó bề tự giới hạn việc tuần tra chỉ trong khu vực này.

Tại Brussels, Ngoại trưởng Maas nhắc lại rằng việc tái khởi động sứ mệnh của EU là một bước đi tiến tới hoàn tất thỏa thuận Berlin, theo đó nhằm tách rời các bên tham chiến tại Libya, và bảo đảm rằng các đồng minh quốc tế của mỗi bên ngừng cung cấp vũ khí để hun nóng “chảo lửa” này thêm.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, khi Hội nghị An ninh Munich dần khép lại, các nước dính dáng đến xung đột Libya một lần nữa khẳng định nhất trí tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chẳng thể biết được cam kết này có được bao nhiêu phần đáng tin. Ví dụ không đâu xa, chỉ vài ngày sau khi thượng đỉnh Berlin hồi tháng 1 kết thúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN) Antonio Guterres đã lên tiếng thông báo với toàn thể thế giới rằng, lệnh ngừng bắn tại Libya đã bị phá vỡ và các chuyến hàng vận chuyển vũ khí một lần nữa lại được tiến hành.

Hội nghị thượng đỉnh Libya tại Berlin, Đức, ngày 19/1/2020. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh Libya tại Berlin, Đức, ngày 19/1/2020. Ảnh: Reuters

EU có ảnh hưởng như thế nào?

Sau khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya bị lật đổ hồi năm 2011, các lực lượng dân quân khu vực đã tự vũ trang cho mình bằng vũ khí lấy được từ quân đội của Gadhafi. Khi cuộc nội chiến nổ ra ở nước này vào năm 2014, hoạt động nhập khẩu vũ khí vào Libya tăng đáng kể. Và kể từ năm 2019, một cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu đã được châm ngòi ngay trên mảnh đất này. Tướng Khalifa Haftar - với sự ủng hộ thông qua chuyển giao vũ khí từ UAE, Ai Cập, Jordan và Nga - đối đầu với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) đóng tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarra đứng đầu, được sự công nhận của UN và EU, đồng thời tiếp nhận vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nói một cách ngắn gọn, các chuyến hàng vũ khí đang đến với đất nước Libya bị chiến tranh giày xéo bằng cả đường biển, đường bộ lẫn đường không.

Josep Borrell - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU nói rằng các cuộc đàm phán xoay quanh sứ mệnh mới của khối nước này đã diễn ra rất căng thẳng, nhưng rốt cuộc cũng có đủ số quốc gia EU tình nguyện điều tàu biển tham gia. Borrell khẳng định, “sẽ không có chuyện thiếu hụt” tàu, và nói thêm rằng nhóm tàu của EU sẽ đủ khả năng ngăn chặn bất cứ lúc nào phát hiện ra những kẻ buôn lậu vũ khí. Tuy vậy, nhà ngoại giao này vẫn thừa nhận đây không phải là chuyến dạo chơi đơn giản. Bản thân ông không thể nêu cụ thể số lượng vũ khí thực tế đã được chuyển đến Libya qua đường biển, và cho biết “chúng tôi đang làm điều có thể, nhưng chúng tôi không thể đồn trú quân đội dọc biên giới Ai Cập - Libya”.

Một chiếc tàu hải quân Italia ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Ảnh: Hải quân Italia
Một chiếc tàu hải quân Italia ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Ảnh: Hải quân Italia

Được biết, chiến dịch giám sát không quân của EU sẽ chỉ thu thập tin tức tình báo, trong khi sứ mệnh hải quân cũng không khác động thái mang tính biểu tượng là bao. Để thực sự ngăn chặn mọi chuyến hàng vũ khí đến Libya, EU sẽ phải điều quân đến thực địa và kiểm soát hoàn toàn không phận của nước này bằng chiến đấu cơ, song đây đều là những việc nằm ngoài khả năng của EU.

Lệnh cấm vũ khí như một “trò đùa”

Phó đặc phái viên của UN phụ trách về Libya là Stephanie Williams đã nói rằng, “lệnh cấm vận vũ khí đã trở thành một trò đùa. Tất cả chúng ta thực sự cần phải tăng cường tại đây. Tình hình phức tạp bởi có các hành vi vi phạm trên bộ, biển và trên không, nhưng cần phải được giám sát và cần làm rõ trách nhiệm”. Tương tự, nhà ngoại giao số 1 nước Đức Maas cũng thừa nhận lệnh cấm vận từng bị phá vỡ rất nhiều lần trong vài tuần lễ vừa qua.

Các thành viên phe tự do trong Nghị viện châu Âu (EP) đã báo cáo hơn 100 vụ vi phạm trong thời gian gần đây, và chỉ trích rằng thỏa thuận đạt được giữa các ngoại trưởng của EU là chưa đủ. Nghị sỹ EP Nicola Beer cho rằng, các bộ trưởng ngoại giao đã bỏ phí cơ hội để “đi đến thống nhất các biện pháp trừng phạt, qua đó phát tín hiệu rõ rệt gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay UAE”. Theo quan điểm của nữ chính khách này, việc chỉ nhất trí về một sứ mệnh quân sự của EU mà không đi kèm áp đặt trừng phạt là chưa đủ để mang lại hòa bình cho Libya và chẳng có ích gì trong việc giảm dòng người di cư hướng về châu Âu.

Một số quốc gia EU lo ngại sứ mệnh mới sẽ làm tăng dòng người di cư đến châu Âu. Ảnh: AP
Một số quốc gia EU lo ngại sứ mệnh mới sẽ làm tăng dòng người di cư đến châu Âu. Ảnh: AP

Về phần mình, các nghị sỹ đảng Xanh trong EP lại than phiền rằng, sứ mệnh mới không phù hợp để giải cứu người di cư trên biển. Nghị sỹ Erik Marquardt cho rằng “các tàu thuyền nên có mặt ở nơi người dân gặp nạn”. Để củng cố cho lập luận của mình, chính khách này dẫn chứng trong 1 năm, các chính phủ EU đã ngăn người di cư được giải cứu, đồng thời cũng giúp được các lực lượng dân quân Libya chặt đứt các tuyến đường di cư.

Trong một nghiên cứu gần đây, các chuyên gia Markus Keim và Rene Schulz tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (SWP) viết rằng, “không có phương án dễ dàng nào cho EU mà chỉ đòi hỏi ít nỗ lực và bảo đảm thành công trong quá trình thực thi lệnh cấm vận vũ khí hiện có. Mọi phương án đều có những cái giá phải trả đáng kể về chính trị, tài chính và quân sự”. Họ lập luận rằng, EU thiếu phương tiện quân sự để hiện thực hóa điều này, và các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh Italy và Pháp mỗi bên ủng hộ một phe trong cuộc xung đột, thì cơ hội thành công được đánh giá khá mong manh.

Cả phe nổi dậy lẫn các lực lượng chính phủ tại Libya đều nhận vũ khí từ các quốc gia hậu thuẫn bên ngoài. Ảnh: PA
Cả phe nổi dậy lẫn các lực lượng chính phủ tại Libya đều nhận vũ khí từ các quốc gia hậu thuẫn bên ngoài. Ảnh: PA

Yacoub El Hillo - Phó Đặc phái viên của Tổng Thư ký UN tại Libya cho biết, ước tính 150.000 - 200.000 tấn đạn dược không được kiểm soát hiện nằm rải rác tại Libya. Ông khẳng định, chiến sự tại Libya cùng vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đã khiến quốc gia Bắc Phi trở thành “kho đạn dược không được kiểm soát lớn nhất thế giới”. Đồng thời, Libya cũng là “sân khấu lớn nhất thế giới sử dụng công nghệ không người lái”, ám chỉ số lượng lớn thiết bị bay không người lái trên không phận nước này.

tin mới

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

(Baonghean.vn) - Theo Forbes, bom lượn KAB đã trở thành "vũ khí thần kỳ" thực sự của Nga. Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine phàn nàn rằng, họ không có biện pháp nào đối phó. Có thể máy bay chiến đấu F-16 sẽ hỗ trợ Kiev, nhưng phải chờ đợi cho đến khi chúng xuất hiện đủ số lượng.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

(Baonghean.vn) - “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh” - lời khẳng định này của thư ký báo chí Tổng thống Nga, Dmitry Peskov gần như được hiểu là một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Điện Kremlin, không phải chỉ đánh giá xung đột ở Ukraine, mà cả tình hình ở Nga nói chung.

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh xung đột hiện nay, nếu 2.000 binh lính Pháp được cử đến Ukraine, sẽ chỉ như “một giọt nước trong đại dương”. Hơn nữa, nếu thực sự phương Tây nỗ lực muốn xoay chuyển tình hình, thì họ liệu có tuyên bố công khai và tích cực về việc gửi quân tới Ukraine như vậy?

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

(Baonghean.vn) - Vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall vùng ngoại ô Moskva tối 22/3 trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Liên quan vụ việc, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nêu quan điểm trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế hôm nay có những thông tin sau: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở Nga đều là người nước ngoài; Ukraine tập kích loạt tên lửa vào Crimea; Mỹ thông qua dự luật 1,2 nghìn tỷ USD ngăn chính phủ đóng cửa; Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

(Baonghean.vn) - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Đại tá đã nghỉ hưu Douglas McGregor cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây - CIA và MI6, có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại khu phức hợp Crocus ở ngoại ô Moskva, và những kẻ tấn công liên quan đến các phần tử chiến đấu ở phía Ukraine.

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

(Baonghean.vn) - Châu Âu như được thức tỉnh, sau một thời gian lơ là đầu tư phát triển quốc phòng, và bị phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ. EU cố gắng chuẩn bị cho một tương lai, trong đó Tổng thống Putin, và rất có thể là ông Donald Trump sẽ đóng vai trò quan trọng. 

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

(Baonghean.vn) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, viện trợ đường bộ thông qua các cửa khẩu là biện pháp tốt nhất để có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại Gaza.