Lợi ích của tiết kiệm năng lượng

(Baonghean) - Sử dụng năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng đang gây nhiều lãng phí, tác động đến vấn đề an ninh năng lượng trong tương lai gần và gây ô nhiễm môi trường. sau khi Quốc hội ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ngày 17/6/2010), UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 (06/04/2011) với mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng năng lượng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người dân. 

Tại phường Trung Đô, Thành phố Vinh - nơi triển khai phong trào “Gia đình tiết kiệm điện”, đến đâu, chúng tôi cũng đều nghe nói đến ý thức tiết kiệm điện của các gia đình trong phường. Chị Hứa Thị Kiều Ngọc, ở khối 4, chia sẻ: “Lâu nay, cứ nghĩ gia đình có tiết kiệm thì cũng chẳng đáng là bao. Nhưng sau khi được tuyên truyền, tôi đã hướng dẫn các con có ý thức tiết kiệm điện như cả nhà chỉ xem 1 ti vi (trước đây mở 2 ti vi); hay bình nóng lạnh chỉ bật trước khi vào tắm 15 phút rồi tắt, không để cả ngày như lâu nay. Gia đình tôi cũng đã thay toàn bộ đèn thắp sáng bằng loại đèn compact...”. Bằng ý thức đó mà trong 3 tháng 9, 10, 11, gia đình chị Ngọc đã tiết kiệm được 730 KW/h điện so với cùng kỳ năm 2012. Cùng khối với chị Ngọc, gia đình anh Nguyễn Tiến Tráng cũng đã tiết kiệm được 923 KW/h điện trong 3 tháng so với cùng kỳ năm 2012. Anh Tráng cho biết, ngoài thay bóng thắp sáng bằng compact, gia đình còn mua các thiết bị sử dụng điện dán nhãn tiết kiệm năng lượng được cơ quan chức năng kiểm định như điều hòa, quạt điện... Máy giặt, bàn là chỉ dùng khi thật sự cần thiết, còn lại chủ yếu giặt tay. 

Ở phường Trung Đô, triển khai thực hiện phong trào “Gia đình tiết kiệm điện” đã thu hút trên 3.000 hộ đăng ký thực hiện, đạt 98% tổng số hộ trên địa bàn phường. Bước đầu là chuyển biến về nhận thức, đến nay các hộ dân đều có hành động cụ thể, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng một cách hiệu quả. Theo tổng hợp của Chi nhánh điện Vinh, trong số hộ đăng ký thực hiện đã có 380 hộ đạt tiêu chí “gia đình tiết kiệm điện”, trong đó có 30 gia đình đạt tiêu chí “Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu”. Sản lượng điện tiêu thụ của 380 hộ trong 3 tháng 9,10,11 năm 2013 là 251.242KW/h, giảm so với cùng kỳ 2012 là: 101.887 KW/h (tương đương tiết kiệm một khoản tiền trên 200 triệu đồng), giảm được 40,5% tổng điện năng tiêu thụ.
Ông Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc Chi nhánh điện Vinh, cho biết: “Điện năng tiêu thụ trong tháng 9,10,11/2013 đã giảm đi đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể trong tổng số hộ đăng ký thực hiện đã có hơn 700 hộ có sản lượng giảm, trong đó có 380 hộ giảm từ 15 - 50% lượng điện tiêu thụ, bình quân mỗi hộ dân tiêu thụ điện giảm trong 3 tháng là 268KW/h tương đương với tiết kiệm được 526.000 đồng. Thành công của chương trình không chỉ nâng cao nhận thức, kỹ năng, tạo thói quen, ý thức tự giác của mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình và cả cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà còn tạo bước đột phá chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng”.
Dây chuyền kéo sợi OE của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan.
Dây chuyền kéo sợi OE của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan.
Không chỉ ở các hộ dân, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trọng điểm, có lượng tiêu thụ điện năng cao cũng là một trong những đối tượng được tác động, phổ biến các yêu cầu tiết kiệm năng lượng nhằm tạo ra những thay đổi lớn. Theo ông Trần Quốc Tuấn – Trưởng phòng Điều hành, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, chi phí điện đứng thứ hai trong giá thành sản phẩm của công ty, vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng là một trong những tiêu chí quan trọng cần phải thực hiện nhằm tiết giảm các chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Thời gian qua, công ty đã đầu tư kinh phí cải tạo các buồng điều hòa không khí ở các xưởng sản xuất, giảm chạy máy lạnh vào mùa hè; đầu tư lắp đặt biến tần trong các quạt hút đẩy trong các buồng điều hòa không khí trong xưởng, tiết giảm năng lượng tiêu hao vào mùa đông, mùa thu; lắp đặt tụ bù trong các máy biến áp tránh tổn thất điện...
Song song với đó, công ty cũng đã đầu tư đổi mới thiết bị dây chuyền kéo sợi công nghệ của Châu Âu, Châu Á, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giảm tiêu hao điện năng. Nếu như trước đây cả xưởng chỉ có một công tắc nguồn, bây giờ mỗi khu vực bố trí một công tắc, tránh những nơi không cần mà bóng đèn vẫn thắp sáng; giảm bóng đèn ở những vị trí cần ít ánh sáng hoặc tận dụng được ánh sáng tự nhiên bên ngoài. Công ty cũng áp dụng tiết kiệm điện theo hình thức điện 3 giá, tăng số lượng giờ lao động vào giờ thấp điểm mà theo ông Tuấn là giảm được 1,4 giá điện so với giờ cao điểm. 
Tuy nhiên, nhìn chung, tình trạng lãng phí năng lượng điện đang diễn ra ở khắp nơi, từ gia đình đến các nơi công cộng, các tổ chức, cơ quan sử dụng vốn ngân sách và kể cả doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế. Đối với các hộ, phần lớn họ chưa hiểu hết được cách thức sử dụng các thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm. Ví dụ, mỗi lần tắt, mở ti vi bằng điều khiển từ xa; hay cắm máy giặt vào nguồn điện trong quá trình không sử dụng vẫn làm tiêu hao điện năng. Đó còn là việc mua các thiết bị điện chưa phù hợp với sử dụng của mình. Theo một tính toán, nếu 1 triệu gia đình ở Việt Nam thay bóng 75W bằng bóng đèn tiết kiệm điện thì tổng năng lượng điện tiết kiệm được hàng năm tương đương 280 tỷ đồng.
Mặt khác, một số gia đình khá giả có suy nghĩ, chi phí tiền điện hàng tháng rất nhỏ so với tổng chi phí sinh hoạt trong gia đình nên không để ý hoặc không có ý thức tiết kiệm điện. Họ không biết rằng nếu mỗi người, mỗi nhà tiết kiệm một chút, góp lại sẽ tiết giảm một lượng điện rất lớn. Đối với các tổ chức, cơ quan sử dụng nguồn ngân sách, bên cạnh một số nơi đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện thì vẫn đang còn nhiều cơ quan còn tình trạng dùng xả láng, “cha chung không ai khóc”. Có lần, hẹn làm việc với lãnh đạo đơn vị nọ trên địa bàn Thành phố Vinh, đứng trước cửa phòng vị lãnh đạo đó, đèn sáng trưng, hơi mát từ phòng phả qua khe cửa mát rượi. Nhìn vào trong không có một ai. Chờ đợi một lúc, vị lãnh đạo này không xuất hiện, làm động tác thử thì cửa bị khóa, tôi đành lấy máy gọi, đường dây bên kia vang lên “Cho tôi xin lỗi, vì có việc riêng nên tôi đã đi Nghi Lộc, hẹn cô dịp khác nhé!”.
Đây không phải là trường hợp hiếm, có nhiều phòng làm việc của lãnh đạo và cán bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị mà tôi được chứng kiến, mặc dù chủ nhân của căn phòng ngồi họp cả buổi ở phòng họp cơ quan hay đi họp ngoài cơ quan nhưng đèn điện vẫn bật, quạt và điều hòa vẫn chạy thoải mái. Đây là nguyên nhân lý giải việc ở một đơn vị cấp ngành nọ sử dụng điện vượt công suất trạm biến áp lắp đặt dẫn đến chập cháy nhiều lần. Tình trạng này xảy ra, đơn vị chức năng nhắc nhở đơn vị sử dụng tiết kiệm thì đơn vị vẫn chỉ hiểu, điện là một hàng hóa mang tính dịch vụ phải khuyến khích sử dụng, chứ không phải là đi khuyên người ta tiết kiệm. Nói về lý thuyết kinh doanh thì đúng như vậy, tuy nhiên phải hiểu rằng, đây là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cao hơn là trách nhiệm với quốc gia. Bởi để sản xuất ra mỗi KW/h điện là phải mất đi một số diện tích rừng tương ứng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái các sông suối, gây ra lũ lụt, thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và bao hệ lụy khác.
Tiết kiệm điện còn có ý nghĩa tạo điều kiện để nơi cuối nguồn điện có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, tránh tình trạng bóng đèn không thể sáng, nồi cơm không thể sôi và mùa hè quạt không thể chạy là thực tiễn đang xảy ra ở nhiều địa bàn nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tình trạng lãng phí điện năng trên địa bàn tỉnh còn thấy rõ trên các ngõ phố, con đường, điện chiếu sáng bật khi trời chưa tối hoặc đã sáng rõ; bật với độ sáng không cần thiết suốt cả đêm như ở tuyến đường Trương Văn Lĩnh (xã Nghi Phú); trên các hệ thống đèn quảng cáo của các công ty, nhà hàng...
Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An, Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, thừa nhận: “Việc thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn I (2011 - 2013) trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ tiết kiệm điện năng còn thấp. Tuy nhiên giai đoạn đầu này đã hình thành nhận thức, ý thức tiết kiệm năng lượng trong các hộ dân đến các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn ngân sách và các doanh nghiệp”. Ông Phong cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra việc tiết kiệm năng lượng ở các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Đây là các cơ sở sử dụng nguồn năng lượng tiêu hao rất lớn, cho nên ở các đơn vị này áp dụng các biện pháp tiết kiệm sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng vô cùng lớn. Cùng với đó kiểm tra, nhắc nhở các tổ chức, cơ quan sử dụng vốn ngân sách, hình thành ý thức tiết kiệm trong cán bộ, công chức, từ đó tạo sức lan tỏa lớn đối với cộng đồng. Mặt khác, sẽ phân chia đối tượng để triển khai, ví dụ như ngành xây dựng cần phải thiết kế các công trình để có thể tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; ngành giao thông phải thiết kế những cung đường, lộ trình an toàn và tiết kiệm năng lượng... Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần hình thành bộ phận quản lý năng lượng ở cấp, đơn vị mình để làm sao sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện năng trong tương lai tiếp tục tăng mạnh. Các chuyên gia cảnh báo: với tốc độ tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm và nhu cầu sử dụng các thiết bị gia dụng gia đình ngày càng tăng lên, trong khi nguồn năng lượng là hữu hạn, khoảng 8 - 15 năm nữa thay vì xuất khẩu dầu thô, than đá, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của đất nước, đặc biệt, nếu nguồn tài nguyên và năng lượng cạn kiệt thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay trong việc thực hành tiết kiệm điện. Sự vào cuộc tích cực của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ là yếu tố quyết định góp phần bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia và môi trường sống. Mỗi người dân, gia đình tiết kiệm điện là tham gia bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai. 
Mai Hoa

tin mới

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

(Baonghean.vn) -Giá vàng miếng SJC liên tục xô đổ mọi kỷ lục, tăng vọt lên trên 92 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng thêm, chạm mốc 77 triệu đồng/lượng. Vàng tăng giá sốc, thị trường vàng ở Nghệ An chỗ đông đúc người giao dịch, chỗ lại vắng lặng….

Châu chấu gây hại cho rừng mét ở huyện Tân Kỳ

Châu chấu gây hại cho rừng mét ở huyện Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, châu chấu lưng vàng đã phát sinh tàn phá rừng mét ở huyện Tân Kỳ, nhiều diện tích đã bị châu chấu ăn trụi lá. Châu chấu lây lan, gây hại trên diện rộng là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Đường Namyangju Dasan

Những cung đường mộng mơ sắc tím giữa lòng thành Vinh

(Baonghean.vn) - Những ngày này, đi qua tuyến đường Namyangju Dasan và Phùng Chí Kiên, thành phố Vinh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những hàng bằng lăng tím trải dài, đua nhau khoe sắc. Đây đang trở thành thành điểm check - in hấp dẫn ở thành Vinh thời điểm này.