Nghệ An bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Phú Hương 01/08/2022 13:01

(Baonghean.vn) - Sáng 1/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo Đánh giá Kết quả thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chế biến gỗ xuất khẩu.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội thảo.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phú Hương

Tiềm năng lớn

Với diện tích trên 1 triệu ha đất có rừng, trong đó gần 174.000 ha rừng trồng đã thành rừng, gần 46.000 ha rừng trồng chưa thành rừng và gần 789.000 ha rừng tự nhiên, diện tích đất có rừng của Nghệ An ngày càng tăng và hiện tại là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Đặc biệt hiện có hơn 200 nghìn ha rừng trồng, chất lượng, sản lượng rừng trồng từng bước đã nâng lên, độ che phủ rừng luôn nằm ở tốp đầu của cả nước, bước đầu hình thành nên lâm nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.

Các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội thảo. Ảnh: Phú Hương

Từ nỗ lực và những giải pháp hiệu quả những năm qua, đến nay, toàn tỉnh đã có 10.289 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), trong đó diện tích rừng trồng là 9.450 ha; có hơn 219.749 ha rừng trồng có tiềm năng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, dự kiến trong năm nay, sẽ có 13.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tuy nhiên, lĩnh vực lâm nghiệp vẫn chưa phát huy tốt lợi thế, nguồn lực tự nhiên hiện có, đặc biệt là việc nâng cao giá trị các chuỗi sản phẩm lâm nghiệp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở Nghệ An còn chậm, tư duy phát triển còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế phát triển của ngành lâm nghiệp xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững.

Trồng rừng gỗ lớn sẽ tạo điều kiện phát triển lĩnh vực chế biến. Ảnh: Phú Hương

Từ ý kiến chỉ đạo và tham gia thảo luận của các đại biểu, hội thảo cơ bản đã làm rõ được tiến trình thực hiện quản lý rừng bền vững; khả năng tiếp cận các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu lâm sản hợp pháp của thị trường thế giới. Đồng thời, thảo luận, phân tích, đánh giá những khó khăn, thuận lợi, từ đó đề xuất những giải pháp thời gian tới.

Phấn đấu phần lớn diện tích rừng trồng nguyên liệu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Tiến tới mục tiêu phần lớn diện tích rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu: Cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, ngành lâm nghiệp và các địa phương, đơn vị liên quan phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đầu tư trong Khu lâm nghiệp Ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến lâm sản.

”Cần thúc đẩy trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao có quy mô lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng để tạo động lực phát triển”, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời, có giải pháp phát huy tốt chức năng từng loài rừng như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Các doanh nghiệp chế biến lâm sản cần tập đầu tư công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường; mở rộng và vươn rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., làm tốt vai trò đầu tàu hỗ trợ người dân trong việc cấp và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các chủ rừng là tổ chức nhà nước đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 50.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.

Mới nhất

x
Nghệ An bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO