Những cống hiến lặng thầm mang màu áo blouse trắng

Những cống hiến lặng thầm mang màu áo blouse trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ở Nghệ An, có rất nhiều cán bộ y tế là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Họ lặng thầm cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Tấm áo blouse trắng họ khoác lên đã là hiện thân của tri thức, của danh dự, của nhân cách người thầy thuốc thanh cao.

Môi trường đặc biệt

“Hùng tâm thần”, “Bác sĩ Hùng tâm thần” – Những danh xưng thiếu sự trân trọng này đã một thời khiến bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An ám ảnh mỗi lần anh được xướng tên. Ám ảnh này bắt nguồn từ sự tự kỳ thị khi mà ngành tâm thần trước đây được đánh giá kém phần danh giá so với các chuyên ngành y khác, bao gồm các yếu tố: môi trường làm việc đặc thù, đối tượng bệnh nhân đặc biệt và kể cả thiệt thòi về mức thu nhập, đãi ngộ, đời sống của cán bộ y tế.

bna_Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An khám, điều trị cho trẻ mắc rối loạn tâm thần do sử dụng thiết bị kết nối Internet quá nhiều. Ảnh Thành Chung.JPG
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An khám, điều trị cho trẻ mắc rối loạn tâm thần do sử dụng thiết bị kết nối Internet quá nhiều. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng kể: Sau 3 năm công tác ở Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, năm 2008, vì lý do gia đình, tôi xin chuyển về làm việc ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Phải nói rằng, những ngày đầu, bản thân tôi khá bỡ ngỡ, hụt hẫng do sự thay đổi môi trường làm việc. Nếu như môi trường ở bệnh viện đa khoa khiến cán bộ y tế năng động hơn thì môi trường mới có phần lạ lẫm, với nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như bệnh nghề nghiệp. Ở đây, bệnh nhân tỉnh táo thì ít; bệnh nhân bị rối loạn tâm lý thì nhiều. Thay vì cảm ơn thì các bệnh nhân vẫn thường chống đối, chửi bởi, đòi đánh những cán bộ y tế giúp đỡ mình. Thậm chí có bệnh nhân sau khi ổn định, được xuất viện rồi vẫn rất “ghét” y, bác sĩ.

Bên cạnh điều lạ lẫm thì bác sĩ Hùng cũng nhận ra những điều rất “dễ thương”, đó là: Mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau rất cởi mở, chia sẻ. Những bệnh nhân tâm thần đều là những người nghèo, không có sức lao động và thậm chí không thể kiểm soát hành vi – họ rất đáng thương. Trách nhiệm của người thầy thuốc làm việc trong lĩnh vực tâm thần là hết sức vinh quang. Cứu trị thành công cho một người bệnh tâm thần đồng nghĩa với việc cứu trị cho cả một gia đình, giảm bớt gánh nặng và một nguy cơ cho cả xã hội…

bna-bac-si-nguyen-canh-hung-tham-kham-cho-benh-nhan-anh-thanh-chung-7246.jpg
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Ý thức rõ trách nhiệm của nghề y, thấu cảm với nỗi đau của người bệnh và gia đình, bác sĩ Hùng đã nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới; học tập kiến thức, trau dồi kỹ năng để thực hiện tốt chức trách điều trị, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người bệnh. Nắm vững chuyên môn, tận tâm với người bệnh, bác sĩ Hùng đã nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp, ghi nhận từ các cấp lãnh đạo và lần lượt được bổ nhiệm các cương vị trưởng phòng, trưởng khoa và phó giám đốc bệnh viện.

Càng tiếp cận các vấn đề chuyên môn sâu mới nhận thấy tâm thần là chuyên ngành rất khó, nhiều thách thức. Để điều trị được sự rối loạn chức năng của bộ não thì người thầy thuốc cần có kiến thức vững vàng, có kỹ năng, có hiểu biết về vấn đề xã hội và sự say mê với nghề nghiệp. Như ta đã biết, tâm thần là tên gọi chung của nhiều nhóm bệnh. Bệnh nhân tâm thần thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, tôn giáo, nghề nghiệp, dân tộc khác nhau. Mỗi bệnh nhân lại phải cần một thái độ, phương thức tiếp cận và biện pháp xử lý khác nhau. Người thầy thuốc cần phải có trình độ hiểu biết nhất định mới có thể nhìn nhận được bản chất vấn đề bệnh nhân đang gặp phải.

Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng

Khi bị rối loạn tâm thần, người bệnh có xu hướng rất ít chia sẻ, trao đổi. Bởi vậy, bản thân người thầy thuốc phải có sự đồng cảm, hoà đồng, yêu thương với người bệnh; có sự quan sát, nghe ngóng từ người bệnh và người nhà một cách kỹ càng; phải kiên nhẫn để tiếp cận và xâm nhập vào thế giới của người bệnh… từ đó mới có hướng chẩn đoán, liệu pháp và chiến lược điều trị lâu dài cho bệnh nhân.

16 năm gắn bó với ngành tâm thần, nhìn lại quá trình công tác lặng thầm “không được bệnh nhân nhớ ơn” của mình, bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng chưa bao giờ hối hận vì đã lựa chọn “đi vào thế giới của người không bình thường về tâm trí”. Anh tâm sự: "Bây giờ, xã hội ngày càng phát triển, các mặt bệnh ngày càng nhiều, nhu cầu điều trị về tâm thần ngày càng lớn. Là một bác sĩ tâm thần, tôi rất vinh dự được làm nhiệm vụ cứu người, phục vụ bệnh nhân. Bản thân sẽ cố gắng nâng cao kiến thức, cống hiến đem chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, giảm bớt gánh nặng cho xã hội".

Bước chân không mỏi trên vùng dịch

Cũng tương tự như thầy thuốc ở chuyên ngành tâm thần, những cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch bệnh luôn thầm lặng cống hiến. Họ “phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ” - Bác sĩ Phạm Đình Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An là một người như vậy.

bna-vao-ban-tuyen-truyen-phong-chong-dich-benh-sot-ret-anh-tu-thanh-7561.jpg
Vào bản tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt rét. Ảnh: Từ Thành

Bác sĩ Phạm Đình Tùng chính thức gia nhập vào “đội quân” phòng chống sốt rét ở Nghệ An vào thời khắc cao điểm năm 1992. Bác sĩ Tùng kể: Năm 1991 – 1992, Nghệ An là điểm nóng về sốt rét của toàn quốc. Dịch xảy ra liên tục. Tất cả các huyện miền núi, trung du đều có dịch. Lúc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song đích thân về Nghệ An chỉ huy công tác phòng chống dịch. Chính phủ, Bộ Y tế và tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập Đội y tế lưu động với sự tham gia của hơn 100 sinh viên trường y, cán bộ y tế để chống dịch sốt rét. Tôi là một thành viên trong đội.

Nhiệm vụ của Đội y tế lưu động lúc bấy giờ là đi đến từng bản làng để tuyên truyền, vận động phòng chống, lấy mẫu phát hiện sốt rét, phun thuốc, tẩm màn và điều trị. Ở đâu có dịch thì đội y tế lưu động có mặt. Hết dịch ở địa bàn này lại chuyển sang địa bàn khác. Những năm đó, bản làng ở miền Tây Nghệ An “tan hoang” vì sốt xuất huyết. Có những bản làng, 90% người dân mang trong mình ký sinh trùng sốt rét; lúa chín ngoài nương rẫy nhưng không có người khoẻ mạnh để thu hoạch.

Năm 1994, dịch sốt rét ở Nghệ An đi qua cao điểm, Đội y tế lưu động giải tán. Bác sĩ Phạm Đình Tùng và một số đội viên ưu tú được tuyển dụng, biên chế chính thức vào Trạm sốt rét của tỉnh (sau này là Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Nghệ An). Bác sĩ Tùng cùng đồng nghiệp lại tiếp tục vác ba lô với những kính hiển vi, thuốc điều trị sốt rét lặn lội đi bộ, tìm đến những bản làng để chống dịch.

Mỗi đợt công tác thường kéo dài 2 – 3 tháng. Bản này hết dịch thì chúng tôi lại sang bản kia. Có những địa bàn cực kỳ khó khăn, để leo qua được con dốc đến bản có khi mất cả ngày trời. Khi đã vào bản chống dịch thì không có phương tiện liên lạc. Có trường hợp người thân mất đã nhiều ngày rồi mới có thể về để chịu tang.

Bác sĩ Phạm Đình Tùng

bna-xuat-phat-len-duong-chi-vien-cho-ha-tinh-17-3748.jpg
Bác sĩ Phạm Đình Tùng và đoàn công tác tỉnh Nghệ An xuất quân vào chi viện tỉnh Hà Tĩnh phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Chung

Bước chân của các cán bộ y tế làm công tác phòng, chống sốt rét (trong đó có bác sĩ Tùng) đã in dấu trên tất cả bản làng miền Tây xứ Nghệ. Họ đã bám dân, bám bản để phòng chống dịch... Với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, đầu tư nguồn lực của Trung ương và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, nỗ lực của cán bộ y tế cơ sở, chuyên ngành sốt rét ở tỉnh Nghệ An, dịch bệnh dần từng bước được đẩy lùi, loại trừ.

bna-can-bo-y-te-nghe-an-ho-tro-tinh-ha-tinh-trong-cong-tac-lay-mau-xet-nghiem-cho-nguoi-dan-anh-cdc-nghe-an-773.jpg
Cán bộ y tế Nghệ An hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh trong công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: CDC Nghệ An

Dịch sốt rét ở Nghệ An đã rút lui, nhưng với cá nhân bác sĩ Phạm Đình Tùng, hành trình chống dịch chưa dừng lại. Trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, cá nhân bác sĩ Tùng đã luôn xung phong, đi đầu. Năm 2007, ở Nghệ An bắt đầu nổi lên các bệnh về ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán đường ruột, sán dây, ấu trùng sán lớn, giun đũa chó mèo, giun lươn… với tỷ lệ mắc cao. Bác sĩ Tùng đã được điều động về nhận nhiệm vụ phát triển các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị những mặt bệnh này. Năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông là người dẫn đoàn cán bộ y tế Nghệ An chi viện cho tỉnh Hà Tĩnh chống dịch. Bản thân ông cũng đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh, khi đảm nhiệm vai trò “chuyên gia” hàng đầu trên các địa bàn được phân công phụ trách như thị xã Cửa Lò và các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.

Ngày nào còn dịch thì mình còn tiếp tục “hành quân” để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Chỉ mong rằng, hệ thống y tế dự phòng tiếp tục được đầu tư, quan tâm hơn nữa để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt được hiệu quả cao hơn.

Bác sĩ Phạm Đình Tùng

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.