Xây dựng trường chuẩn: Không nên hình thức

(Baonghean.vn) - Mục tiêu của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là phấn đấu đạt các tiêu chuẩn cần thiết của một nhà trường, đảm bảo các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện. Theo đó, các trường đạt chuẩn quốc gia phải hội đủ 5 tiêu chí: Chất lượng cán bộ quản lý (Ban giám hiệu nhà trường); Chất lượng đội ngũ giáo viên; Cơ sở vật chất trường, lớp học; Thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục; Chất lượng các mặt giáo dục của học sinh.

Thực tế, để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, khó khăn nhất là kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn. Trong mấy năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và đại bộ phận nhân dân thành phố Vinh đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ và lợi ích trực tiếp, gián tiếp trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Nhân dân thành phố Vinh tích cực đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm nhiều thiết bị phục vụ dạy và học, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển không ngừng.

 

         Một giờ học của các cháu trường mầm non Sao Mai, phường Quán Bàu.

Điển hình như Trường Mầm non Sao Mai (trước đây thuộc phường Lê Lợi). Năm 2005 trường được tách về phường mới Quán Bàu. Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, cũng như tạo vị thế mới không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất. Xác định được điều đó nhà trường chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, tham mưu tích cực, sâu sát với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất. Nhận thấy sự quyết tâm của Ban giám hiệu, Phường Quán Bàu đồng ý phê duyệt đề án xây dựng trường mới với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng trên khuôn viên 5.100m2. Trường Mầm non Sao Mai chính thức chuyển sang cơ sở mới từ đầu năm học 2011 - 2012. Tuy đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng trường đã có 10 phòng học đạt chuẩn theo quy định (mỗi phòng học đều có phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh và hiên chơi với đầy đủ tiện nghi tối thiểu), có đủ các phòng chức năng. Phường còn đầu tư mua sắm 14 bộ máy vi tính và kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong phường đóng góp.

Cô Nguyễn Thị Anh Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho biết: cùng với việc Phường Quán Bàu đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng trường học, đầu năm học 2011 - 2012, các lực lượng trong phường đã đóng góp 117 triệu đồng giúp trường trang bị thêm nội thất (bàn ghế, phản nằm, chăn, chiếu) cho các phòng học, phòng nghỉ trưa của các cháu. Nhà trường phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia trong năm học tới.

Hưởng ứng cuộc vận động tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, năm học 2010 - 2011, cha mẹ học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh đã đóng góp được 10,828 tỷ đồng, các trường đã sử dụng 7,952 tỷ đồng mua thiết bị, đồ dùng dạy học và sách tham khảo; học kỳ 1 năm học 2011 -2012, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của thành phố Vinh đã đóng góp được 10,937 tỷ đồng và đã chi 6,480 tỷ đồng.

Với những việc làm thiết thực đó, cuối năm 2011, đã có 36/52 trường tiểu học, THCS có thư viện đạt chuẩn; 37/41 trường mầm non, 24/29 trường tiểu học và 100% trường THCS có phòng đồ dùng dạy học; các trường mầm non có 507, tiểu học có 652 và THCS có 741 máy vi tính; trong số 1.331 phòng học của các trường mầm non, tiểu học, THCS, đã có 1.243 phòng kiên cố, chỉ còn 77 phòng bán kiên cố. Với sự đồng thuận cao như vậy song tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của thành phố Vinh vẫn bị đánh giá còn chậm.

Năm học 1995 - 1996 thành phố Vinh và huyện Nam Đàn là hai địa phương đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chọn làm điểm trực tiếp chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 1997 - 1998, cả Nghệ An có 3 trường tiểu học Cửa Nam, Hưng Dũng 1 và Kim Liên được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó 2 trường đóng trên địa bàn thành phố Vinh.

Tính đến cuối tháng 5/2012, thành phố Vinh có 54/102 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ngành học mầm non 20/41, cấp tiểu học 24/29, cấp trung học cơ sở 07/23 và cấp trung học phổ thông đạt 3/9; ngoài ra còn có 08 trường tiểu học và 01 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2.

So với các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố Vinh trong những năm gần đây đều xếp sau nhiều huyện, thị xã. Cuối năm 2008 Ngành Giáo dục thành phố Vinh xếp thứ 6. Đầu năm 2010 Vinh tiếp tục xuống bậc thứ 7, sau cả Quỳ Châu, Yên Thành. Đến giữa năm 2011, Vinh đạt 51% lại tụt thêm một bậc, đứng thứ 8, sau Quỳ Châu, Con Cuông.

Theo ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Vinh: Công tác quản lý nhà trường; đội ngũ giáo viên; công tác xã hội hoá giáo dục; hoạt động và chất lượng giáo dục của các nhà trường không còn là sức cản trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, bởi nếu xét riêng 4 nội dung đó thì gần như trường nào cũng đạt chuẩn. Duy khó nhất là điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Nguyên nhân của tình hình này là do điều kiện kinh tế các phường, xã khó khăn, không có để đầu tư cho nhà trường.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục cũng như lãnh đạo ngành lại cho rằng: các trường tiểu học còn lại của Vinh chưa đạt chuẩn quốc gia không phải vì thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy và học. Các trường không đạt chuẩn quốc gia bởi cảnh quan khuôn viên nhà trường, là môi trường sư phạm của nhà trường chưa đảm bảo các yêu cầu xanh, sạch, đẹp, yên tĩnh, thoáng mát; đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh: có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào cây xanh... Khi không đạt những yêu cầu này sẽ kéo theo không thể đạt yêu cầu về giáo dục toàn diện.

Như vậy, những yêu cầu trên không cần nhiều tiền như xây dựng phòng học, xây dựng phòng chức năng. Xã Hưng Lộc – một xã vùng ven, đời sống nhân dân chủ yếu là nông nghiệp và buôn bán nhỏ nhưng cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia. Trường tiểu học Hưng Lộc còn là mô hình điểm về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với môi trường học thân thiện, tích cực. Hay trường tiểu học Châu Bình 1 - một trường miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng bằng sự năng động của cô hiệu trưởng Nguyễn thị Lan Hương đã khơi dậy được trong mỗi giáo viên lòng yêu nghề yêu trẻ, tận tâm với học sinh với nhà trường. Tấm lòng, những việc làm của nhà trường, của các cô giáo đã khiến phụ huynh yên tâm, tin tưởng gửi con cũng như ủng hộ nhà trường từ vật chất đến tinh thần.

Những mô hình, điển hình xây dựng, củng cố và phát triển trường chuẩn quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của người hiệu trưởng phải có tâm, có tầm, năng nổ, tích cực tạo nên những kết quả cụ thể, những việc làm thiết thực, chắc chắn chính quyền, nhân dân địa phương sẽ ủng hộ; các bậc cha mẹ học sinh sẽ không tiếc công, tiếc của đóng góp để xây dựng trường học cho con em mình.

Thiết nghĩ, việc xây dựng trường chuẩn là việc làm đúng đắn, mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, khi xây dựng trường chuẩn cần phải bảo đảm các tiêu chí theo quy định, song đừng vì hình thức, vì danh nghĩa và thành tích.

Thảo Nhi

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.