Từ nâng cao sức khỏe đến nhận thức

(Baonghean) - Đến Trường Tiểu học Nghi Diên (Nghi Lộc) đúng lúc tiếng trống vang lên báo kết thúc giờ nghỉ trưa. Từ các lớp học, học sinh xếp lại chăn gối, kê lại bàn ghế rồi ùa ra sân trường. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là một trường học nông thôn còn nhiều khó khăn, nhưng sân trường rất sạch, đẹp với bồn hoa cây cảnh tươi tốt, các em tập trung và lần lượt đứng trước bồn rửa tay, rửa mặt. Đây là hình ảnh không dễ thấy tại các trường học nông thôn cách đây vài năm.

Chứng kiến các em, từ học sinh lớp 1 đến anh chị chững chạc hơn của lớp 5, đều rửa tay rất đúng “quy trình”, chúng tôi đến bắt chuyện. Hồ Mạnh Hùng- học sinh lớp 5A vừa xoa xà phòng quanh tay, vừa vui vẻ khoe: “Từ ngày trường xây nhà vệ sinh, lắp bồn, vòi nước chúng em rất phấn khởi vì có nơi rửa tay, nơi vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, không phải sợ hãi, bịt mũi như ngày xưa nữa. Cô giáo bảo chúng em là lớp đàn anh, không chỉ tự mình giữ gìn mà phải hướng dẫn cho các em lớp sau, cùng bảo vệ khu vệ sinh...”.

Còn cậu bé Hồ Khắc Lộc, mặc dầu chỉ là học sinh lớp 1 nhưng khi rửa tay xong đã biết treo chiếc khăn lau rất ngay ngắn trên dây phơi. Em nói em đã được các thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều lần nên luôn “thuộc bài”. Vệ sinh cá xong, các em tự giặt khăn mặt bằng xà phòng rồi đem ra phơi. Mỗi chiếc khăn được thêu một tên để tránh nhầm lẫn.

Học sinh Trường Tiểu học Nghi Diên (Nghi Lộc) rửa tay bằng xà phòng.
Học sinh Trường Tiểu học Nghi Diên (Nghi Lộc) rửa tay bằng xà phòng.
Còn nhớ, mới chỉ 3 năm về trước, Trường Tiểu học Nghi Diên mặc dù đã có hệ thống nước máy nhưng thường xuyên bị mất nước. Vì vậy, nhà trường đành khắc phục bằng cách đào giếng khoan. Nhưng vùng đất này đá ong nhiều, cũng khó khoan được sâu, có năm học khoan đến 4 - 5 lần mới có nước nhưng cũng không  dùng được bởi nhiễm mặn từ khu vực sông chợ Cầu. Lại loay hoay xây bể để nhờ trời có nước mưa, thế nhưng nước mưa cũng chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ, nên trường thường xuyên phải thuê ô tô đi mua nước máy từ Vinh chở về. Khu vực vệ sinh vì vậy luôn bẩn bụi và hôi hám.
Hiệu trưởng nhà trường - cô Nguyễn Thị Mai cho hay: Từ năm 2012, có nguồn nước máy khá ổn định, lại được Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học đầu tư trên 100 triệu đồng, là một “cú hích” quan trọng để nhà trường phát động sự chung tay của phụ huynh xây dựng công trình vệ sinh cho thầy và trò. Công trình vệ sinh lát gạch men, ốp đá trắng tinh, sạch sẽ, được gắn biển chỉ dẫn, có  gương soi... đã đem đến một hình ảnh mới cho ngôi trường. Ngoài hệ thống nước máy, còn có hệ thống nước lọc và nước mưa phòng khi mất nước máy nữa. Cô Mai cũng cho biết thêm, từ khi xây dựng công trình đến nay, việc bảo quản được thầy, cô và các em hết sức chú trọng, chưa hề xảy ra hư hỏng một vòi nước nào. Hội Phụ huynh của mỗi lớp cũng tham gia công tác bảo quản và vệ sinh, tự cắt cử lịch trực nhật luân phiên nhau. Điển hình có phụ huynh Nguyễn Văn Pháp (35 tuổi) giáo dân xóm 10, 1 tuần 2 lần anh tự nguyện đến trường làm vệ sinh công cộng và chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên trường học. 
Mặc dầu nhà trường hợp đồng một người dọn vệ sinh hàng ngày, nhưng vẫn có lịch trực của các lớp khuyến khích các em lau chùi bồn nước, giặt khăn tay, quét nền nhà... để các em có ý thức tự lập, biết giữ gìn vệ sinh chung. Hiện nay cả 3 cấp học ở Nghi Diên đều được đầu tư xây dựng hệ thống nước máy, có nhà vệ sinh sạch sẽ.
Với trường học vùng đồng bằng, đó đã là sự đổi thay đáng kể, thì lên với huyện miền núi Tân Kỳ, sự ngạc nhiên của chúng tôi càng nhân lên gấp bội. Trường THCS Nghĩa Đồng, nơi chúng tôi đến xứng đáng là một điểm sáng về nước sạch vệ sinh môi trường của ngành Giáo dục tỉnh nhà. Tại đây, khu vực bồn rửa tay bằng xà phòng và công trình vệ sinh tự hoại được xây dựng liền kề trên diện tích rộng 50m2 với 7 vòi nước, tổng nguồn vốn đầu tư là hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp năm 2012.
Em Nguyễn Đình Hùng- học sinh lớp 7D cho biết: “Từ  chiếc dép đi dưới chân chúng em cũng lau chùi sạch mới đi vô nhà vệ sinh. Giờ ra chơi đông bạn vào rửa tay, rửa mặt..  nhưng chúng em không tranh giành, xô đẩy. Trước đây, rất nhiều người trong số học sinh chúng em chưa biết thế nào là công trình vệ sinh tự hoại, khi nhìn thấy còn chưa biết dùng như thế nào. Thế nhưng giờ đây, nhiều bạn còn biết vận động bố mẹ xây tại nhà mình cho hợp vệ sinh”.
Quả đúng như thế, không chỉ đảm bảo sức khỏe, mà những công trình này đã tạo ra thói quen tốt cho các em, nói như thầy Nguyễn Văn Mạnh- Hiệu trưởng nhà trường thì còn tập một “kỹ năng sống”, giúp các em tự tin hơn khi tiếp xúc ở những nơi văn minh, và trên hết là thay đổi nhận thức của chính các em và người thân. Việc chung tay gìn giữ một công trình cũng tăng cường tính đoàn kết cho các em.
Giống như ở Trường THCS, tại Trường Tiểu học Nghĩa Đồng 2, chúng tôi cũng chứng kiến công trình vệ sinh sạch sẽ, khang trang được xây dựng trong năm học vừa qua. Tại đây còn treo tấm bảng xanh rất lớn ngay phía trên khu vực rửa tay: Bảng nội quy hướng dẫn 6 bước rửa tay bằng xà phòng. Là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu NS&VSMT, đến nay Tân Kỳ đã có gần 60% trường học, cơ sở giáo dục có công trình nước sạch đạt tiêu chuẩn, có nhà tiêu, hố tiểu hợp vệ sinh. Ngoài các trường kể trên, các trường: THCS Giai Xuân, THCS Nghĩa Hành, Tiểu học Thị trấn Lạt, Tiểu học Kỳ Sơn... đều có công trình nước sạch- vệ sinh sạch, đẹp.
Được biết, trước đây, do nguồn vốn hạn hẹp, nên các chương trình đầu tư cho ngành Giáo dục chủ yếu là xây dựng phòng học, phòng chức năng, mua sắm thiết bị dạy học... mà chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh trường học. Từ năm 2009, thực hiện Chương trình NS& VSMT nông thôn, ngành Giáo dục & Đào tạo đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe học sinh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Trong 4 năm qua, chương trình đã tài trợ xây dựng trên 57 công trình nước sạch và nhà vệ sinh, tạo điều kiện đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Song song với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với chuyên gia phụ trách y tế của tỉnh tổ chức tập huấn về NS&VSMT cho gần 3.000 cán bộ quản lý phòng Giáo dục các huyện và giáo viên cốt cán các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Hàng năm, chương trình còn tổ chức thí điểm và đại trà các hoạt động nhân Ngày thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) với số học sinh hưởng ứng lên đến hàng chục ngàn em. 
Trên cơ sở chỉ đạo, quản lý chung của sở, toàn ngành thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính khóa và lồng ghép nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường ở các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), môn Khoa học (lớp 4,5), môn Sinh học, môn Giáo dục công dân (lớp 6, 7, 8, 9) hoặc các tiết học ngoại khóa về các nội dung này, qua đó giúp học sinh biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tuyên truyền, vận động gia đình và cộng đồng tích cực cùng tham gia. Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức phát động Tuần lễ quốc gia về “Nước sạch và vệ sinh môi trường”, Ngày Môi trường thế giới (5/6) đến tất cả trường học, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Các đơn vị, trường học đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức ngày hội vệ sinh trường học, lễ mít tinh, diễu hành, thi vẽ tranh, thi văn nghệ, treo khẩu hiệu về nước sạch, vệ sinh môi trường... Những đơn vị đã tích cực hưởng ứng và triển khai các hoạt động phong phú, đa dạng như: Phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Đàn, Đô Lương, Tân Kỳ..
Để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015, trong đó đề ra mục tiêu: “Đến cuối 2015, 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh” theo Quyết định số 366 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đề xuất Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí. Song song với việc đầu tư, nâng cấp công trình, toàn ngành chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành về chương trình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học phổ thông.
T.V-T.H

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.