Bài 3: Sớm ổn định đội ngũ cán bộ chuyên trách

(Baonghean) - Người làm công tác dân số được ví như "người vác tù và hàng tổng" phải ngày đêm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"... đòi hỏi ngoài lòng yêu nghề, nhiệt huyết còn có cả những "hy sinh" và cống hiến thầm lặng. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ cấp xã kéo dài 4 năm qua đã tạo nên tâm lý chán nản, bỏ bê công việc và tác động bất lợi đến công tác DS/KHHGĐ.


--> Xem Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Những hy sinh thầm lặng


Sinh năm 1980, tốt nghiệp cao đẳng, anh Văn Thuyên vào làm cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Làm công tác dân số ở một xã đặc biệt khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về sinh đẻ có kế hoạch còn hết sức hạn chế. Lòng nhiệt tình của một người trẻ, trách nhiệm của một cán bộ chuyên trách dân số xã luôn thôi thúc anh đem hết tâm huyết của mình cống hiến. Lên cho mình một kế hoạch tuyên truyền bài bản; công phu xâu nối, vận động, kêu gọi sự vào cuộc của các già làng, trưởng bản; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay, góp sức thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Địa bàn công tác cách trung tâm huyện gần 30 km, đường sá cách trở, khó đi, mỗi tháng một lần ra huyện họp giao ban, tiền xăng xe cả đi lẫn về hết gần 1/3 tiền phụ cấp hàng tháng; đó là chưa kể những hôm mưa gió, không thể tự đi xe, phải thuê xe lai loại Min-khơ chạy ra huyện mất đứt cả tháng phụ cấp. Rồi thì tiền thuê người đánh vi tính báo cáo; tiền chè thuốc, nước nôi mỗi lần họp cộng tác viên... anh phải đem tiền túi của mình ra bù.

 Bài 3: Sớm ổn định đội ngũ cán bộ chuyên trách ảnh 1

   Cán bộ chuyên trách dân số hướng dẫn chị em thực hiện biện pháp KHHGĐ


8 năm gắn bó với công việc chuyên trách dân số xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), chị Bùi Thị Thúy Dung luôn tự dặn lòng "công việc lấy vui làm chính, nghề "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng là vậy, phải cố gắng thôi". Với 468.000đ/tháng, chị cũng không biết mình đã xoay xở thế nào để chia cho đủ tiền xăng xe lên huyện họp, xuống các xóm vận động người dân. Xã có hai xóm nằm tách biệt bên tả ngạn sông, hàng tháng chị phải đi hai lần đò sang đó dự sinh hoạt câu lạc bộ với bà con, tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các biện pháp tránh thai. Đặc biệt, vào mùa chiến dịch, chị phải "nằm vùng" ở các xóm, tất bật từ sáng sớm đến tối mịt. Nhờ đó, công tác Dân số/KHHGĐ ở Đỉnh Sơn có những chuyển biến tích cực: tỷ lệ sinh con thứ ba giảm 1,6% so với năm 2010; toàn xã có 7 xóm không có người sinh con thứ ba (tăng 1 xóm so với năm 2010); số người sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 106%...

Với những vất vả, với trách nhiệm mà những người như chị phải gánh vác so với số tiền phụ cấp ít ỏi mà chị nhận được hàng tháng thì quả là bất cập. Nhưng chị vẫn kiên trì bám trụ với nghề, bởi cái tâm, bởi trách nhiệm và còn bởi niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ được tuyển dụng vào biên chế, trở thành viên chức y tế xã theo Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008. Trong 4 năm chờ đợi mỏi mòn, chị vừa tiếp tục học lên đại học để "đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ", đồng thời "tự lo cho mình" bằng cách đem tiền nhà nộp tiền bảo hiểm, để "lỡ ra" còn có đồng lương sau này... Và để có tiền đóng bảo hiểm hàng tháng chị còn kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chăn nuôi, trồng trọt.


Thực tế cho thấy, nhiệm vụ cán bộ chuyên trách dân số rất nặng nề. Mỗi cán bộ chuyên trách dân số xã phải "gánh" 6 đầu việc: xây dựng kế hoạch công tác năm, chương trình công tác quý, tháng; cập nhật dữ liệu dân cư; tham mưu cho chính quyền địa phương về các hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ và phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện; trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ CTV, tuyên truyền vận động, tư vấn, cung cấp các dịch vụ; tổ chức giao ban hàng tháng để kịp thời giải quyết hoặc xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Chuẩn bị nội dung và báo cáo hàng tháng theo quy định cho Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện... Đặc biệt, vào mùa chiến dịch, khối lượng công việc tăng lên gấp bội. Vậy nhưng, số tiền phụ cấp mà họ nhận được hàng tháng quá "hẻo". Niềm hy vọng lớn nhất của họ là sớm được tuyển dụng vào biên chế, trở thành viên chức y tế xã.


Sớm thực thi một đề án


Theo Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương thì "Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trạm trưởng trạm y tế xã, chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện". Tiếp đến, ngày 29/7/2008 UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 38/2008 về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu, tổ chức bộ máy và khẳng định: "Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã là viên chức của trạm y tế xã".

Vậy nhưng, vì nhiều lý do từ đó đến nay, mặc dù vẫn làm tròn bổn phận, nhiệm vụ của một viên chức, nhưng 480 chuyên trách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn không được hưởng lương theo quy định. Thay vào đó, hàng tháng họ vẫn chỉ nhận được tiền phụ cấp xăng xe với mức chi trả theo hệ số từ 0,45 mức lương tối thiểu hiện hành. Cụ thể là 0,55 đối với các xã, thị trấn vùng núi thấp và 0,65 đối với các xã, thị trấn vùng cao. Sau khi trừ đi tiền phụ cấp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện đang được hưởng (150.000 đồng/tháng đối với miền xuôi; 200.000 đồng/tháng đối với miền núi), phần chênh lệch sẽ do ngân sách địa phương chi trả. Tính ra, cụ thể mỗi một chuyên trách xã ở đồng bằng, đô thị được hưởng phụ cấp 292.500 đồng/tháng; vùng núi thấp là 357.500 đồng/tháng và vùng núi cao: 422.500 đồng/tháng.


4 năm mòn mỏi đợi chờ, đã không ít cán bộ chuyên trách xin thôi việc, kiếm nghề khác mưu sinh, nhiều người có tâm lý chán nản, bê trễ công việc và một bộ phận đang đứng trước nguy cơ không được vào biên chế, bởi thời điểm năm 2008, họ đạt chuẩn trình độ, trong độ tuổi tuyển dụng công chức nhưng sự chậm trễ trong thực hiện, triển khai giờ họ đã quá tuổi vào công chức nhà nước.


Trước bất cập đó, Chi cục Dân số/KHHGĐ đã làm việc với Sở Nội vụ và dự thảo đề án" Sắp xếp, bố trí định biên và tuyển dụng cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ trở thành viên chức y tế tại các xã, phường, thị trấn" và sẽ trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp sắp tới. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 480 cán bộ chuyên trách sẽ được vào biên chế và 6.517 cộng tác viên dân số thôn, bản sẽ được hưởng mức phụ cấp 83.000đ/tháng.


Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ chia sẻ: "Dân số Nghệ An đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nhưng vấn đề trọng tâm, được coi là "chìa khóa" quyết định để ngành hoàn thành chương trình mục tiêu dân số đó là sớm thực hiện được chính sách, chế độ cho đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên cơ sở. Đây là một quyết sách mang tính nhân văn cần sớm được thực thi nhằm ổn định tư tưởng của những người làm công tác dân số, "an cư lạc nghiệp" khi họ yên tâm gắn bó với nghề, sống được với nghề thì chắc chắn họ sẽ đem hết tâm sức của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".


Hiện trên phạm vi cả nước đã có 25 tỉnh, thành phố hoàn thiện việc tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số xã thành viên chức y tế xã. Trong đó, nhiều tỉnh kinh tế còn khó khăn như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Bình... Việc sớm ổn định bộ máy làm công tác dân số đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Dân số/KHHGĐ ở các tỉnh nêu trên.

Thông tư 05/2008/TT-BYT quy định: "Cán bộ chuyên trách phải hội đủ các điều kiện có bằng cấp chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, hộ khẩu tại xã và nằm trong độ tuổi tuyển dụng"... Sau khi được tuyển dụng, họ sẽ được biên chế chức danh, được đóng BHXH và hưởng các quyền lợi khác như một cán bộ công chức cấp xã, phường. Tuy nhiên, việc thực hiện chậm trễ đã gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho công tác dân số. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại đã có trên 50 cán bộ chuyên trách dân số xã xin nghỉ việc vì lý do chế độ phụ cấp quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Và đội ngũ cộng tác viên dân số thôn bản thường xuyên biến động và rất khó tìm người thay thế...                                           

Duy Nam

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.