“Mỗi người dân khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh”

(Baonghean) - Ấy là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về tầm quan trọng của sức khỏe con người. Hôm nay và mãi mãi mai sau, tư tưởng của Người vẫn sẽ là chân lý vì sự hưng thịnh của quốc gia. Tuy nhiên, thực tế, tương quan về thể lực và tầm vóc so với nhiều quốc gia trong khu vực, người Việt vẫn thuộc về một cộng đồng “mỏng cơm, lép vế”. Thua thiệt này chính là một trong những nguy cơ tác động đến sự phát triển ổn định, lâu dài của Quốc gia và dân tộc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Việt – Phó Trưởng Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh: Lâu nay người Việt Nam làm việc, lao động, sáng tạo bằng ý chí là chủ yếu. Đối sánh với các nước Châu Á và ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia tầm vóc và thể lực của người Việt Nam đều không bằng. “Người Việt Nam chăm chỉ, dẻo dai” đó là cách nói dành nhiều sự khen ngợi cho tinh thần và ý chí chứ không phải sự thừa nhận về hình thức, dáng vóc và thể lực. “Khi các cầu thủ bóng đá Việt Nam thi đấu quốc tế, so sánh với các đội bóng nước ngoài nhìn cứ thấy tồi tội thế nào ấy. Vừa tủi vừa thương cho người Việt mình quá”  - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Việt chia sẻ. 

Kỳ vọng về thể lực và tầm vóc của người Việt

(ảnh chụp tại Trường Tiểu học Hưng Dũng II).

Điều tra, nghiên cứu của Bộ VHTT&DL cho thấy: Nam thanh niên nước ta hiện nay cao hơn 4,7cm so với năm 1975, chỉ số này đối với nữ thanh niên là 4 cm. Theo đó, nếu năm 1975 chiều cao của nam thanh niên là 159cm thì hiện nay là 163,7cm. Đối với nữ là 149 và 153. Tuy nhiên sự phát triển này vẫn chậm hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia ở Châu Á. Đơn cử như Nhật Bản, giai đoạn từ năm 1950 đến 1980 cứ trong vòng 10 năm, chiều cao của người Nhật tăng trung bình trên 3,3cm. Chính vì vậy ở lứa tuổi 20, người Nhật Bản cao hơn 10cm so với lứa 40 – 50 tuổi.

Cũng theo khảo sát vào năm 2010 của Viện Khoa học TDTT - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm và chiều cao trung bình của nữ thanh niên thấp hơn chuẩn quốc tế 10,7cm. Trên cơ sở nhìn nhận của khoa học, tầm vóc, thể lực của một cộng đồng, dân tộc được nghiên cứu, đánh giá trên 3 tiêu chí cơ bản, là gien di truyền, chế độ dinh dưỡng và cơ chế vận động thể dục thể thao. Ngoại trừ yếu tố gen là ít có sự can thiệp, còn lại chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể  dục thể thao nếu được áp dụng một cách đầy đủ và khoa học thì hoàn toàn có khả năng cải thiện sức khỏe, thể lực và tầm vóc con người. Bởi vậy, mỗi con dân đất Việt hoàn toàn có niềm tin để tìm kiếm cơ hội nâng cao sức vóc cho con em, thế hệ kế cận mình trước những đòi hỏi khách quan của cuộc sống và lịch sử.

Để cải thiện thể hình và thể lực cho một vài trẻ nhỏ thì không khó, nhưng muốn thay đổi cả một cộng đồng, lớn hơn là một dân tộc thì hoàn toàn không đơn giản. Đây chính là lý do ra đời của Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011. (gọi tắt là Đề án 641) Mục tiêu tổng quát của Đề án 641 là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Nhiều mục tiêu cụ thể cũng được xác định như: Cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định. Đối tượng của Đề án gồm bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi...

Thực tế, không phải đến bây giờ vấn đề cải thiện nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt mới được đề cập, nhiều nhà chuyên môn trong nước manh nha hình thành bằng những khảo sát và nghiên cứu cách nay hơn 10 năm. Tuy nhiên, chỉ đến khi vấn đề được cụ thể hóa bằng một công trình khoa học hoàn chỉnh, trở thành bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện đời sống thực tiễn thì mới được đưa vào để thí điểm thực hiện.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Trưởng Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh thì việc áp dụng Đề án 641 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Xét trên 2 tiêu chí cơ bản để nâng cao tầm vóc và thể lực cho người Việt Nam là chế độ dinh dưỡng và tập luyện TDTT thì cũng là một bài toán không dễ tìm ra cách giải. Vấn đề không chỉ là ăn uống hay tập luyện mà thực sự liên quan đến hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, môi trường, thói quen sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Điều này biểu hiện ngay ở Nghệ An, với những đặc thù khó khăn của từng vùng, miền, sự chênh lệch giữa các khu vực đồng bằng - miền núi; đô thị - nông thôn. Cụ thể như đối với Đề án 641 đã có chủ trương thực hiện tại các tỉnh, thành phố, song ở Nghệ An vẫn chưa chính thức triển khai.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Để thực hiện đề án, trước hết cần tổ chức nghiên cứu đánh giá cụ thể về thực trạng. Liên quan đến việc phát triển yếu tố con người, lâu nay ngành y tế Nghệ An đang thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về nâng cao chất lượng y tế, dân số... Ngay cả công tác này cũng đang gặp không ít khó khăn.

Còn bà Lê Thị Hoài Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An xác nhận: Hoàn toàn không biết rõ về Đề án 641, nhưng việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thì từ năm 1999 trung tâm đã thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Nội dung can thiệp trên 2 phương diện là cân nặng tính theo tuổi và chiều cao tính theo tuổi.

Theo đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng tính theo tuổi ở Nghệ An năm 1999 là 45,1% và đến năm 2012 tỷ lệ này là 20,2%. Còn tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao tính theo tuổi  ở tỉnh ta năm 1999 là 47% và đến nay là 30,8%. Nghệ An vẫn đứng trong tốp những địa phương có trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao chiếm tỷ lệ cao trong cả nước.

Hơn thế, nói là chương trình phòng chống suy dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng trên thực tế kinh phí chỉ đủ thực hiện đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi chỉ duy trì được việc kiểm tra cân nặng và đo chiều cao mà thôi. Bà Lê Thị Hoài Chung chia sẻ: “Bà mẹ nào lại chẳng mong muốn con mình khỏe mạnh, cường tráng. Tất cả đều do cuộc sống khó khăn, nhiều nơi ở miền núi chế độ dinh dưỡng của người dân phụ thuộc vào việc họ kiếm được cái gì mỗi ngày. Nhận thức hạn chế cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ không được phát triển toàn diện”.

Đối tượng của Đề án 641 là bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Điều này cũng có nghĩa đối tượng chủ yếu thuộc về trẻ từ trong bào thai đến học sinh các cấp học từ nhà trẻ, mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, nhóm mầm non và tiểu học với đặc thù học bán trú nên phần lớn các hoạt động sinh hoạt, ăn uống diễn ra tại trường học. Chính vì vậy đây sẽ là nhóm đối tượng dành được sự quan tâm nhiều hơn cả.

Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó phòng GD&ĐT Thành phố Vinh cho biết, lâu nay vấn đề dinh dưỡng cho trẻ được thực hiện theo phần mềm thực đơn kid smart. Tất nhiên, việc bổ sung các loại chất vi lượng, sữa, protein, canci, vitamin như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có cả phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh thông qua nguồn kinh phí đóng góp. Đối với khu vực đô thị, việc góp thêm tiền để những bữa ăn cho trẻ được đảm bảo có thể không thành vấn đề, nhưng sẽ là việc hết sức khó khăn cho phụ huynh các vùng nông thôn miền núi.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, thì việc áp dụng các hoạt động thể dục thể thao nhằm phát triển tầm vóc và thể lực là mục tiêu cốt lõi. Theo đó, đối tượng cần được tăng cường giáo dục thể chất là học sinh từ 3 đến 18 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn này có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và trưởng thành của một cá nhân. Chính vì vậy việc thực hiện can thiệp bằng hoạt động TDTT có ý nghĩa then chốt thúc đẩy sức bền, độ dẻo dai cũng như chiều cao, cân nặng của con người.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Việt khẳng định, việc rèn luyện bài bản và khoa học về thể dục thể thao cho học sinh, nhất là trước và trong giai đoạn dậy thì sẽ tạo ra sự kích thích phát triển. Điều này khắc phục được những hạn chế về thể lực của người Việt Nam vốn được xem là “thấp bé nhẹ cân”. “Chúng ta sẽ không hình dung được mình sẽ mạnh như thế nào nếu tinh thần, ý chí của người Việt cộng hưởng với một dáng vóc tương xứng và trí tuệ thông minh truyền thống…”. Quả là không dễ để hình dung dáng vóc, hình thể của những thế hệ người Việt Nam sau 20 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, cái mà mọi người đã nhìn thấy, là hiện nay chưa có nhiều người Việt có thói quen rèn luyện sức khỏe bằng thể dục thể thao. Hoạt động vận động hình thể, cơ bắp ít khi được quan tâm, để ý. Vấn đề nữa là hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất vừa yếu lại vừa thiếu.

Nghệ An hiện có 362/1.557 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia các giai đoạn, chiếm tỷ lệ 23,25%, song tỷ lệ này không bao gồm sự đầy đủ về cơ sở vật chất chuyên sâu dành cho công tác giáo dục thể chất. Thậm chí đến thời điểm này vẫn còn nhiều trường học ở nhiều địa phương điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất dành cho môn học Giáo dục thể chất vẫn chưa đáp ứng được.

Ở khu vực nông thôn và miền núi, nhiều trường phải mượn sân tập của huyện, của xã hoặc xóm để duy trì môn học. Ngay với TP. Vinh – trung tâm kinh tế - văn hóa Bắc miền Trung trong tương lai gần thì thống kê của ngành Giáo dục & Đào tạo thành phố cũng cho thấy, thời điểm này toàn thành phố mới chỉ có 8/28 trường tiểu học và 7/23 trường THCS có nhà đa năng dành cho môn học giáo dục thể chất và hoạt động TDTT.

Bên cạnh đó, các em trong độ tuổi học đường lâu nay vẫn phải học bộ môn bắt buộc này bằng giáo trình cách nay nhiều năm. Nghĩa là không có sự thay đổi về bản chất hoạt động giáo dục phổ cập về thể chất trong trường học. Nhưng đó cũng chưa phải là điều cốt lõi khiến nội dung giáo dục thể chất ngày càng có xu hướng rời xa đối với lứa tuổi học đường. Vấn đề thuộc về nhận thức, quan niệm không chỉ của một cá nhân, gia đình mà nó gần như đã trở thành lề thói bất thành văn của một hệ tư tưởng.

Hơn nữa, phần lớn phụ huynh chỉ tập trung định hướng cho con em học các môn học văn hóa, còn môn giáo dục thể chất chẳng mấy khi được biết đến. Việc quá coi trọng các môn như: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Tin học hay Hóa học, Vật lý và xem nhẹ rèn luyện TDTT vô hình chung đã tạo ra sự mất cân bằng về phát triển đối với mỗi cá nhân và tạo ra sự thiếu toàn diện của con người trong cộng đồng, xã hội. Sẽ không có một trí tuệ minh mẫn, sáng tạo, bền bỉ trong một cơ thể yếu ớt và sẽ chẳng đứa trẻ nào có thể trở thành giáo sư, bác sĩ, nhà toán học, vật lý đích thực nếu bị hạn chế về sức khỏe, thể lực. Dù biết vậy, nhưng các giáo viên bộ môn giáo dục thể chất đành chấp nhận sự thiệt thòi về phía mình và chờ đợi sự thay đổi.

Đề án Tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần cải tạo giống nòi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, điều mà Đề án 641 mang lại không chỉ là những nội dung cụ thể đã vạch ra. Hơn hết đó là vấn đề mang tính chất bản lề cần được nhìn nhận trên quan điểm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân. Đó là cách để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của lịch sử.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công". Người còn khẳng định: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe…”. Tư tưởng của Bác đã trở thành chân lý vì sự hưng thịnh của quốc gia và dân tộc.

Đề án 641 được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2020 được thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao. Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2030 được thực hiện trên cơ sở thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng trong phạm vi toàn quốc và hoàn thiện đề án. Đề án gồm 4 chương trình trọng tâm: 1. Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. 2. Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. 3. Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi. 4. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Đào Tuấn

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.