Chiến thắng của Trump đảo lộn trật tự thế giới

(Baonghean.vn) - Chiến thắng bầu cử đêm 8/11 của Donald J. Trump đã gây chấn động ra cả ngoài biên giới nước Mỹ, đảo lộn trật tự thế giới vốn tồn tại suốt nhiều thập niên qua và làm dấy lên những câu hỏi sâu xa về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu.

Chiến thắng của Donald Trump dự báo về một nước Mỹ chú trọng nhiều hơn các vấn đề đối nội, mặc thế giới tự lo liệu. Ảnh: NYT.
Chiến thắng của Donald Trump dự báo về một nước Mỹ chú trọng nhiều hơn các vấn đề đối nội, mặc thế giới tự lo liệu. Ảnh: NYT.

Lần đầu tiên kể từ trước Chiến tranh thế giới thứ 2, người Mỹ đã chọn ra 1 vị tổng thống hứa hẹn đảo lộn chủ nghĩa quốc tế đã được những người tiền nhiệm đến từ cả 2 đảng phái áp dụng trong thực tiễn và xây lên những bức tường ngăn cách cả hữu hình lẫn vô hình. Chiến thắng của ông Trump như tín hiệu cho thấy hình ảnh 1 nước Mỹ tương lai tập trung vào các vấn đề nội địa nhiều hơn và bỏ mặc thế giới tự lo liệu, xoay sở.  

Cuộc cách mạng của kẻ ngoại đạo đã đưa ông Trump lên nắm quyền trong giới cầm quyền bao gồm cả 2 chính đảng ở Washington cũng phản ánh bước chuyển căn bản trong hoạt động chính trị quốc tế, từng được minh chứng bởi những sự kiện như cuộc trưng cầu ý dân của Anh về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Thành công của ông Trump có thể khích động các phong trào theo chủ nghĩa dân túy, ủng hộ người bản xứ, chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ đóng chặt biên giới tại châu Âu và lan sang nhiều khu vực khác trên thế giới.

Thị trường toàn cầu ngay lập tức bị ảnh hưởng sau kết quả bầu cử hôm 8/11, và nhiều nơi trên thế giới người ta đang vắt óc để luận ra kết quả đó đồng nghĩa với điều gì tại địa phương của họ. Với Mexico, dường như đó là sự báo trước một kỷ nguyên đối đầu mới với người láng giềng phương Bắc. Với châu Âu và châu Á, nó có thể viết lại những nguyên tắc liên minh hiện đại, các thỏa thuận thương mại và viện trợ nước ngoài. Với Trung Đông, nó dự báo khả năng gắn kết với Nga và làm mới xung đột với Iran.

Agustín Barrios Gómez, nguyên là nghị sỹ quốc hội tại Mexico và chủ tịch Quỹ hình ảnh Mexico (tổ chức xúc tiến danh tiếng, hình ảnh đất nước ra bên ngoài) phát biểu: “Chẳng nói trước được điều gì”.

Chung quan điểm, Crispin Blunt, Chủ tịch ủy ban phụ trách các vấn đề đối ngoại tại Hạ viện Anh nhìn nhận: “Chúng ta đã bị rơi vào thế thiếu chắc chắn và vô định”.

Nhiều người liên hệ chiến thắng của ông Trump với việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và nhìn thấy khả năng tan rã trên diện rộng hệ thống quốc tế đương đại. Gérard Araud, đại sứ Pháp tại Mỹ viết trên Twitter: “Sau Brexit và cuộc bầu cử này, mọi thứ đều có thể xảy ra. Thế giới đang sụp đổ trước mắt chúng ta”.

Bầu cử Mỹ thực sự đã “mê hoặc” mọi người từ khắp nơi trên thế giới trong đêm định mệnh thứ Ba: cú đêm theo dõi truyền hình trong một nhà trọ bình dân ở Tel Aviv, kỹ sư máy tính cập nhật kết quả bằng máy tính xách tay ở Hong Kong, và thậm chí những kẻ từng khủng bố đường ống dẫn dầu ở vùng Delta xa xôi của Nigeria cũng bày tỏ lo lắng ông Trump đắc cử sẽ ảnh hưởng tới quốc gia của họ.

Gần như chẳng có gì phải ngạc nhiên khi phần lớn thế giới đều ủng hộ Hillary Clinton hơn ông Trump - người định hình chính sách đối ngoại “Nước Mỹ là số 1”.

Ông đã hứa hẹn xây một bức tường dọc biên giới với Mexico và tạm thời cấm người nhập cư Hồi giáo bước chân vào Mỹ. Ông đặt dấu hỏi về cam kết bấy nay của Washington với các đồng minh NATO, kêu gọi cắt giảm viện trợ nước ngoài, ca ngợi Tổng thống Nga Putin, thề phá vỡ các thỏa thuận thương mại quốc tế, đả kích Trung Quốc và gợi ý các đồng minh châu Á phát triển vũ khí hạt nhân.

Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton được ủng hộ ở nhiều nước, trừ Nga. Hồi mùa Hè năm ngoái, Trung tâm nghiên cứu Pew nhận thấy người dân tại toàn bộ 15 quốc gia được khảo sát tin rằng bà Clinton sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề đối ngoại hơn so với ông Trump, với tỷ lệ 10:1.

Một điệp vụ tuần tra tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Thành công của ông Trump có thể châm ngòi cho các phong trào dân túy, ủng hộ người bản xứ, chủ nghĩa dân tộc, đóng cửa biên giới đang hiện hữu tại châu Âu và lan sang các khu vực khác trên thế giới. Ảnh: Getty.
Một điệp vụ tuần tra tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Thành công của ông Trump có thể châm ngòi cho các phong trào dân túy, ủng hộ người bản xứ, chủ nghĩa dân tộc, đóng cửa biên giới đang hiện hữu tại châu Âu và lan sang các khu vực khác trên thế giới. Ảnh: Getty.

Những tuyên bố của Trump về vấn đề quân sự và kinh tế đã khiến nhiều quốc gia phải suy tính về một con đường phía trước vắng bóng đồng minh Mỹ. Kunihiko Miyake, cựu quan chức ngoại giao của Nhật Bản, hiện đang giảng dạy tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto nói: “Vấn đề là liệu Mỹ có tiếp tục can dự vào các vấn đề quốc tế với tư cách là một đồng minh có thể tin cậy đối với các bạn bè và đồng minh nữa hay không. Nếu Mỹ không làm vậy nữa, toàn bộ các đồng minh châu Âu, Trung Đông và châu Á của Mỹ sẽ phải xem xét lại cách thức tự bảo vệ mình”.

Tại Đức, nơi quân đội Mỹ đã đồn trú hơn 7 thập niên qua, viễn cảnh rút quân có vẻ gây nhiều bối rối. Henrik Müller, giáo sư báo chí tại Đại học Dortmund viết trên tờ Der Spiegel: “Đó sẽ là sự kết thúc của một thời đại. Thời hậu chiến mà các vũ khí hạt nhân của Mỹ cùng sự hiện diện quân sự của họ tại châu Âu làm lá chắn bảo vệ cho phương Tây và kế đó là các quốc gia Trung Âu sẽ không còn nữa. Châu Âu sẽ phải tự lo lấy vấn đề an ninh của mình”.

Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban quốc hội Đức phụ trách vấn đề chính sách đối ngoại, đồng thời cũng là một thành viên của đảng cầm quyền, cho rằng ông Trump “hoàn toàn không phù hợp” để lên nắm quyền. Ông nói: “Ít nhất thì chiến thắng của Trump cũng có thể dẫn tới sự ghẻ lạnh tồi tệ nhất giữa châu Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua.”

Có lẽ không ở đâu mà chiến thắng của ông Trump lại đáng báo động hơn ở Mexico, nơi vốn phản đối những lời hứa của Trump về việc xây tường và bắt láng giềng phía Nam của Mỹ phải trả tiền cho điều đó.

Rossana Fuentes-Berain, Giám đốc Phòng nghiên cứu truyền thông Mexico, và là người sáng lập ấn bản Mỹ-Latinh của tờ Foreign Affairs nói: “Tôi nhìn thấy một mối nguy hiển hiện rõ. Mỗi một thời khắc sẽ là một thách thức. Mỗi một động thái hay tuyên bố sẽ là điều gì đó không để chúng ta được thoải mái trong khu vực - và đó là tổn thất đối với tất cả mọi người”.

Với 531 tỷ USD thương mại hàng hóa hồi năm ngoái, Mexico là đối tác lớn thứ 3 của Mỹ, xếp sau Canada và Trung Quốc. Theo Mexico, chuỗi cung ứng ở cả 2 quốc gia có sự phụ thuộc lẫn nhau, hàng hóa và phụ tùng của Mỹ được chuyển tới các nhà máy ở Mexico để sản xuất sản phẩm, đưa ngược trở lại Mỹ để bán. Còn 5 triệu việc làm của Mỹ trực tiếp phụ thuộc vào thương mại với Mexico.

Đồng peso Mexico ngay lập tức đã rớt giá 13% sau cuộc bầu cử, mức giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Ông Barrios Gómez, nguyên nghị sỹ quốc hội, dự báo trong ngắn hạn đồng peso mất giá khoảng 20%, cũng như cơn suy thoái của Mexico “khi chuỗi cung ứng khắp lục địa trở nên kém linh hoạt và các khoản đầu tư bốc hơi”. Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp tại đây đang “hoảng hốt”.

Hậu quả về mặt kinh tế có thể còn gây chấn động sâu rộng hơn. Izumi Kobayashi, Phó Chủ tịch tập đoàn kinh doanh Keizai Doyukai của Nhật, dự báo sự giảm sút đầu tư nước ngoài tại Mỹ khi các doanh nhân hoài nghi về Trump chờ đợi xem ông sẽ có động thái gì.

Bà Kobayashi nói: “Ông ta đã nhấn mạnh mặt tiêu cực của thị trường toàn cầu cũng như toàn cầu hóa. Nhưng đồng thời, thực sự rất khó trở lại với thế giới thương mại xưa cũ. Vậy ông ta sẽ lý giải như thế nào với những người hưởng lợi, và cả thực tế rằng không cách nào để quay lại mô hình kinh doanh cũ nữa?”.

Sự lo lắng trước chiến thắng của ông Trump ở ngoài nước Mỹ còn vượt xa phạm vi các đối tác truyền thống của quốc gia này. Abubakar Kari, giáo sư khoa học-chính trị tại Đại học Abuja cho biết hầu hết người dân Nigeria tin chính quyền của Trump sẽ không màng đến các vấn đề ngoài lãnh thổ Mỹ.

Macharia Gaitho, một trong những nhà bình luận nổi tiếng nhất Kenya, có bài viết trước giờ khắc công bố kết quả kiểm phiếu, nhận định: “Nếu Trump thắng, chúng ta sẽ phải đánh giá lại các quan hệ với nước Mỹ”.

Búp bê truyền thống matryoshka của Nga mô phỏng (từ trái sang) các tổng thống George Bush, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và tổng thống vừa đắc cử Donald J. Trump trong một cửa hàng tại Moskva. Ảnh: AP.
Búp bê truyền thống matryoshka của Nga mô phỏng (từ trái sang) các tổng thống George Bush, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và tổng thống vừa đắc cử Donald J. Trump trong một cửa hàng tại Moskva. Ảnh: AP.

Một trong những địa danh hiếm hoi nơi chiến thắng của Trump được chào đón nhiệt liệt là nước Nga. Nga giữ vai trò rất lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, khi ông Trump ca ngợi ông Putin và các điều tra viên ở Mỹ kết luận rằng người Nga đã tấn công hộp thư điện tử của đảng Dân chủ.

Vladimir Frolov, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế của Nga nhận xét: “Việc Trump lên làm tổng thống sẽ đưa Mỹ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện, bao gồm cả khủng hoảng kinh tế. Mỹ sẽ mải bận tâm với các vấn đề của riêng mình và sẽ không đem mớ câu hỏi đến làm phiền ông Putin”.

Ông này nói thêm: “Kết quả là, Moskva sẽ mở ra cánh cửa cơ hội trong lĩnh vực địa chính trị. Chẳng hạn, họ có thể giành quyền kiểm soát đối với Liên bang Xôviết cũ và một phần Trung Đông”.

Những người khác cũng cố tìm ra khía cạnh tích cực trong tình hình hiện nay. Nhà lập pháp Anh Blunt nói rằng ông lấy làm phấn khởi trước việc ông Trump chọn thống đốc bang Indiana Mike Pence liên danh tranh cử, và cho rằng Anh có thể sẽ là ngoại lệ đối với thái độ thù địch của tân tổng thống dành cho các thỏa thuận thương mại.

Israel là một nơi nữa mà Trump được ủng hộ phần nào, chủ yếu là bởi người dân nước này cho rằng ông sẽ để họ rảnh tay ứng biến với cuộc xung đột lâu đời với người Palestine. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo khác của Israel cùng giới bình luận lo ngại về việc Mỹ từ bỏ can dự vào khu vực Trung Đông vốn ngập tràn các vấn đề chiến tranh, khủng bố và biến động.

Yohanan Plesner, nguyên thành viên Quốc hội Israel, hiện là chủ tịch Viện Dân chủ Israel nói: “Không thể trì hoãn các quyết định. Tình hình tại Syria rất hỗn loạn. Bất ổn trong khu vực vẫn đang tiếp diễn. Nước Mỹ phải quyết định rằng họ có muốn giữ vai trò tích cực trong việc định hình các diễn biến của khu vực hay không”.

Và ngay cả một số quốc gia có thể kỳ vọng hưởng lợi khi Mỹ “thu mình” lại cũng tỏ ra lo lắng về những tác động có thể xảy ra. Phản ứng khá khác thường, Trung Quốc quan ngại về lời hứa rút quân đội Mỹ khỏi châu Á của Trump. Shen Dingli, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải nói: “Nếu ông Trump thực sự rút quân khỏi Nhật Bản, người Nhật có thể sẽ tự phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc cũng có thể hạt nhân hóa nếu Trump hủy triển khai tên lửa và bỏ quốc gia này một mình đương đầu với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Điều đó sao có thể tốt cho Trung Quốc?”.

Riêng với cử tri Mỹ, đó không phải vấn đề quan trọng. Sau nhiều thập niên mải lo lắng đâu là điều tốt đẹp cho các nước khác, họ quyết định rằng đã đến lúc lo về điều tốt đẹp cho nước Mỹ. Và ông Trump đã hứa chỉ làm điều đó, ngay cả khi phần còn lại của thế giới không mong muốn như vậy.

Thu Giang

(Theo NYT)

tin mới

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.