Đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn cho trẻ mầm non

(Baonghean) - Để bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ, phòng tránh các bệnh như còi xương, chậm lớn, thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương, nhà trường đã có cách làm hay nhằm tổ chức bữa ăn dinh dưỡng hợp lý thông qua chế độ ăn bán trú tại trường cho trẻ.

Những năm trước, Trường Mầm non xã Long Sơn (huyện Anh Sơn) còn khó khăn nhiều bề: từ cơ sở vật chất trường lớp đến trang thiết bị dạy học. Điều này chỉ thay đổi khi vào năm 2010, trường được đầu tư xây dựng mới từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Năm học 2011-2012, đảng ủy, chính quyền xã và ban giám hiệu nhà trường đã mở đợt vận động đến phụ huynh học sinh và các cấp ngành trong xã chăm lo cho bậc học mầm non; đồng thời tổ chức cho các cháu ăn bán trú tại trường. Từ tiền đề này đã tạo điều kiện cho Trường Mầm non xã Long Sơn phát triển đi lên từ chất lượng dạy học đến chăm lo bữa ăn giàu chất dinh dưỡng cho các cháu. Các bậc phụ huynh thực sự hiểu và quan tâm chăm lo bữa ăn bán trú cho con em mình. Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho các cháu, 100% phụ huynh cho trẻ ăn bán trú tại trường, thực hiện mức đóng tự nguyện cho bữa ăn các cháu liên tục tăng từ 8.000 đồng/ngày vào năm học 2011-2012 lên 12.000đồng/ngày năm học 2013-2014; 15 /15 chi hội phụ nữ đăng ký ủng hộ cho các cháu 15 con gà/1 tháng vào bếp ăn nhà trường. 

Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh: P.V
Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh: P.V
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực bếp ăn ngăn nắp, sạch sẽ của nhà trường, cô Đặng Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường khoe: Để trẻ được cung cấp đủ dưỡng chất, thực đơn bữa ăn nhà trường áp dụng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm thứ nhất là nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng..); nhóm thứ hai là nhóm thực phẩm chứa tinh bột (gạo, mì, khoai, ngô....); nhóm thứ ba là nhóm thực phẩm chứa các chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật....); nhóm thứ tư là nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng (rau, quả, đặc biệt các loại rau màu xanh thẫm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, rau mồng tơi và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng như chuối, đu đủ, xoài, cà rốt...).  
Nhờ đó, tỷ lệ các cháu suy dinh dưỡng thể thấp còi của trường giảm còn 5%. Sau khi thẩm định ở cấp huyện, ngày 26/10, tới nhà trường đề nghị Sở Y tế về kiểm tra để công nhận bếp ăn đạt tiêu chuẩn an toàn… Chị NguyễnThị Xuân, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Mầm non xã Long Sơn cho biết: “Qua kiểm tra chỉ số cân khám sức khỏe của các cháu, phụ huynh chúng tôi rất hài lòng với sự chăm sóc của các cô. Thấy các cháu được ăn uống hợp lý nên Hội rất ủng hộ. Ngoài tiền ăn đóng hàng tháng ra, Hội còn mua thêm các loại rau củ quả bổ sung cho bữa ăn các cháu”…
Có mặt tại bữa trưa của 60 cháu ở Trường Mầm non xã Cao Sơn cơ sở 2, đã thấy trong tô cơm của các cháu ngoài canh rau đã có thịt và tôm. Thức ăn có vẻ khá ngon, nên các cháu ăn rất hồ hởi, xong phần ăn của mình còn xin thêm. Hỏi chuyện các cô giáo được biết: Đời sống kinh tế của người dân xã Cao Sơn hiện còn nhiều khó khăn, không có tiền đóng góp tiền ăn bán trú cho trẻ, phụ huynh đã góp gạo, trứng gà, rau xanh theo quy định để nhà trường nấu ăn cho trẻ. 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, trẻ được cân, đo 2 tháng 1 lần. Giáo viên nhà trường thực hiện tư vấn cho phụ huynh thực hành bữa ăn dinh dưỡng tại nhà.
Ngoài việc thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các cháu, Trường Mầm non phường Vinh Tân (Thành phố Vinh) rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Lo ngại tình trạng rau xanh không an toàn, từ năm 2010 đến nay nhà trường đã có sáng kiến và thực hiện xây dựng thành công các vườn rau sạch trên phần đất trống trong khuôn viên trường. Chi đoàn thanh niên đảm nhiệm chăm, trồng. Cô giáo Phạm Thị Vân Anh, Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Vinh Tân cho hay: Mùa nào rau ấy, ngoài ra là làm giàn trồng bí, hoa lý và mướp. Vườn rau ngoài việc cung cấp rau sạch cho các cháu còn làm cho môi trường nhà trường xanh, sạch hơn. Từ khi có vườn rau sạch, ở Trường Mầm non Vinh Tân chưa để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào. 
Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho trẻ, nhiều trường mầm non khác trong Thành phố Vinh đã thực hiện việc thường xuyên thay đổi món ăn trong các bữa ăn của các cháu cũng như tự làm sữa đậu nành cho trẻ uống vào buổi chiều. Cô Nguyễn Thị Nam Châu, Hiệu phó Trường Mầm non Hồng Sơn phân tích: Để trẻ luôn cảm thấy ngon miệng, thực đơn được thay đổi theo tuần, theo tháng, theo mùa và theo tháp dinh dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Ngoài ra, các món ăn còn được thay đổi phù hợp với nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương.
Đặc biệt, ưu tiên các loại thực phẩm tươi sống như các loại rau, thịt, cá, tôm, cua, lươn, chim bồ câu, thịt bò… Nhà trường luôn lựa những loại thức ăn giàu chất xơ, với hàm lượng chất béo thấp và thực hiện khẩu phần ăn khoa học. Bữa ăn ở trường là rất quan trọng - ngoài giá trị về mặt dinh dưỡng còn có ý nghĩa giáo dục nhân cách cho các bé như rèn luyện cho bé tính tự lập và khả năng hòa đồng với mọi người.
Tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ mà các trường mầm non nói trên thực hiện rõ ràng là những cách làm rất hay, cần được nhân rộng. Những bữa ăn như vậy sẽ góp phần không nhỏ trong việc phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Hiện tại, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ở tỉnh ta vẫn đang ở ở mức cao 20,2% (trung bình của cả nước là 16,6%); chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm ở mức 17,5% là rất khó thực hiện.
Để chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tốt hơn, bác sĩ Quế Thị Trâm Anh, chuyên viên phụ trách chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh khuyến cáo: “Cần chăm lo dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi lọt lòng bằng việc cho bú sữa mẹ, cho trẻ uống vitamin, bữa ăn cần đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Mỗi gia đình cần trang bị những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho trẻ để tránh một số bệnh thông thường, còi cọc, chậm phát triển, đặc biệt là phối hợp với nhà trường để có những bữa ăn khoa học, đủ chất”.
Thiền Thanh

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.