Tâm huyết "dẫn dắt" phong trào Đội

(Baonghean) - Họ là những giáo viên tâm huyết với nghề dạy học, với hoạt động Đội. Luôn trăn trở tìm cách làm hay, hoạt động bổ ích để thu hút các em tham gia hoạt động Đội. Nhân ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chúng tôi xin giới thiệu những gương mặt Tổng phụ trách Đội tiêu biểu đến từ các vùng, miền khác nhau...

Dùng facebook tập hợp đội viên
Khuôn mặt hiền, nụ cười dễ mến, thầy giáo ngoại ngữ Phạm Kiều Dũng có thâm niên làm tổng phụ trách đội gần 8 năm và được các em học sinh Trường THCS Hồng Sơn (TP. Vinh) quý mến, xem như người anh, người bạn của mình. Năm nay 34 tuổi, thầy giáo Dũng từng có thâm niên 5 năm làm giáo viên cắm bản ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Năm 2008, anh trở về Thành phố Vinh, được tiếp nhận giảng dạy ở Trường THCS Hồng Sơn và được phân công làm tổng phụ trách Đội.
Thầy giáo Phạm Kiều Dũng trong giờ lên lớp.
Thầy giáo Phạm Kiều Dũng trong giờ lên lớp.
Khi bắt tay vào công việc, thầy giáo trẻ mới thấy được những khó khăn, bỡ ngỡ: các đội viên đang ở độ tuổi thường xuyên có những thay đổi về tâm sinh lý, cán bộ phụ trách Đội phải nắm rõ được những điều này mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Vừa làm, vừa tự bổ sung kiến thức về tâm lý lứa tuổi, nghiệp vụ Đoàn Đội, thầy giáo Dũng dần trưởng thành trong vai trò của một Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm. Anh luôn bám trường, bám lớp, xem học sinh như những người em của mình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng trước khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tổng phụ trách Đội cũng là người thường xuyên sâu sát, nắm bắt các biến đổi trong tâm lý, suy nghĩ, hành động của những cô cậu học sinh mới lớn để giúp các thầy cô giáo chủ nhiệm có những điều chỉnh hợp lý hơn. Chính sự nhiệt tình, năng nổ và miệt mài với các em đội viên đã giúp anh Dũng thành công. Nhiều lần, anh được tuyên dương là cán bộ Tổng phụ trách Đội xuất sắc.Trường THCS Hồng Sơn cũng được Hội đồng Đội thành phố đánh giá cao về phong trào đoàn, đội, liên tục trong nhiều năm liền là liên đội xuất sắc cấp thành phố.
Anh tâm sự: “Một trong những bí quyết thành công của mình chính là sự kết hợp giữa chuyên môn và phong trào Đoàn, Đội”. Vì vậy, cùng với hoàn thiện kỹ năng về nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội, thầy giáo Dũng lần lượt khẳng định mình với những danh hiệu như giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn tiếng Anh. Đặc biệt, cách đây 2 năm, khi thấy được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của facebook, anh đã mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức cuộc thi trang facebook của các chi đội. Ý tưởng mới này được lãnh đạo nhà trường đồng ý và ngay lập tức đã thu hút được đông đảo đội viên tham gia. Một Group mang tên “Hội trai đẹp, gái xinh Trường THCS Hồng Sơn” được lập ra, là nơi học sinh trong trường giao lưu, kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm học tập và vô hình trung đã góp phần gắn kết học sinh trong toàn trường. Điều mà rất nhiều hoạt động Đoàn, Hội trước đó chưa làm được. Hiện nay, Group đã có 418 thành viên tham gia. Vào các dịp kỷ niệm, liên chi đội lại tổ chức trang facebook giữa các chi đội, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, hào hứng và độc đáo. Đây cũng chính là nơi giáo viên và học sinh tạo được sự gần gũi nhau hơn sau giờ học.
“Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội hiện nay, nếu Tổng phụ trách Đội đứng ngoài cuộc thì rất khó để tập hợp các em. Chúng ta phải xem facebook là công cụ, là phương tiện góp phần nhanh chóng nắm được tâm tư, tình cảm và những biến đổi trong lứa tuổi của các em để nhanh chóng định hướng, cùng với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh có những điều chỉnh kịp thời. Khi đó, không những phong trào Đoàn, Hội, Đội sẽ thu được hiệu quả mà vấn đề chuyên môn của các thầy, cô giáo kiêm nhiệm cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy giáo Phạm Kiều Dũng tâm sự.
Nguyên Khoa
Tổng phụ trách Đội giỏi cấp quốc gia
Tốt nghiệp khoa Tiểu học Sư phạm - Trường Đại học Vinh, năm 1999 thầy Hồ Văn Giang được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu). Với lòng yêu nghề, tinh thần hăng hái, năng động của tuổi trẻ, thầy Giang được Ban giám hiệu giao nhiệm vụ là Tổng phụ trách Đội. Thầy đã không ngừng phấn đấu đưa công tác Đội và phong trào thanh, thiếu nhi của trường ngày một đi lên và giữ vững danh hiệu "Liên đội vững mạnh" trong nhiều năm. Năm 2004, thầy được phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát tiếp tục đảm nhận vai trò tổng phụ trách Đội của trường. 
Thầy giáo phụ trách đội Hồ Văn Giang.
Thầy giáo phụ trách đội Hồ Văn Giang.
Thầy Hồ Văn Giang tâm sự: Để thu hút học sinh tham gia nhiệt tình vào các phong trào, hoạt động Đội của nhà trường, trước hết người phụ trách phải hiểu tâm lý học sinh, phải gương mẫu, luôn sát cánh cùng với học sinh và tận tình hướng dẫn các em. Đối với những em học sinh nhút nhát, thường xuyên tổ chức các trò chơi hướng các em vào sinh hoạt tập thể để các em mạnh dạn hơn. Bên cạnh đó, thầy không ngừng động viên học sinh nỗ lực học tập, đặc biệt là những học sinh cá biệt, giúp nhiều em vươn lên học tập tốt.
Với việc nắm bắt thông tin, tham khảo các kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước, thầy Giang đã có nhiều sáng kiến trong công tác Đội, ứng dụng có hiệu quả trong thực tế hoạt động đội. Tiêu biểu như: tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa nói chuyện truyền thống, sân khấu hóa hoạt động đội, trò chơi dân gian, tổ chức hành hương về địa chỉ đỏ cho các đội viên, nhi đồng xuất sắc tiêu biểu hàng năm. Bên cạnh đó các hoạt động nhân đạo từ thiện như: Quyên góp sách giáo khoa cũ tặng bạn nghèo, “Tấm áo mùa Đông tặng bạn”, “Góp đá xây Trường Sa” … cũng luôn được quan tâm. Ngoài ra, duy trì tốt các hoạt động nề nếp như thể dục theo nhạc, ca múa hát sân trường, sinh hoạt Đội, Sao nhi đồng theo chủ điểm. Đặc biệt là vận động đội viên thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ, từ sáng kiến này mà thầy và trò Trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát đã làm được nhiều việc ý nghĩa. Hàng năm, từ việc thu gom giấy vụn, liên đội đã góp được một khoản tiền nhỏ dùng để thăm hỏi những gia đình thương binh, liệt sỹ; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Số tiền tuy không nhiều nhưng với phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã giáo dục cho học sinh tinh thần tiết kiệm, bảo vệ môi trường và hình thành nhân cách sống đẹp, biết hướng đến cộng đồng. 
Nhờ vậy nhiều năm liền Liên đội Trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát đã đạt các giải thưởng cao và danh hiệu Liên đội vững mạnh. Cá nhân thầy Giang cũng đạt nhiều thành tích cao như: Năm học 2006 - 2015 được tặng huy hiệu “Tổng phụ trách Đội giỏi quốc gia”, đạt giải Nhì giáo viên, Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh. Năm học 2010 - 2011, được trao Kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ" của Trung ương Đoàn. Nhiều năm liên tục là giáo viên, tổng phụ trách Đội xuất sắc, được Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn tặng Bằng khen, Huyện đoàn tặng Giấy khen…
Việt Hùng
(Đài Quỳnh Lưu)
Chưa bao giờ “hết lửa”...
Đến Trường THCS Thị trấn Tương Dương, điều mà ai cũng phải ngỡ ngàng là nề nếp ở ngôi trường này được duy trì khá tốt: Không có tình trạng học sinh đi muộn, dù tiết học không có giáo viên học sinh vẫn ngồi im ắng ôn bài. Trong 15 phút tự quản đầu giờ lớp nào cũng có hoạt động riêng phù hợp nhu cầu và sở trường của từng lớp. Bởi thế học sinh hào hứng và xem hoạt động Đội là nhu cầu không thể thiếu. Các phong trào văn nghệ, thể thao hay các phong trào Đội "Nghìn việc tốt", "Uống nước nhớ nguồn", "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ" đều được các chi đội triển khai có tính sáng tạo và mang màu sắc riêng.
Ví như trong phong trào “Nghìn việc tốt”, khối lớp 9 chọn việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những TNXP không nơi nương tựa trên địa bàn. Còn khối lớp 8 lại được hướng dẫn chọn việc giúp đỡ các bạn nghèo vượt khó. Các đội viên tham gia phong trào với cả niềm thích thú sự hào hứng. Vì thế trong suốt 5 năm qua, Trường THCS Thị trấn Tương Dương luôn dẫn đầu trong các cuộc vận động "Vòng tay bè bạn", "Giúp bạn vượt khó", "Giúp bạn tới trường - cùng hướng tới tương lai". Có được những thành quả đó là nhờ sự tổ chức chu đáo khoa học cuả cô Lương Thị Luyện, Tổng phụ trách Đội. 
Cô Lương Thị Luyện tại Đại hội  Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ XI.
Cô Lương Thị Luyện tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ XI.
Để tạo được sự lan tỏa và tạo được tấm gương cho học sinh noi theo, chị tổng phụ trách đội phải là người hướng dẫn, chỉ bảo nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng là một người bạn của các em. Chị luôn lắng nghe và chia sẻ với học sinh tất cả những khúc mắc trong học tập rèn luyện và cả trong cuộc sống. Bởi thế với các em cô vừa là người giáo viên mà các em kính trọng vừa là người chị, người mẹ để các em có thể chia sẻ, tâm sự. Chị tâm sự, để lời nói, hiệu lệnh của mình có hiệu lực, trước hết mình phải liên kết và tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong nhà để nhận được sự hỗ trợ toàn diện và đồng bộ trong công tác quản lý nề nếp và hoạt động của học sinh.
Chỉ đơn giản một phong trào nếu các giáo viên chủ nhiệm không thấy thuyết phục bản thân họ sẽ không nhiệt tình trong đốc thúc và chỉ đạo các em. Như thế phong trào sẽ không tạo được sự lan tỏa và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Hay, nếu phương án kế hoạch của năm, của tháng hành động mà mình không sắp xếp khoa học chi tiết và không thực sự phù hợp với đối tượng học sinh của mình thì sẽ không nhận được sự đồng tình của Ban giám hiệu. Và  dĩ nhiên trước giáo viên mình sẽ không có uy tín. Nhờ mối liên kết giữa các tổ chức trong nhà trường và sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nên 100% giáo viên phụ trách các chi đội được tư vấn, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nên các hoạt động diễn ra sôi động, nề nếp và  đi vào chiều sâu. 
Theo chị, giáo viên Tổng phụ trách Đội là một “nghề” đặc thù, vất vả, phải hội tụ được nhiều kỹ năng, nhưng đồng thời phải chịu hy sinh thiệt thòi. Vì thế một người Tổng phụ trách Đội giỏi, trước hết họ phải là một người say nghề. Say nghề, hy sinh vì nghề nhưng chị lại là người để dành những  thời gian vàng ngọc quý báu còn lại cho công tác xã hội. Bản thân và gia đình chị trong nhiều năm qua đã nhận giúp đỡ thường xuyên gia đình thương binh 1/4 Lô Đình Du ở bản Huồi Xén, xã Yên Na; giúp đỡ, hỗ trợ gia đình cháu Vi Văn Công, bản Mác, xã Thạch Giám giống vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ tiền để đào ao, thả cá phát triển kinh tế hộ gia đình theo hình thức trang trại. Giờ đây mô hình đó đã phát triển, gia đình cháu Vi Văn Công đã thoát nghèo. Những việc làm này đã giúp chị trau dồi thêm kỹ năng nghề, đồng thời cũng lan tỏa được tấm gương giáo viên Tổng phụ trách “vừa hồng vừa chuyên”. Đã bước qua tuổi 40 nhưng cô giáo Lương Thị Luyện chưa bao giờ thấy mình hết lửa, hết đam mê với nghề...
Thanh Nga

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.