Thấp thỏm... nỗi lo xét tuyển đại học, cao đẳng!

(Baonghean) - Việc xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng đang mỗi ngày  một “nóng” hơn... Trong khi nhiều thí sinh dù có điểm cao vẫn thấp thỏm lo lắng thì phụ huynh cũng đứng ngồi không yên trước một “ma trận” điểm thi và hồ sơ như hiện nay.
Nhiều ngành sớm đủ chỉ tiêu
Liên tục theo dõi điểm trên mạng suốt một tuần, lo lắng, băn khoăn, cuối cùng sáng ngày 12/8, thí sinh Lê Thị Ngọc Trâm (ở huyện Nghĩa Đàn) phải tới Trường Đại học Vinh xin rút hồ sơ đã đăng ký vào khoa Sư phạm Mầm non. Vào đến nơi, mặc dù được các sinh viên giúp đỡ tận tình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, nhưng trên gương mặt của Trâm không giấu được nỗi buồn bởi ước mơ được vào giảng đường đại học để sau này làm giáo viên mầm non đang ngày một khó.
Chia sẻ với chúng tôi, Trâm nói: Năm ngoái khoa Mầm non chỉ lấy 21 điểm. Em năm nay thi được 23,5 điểm, cứ ngỡ là đậu rồi. Nhưng vì nhiều thí sinh có điểm cao nên điểm của em hiện đang xếp thứ 200, trong khi chỉ có 120 chỉ tiêu. Em rút hồ sơ để có thể đăng ký sang học hệ cao đẳng...
Thí sinh đến nạp hồ sơ tại Trường Đại học Vinh.
Thí sinh đến nạp hồ sơ tại Trường Đại học Vinh.
Cho đến thời điểm này, sau 10 ngày nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, đã có hơn 100 thí sinh đến Trường Đại học Vinh xin rút hồ sơ hoặc xin đăng ký sang các khoa, ngành khác. Nhiều thí sinh phải thay đổi nguyện vọng nhiều lần, bởi các em chưa xác định được chính xác mức điểm để đăng ký ngành học phù hợp. Nhiều thí sinh còn nộp hồ sơ theo số đông, nên dẫn đến có những ngành thì quá nhiều hồ sơ xin xét tuyển, có những ngành lại rất ít thí sinh đăng ký.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh, cho hay: “Hiện Trường Đại học Vinh đã nhận được khoảng 3.500 hồ sơ, và nếu theo dõi thường xuyên các thí sinh có thể biết mình đã đậu hay trượt để từ đó có lựa chọn tiếp theo. Đã có một số khoa chốt được danh sách trúng tuyển…”.
“Căng” nhất trong năm nay ở Nghệ An là Trường Đại học Y khoa Vinh,  bởi chỉ có 1.350 chỉ tiêu ở cả hai hệ đại học và cao đẳng, nhưng hiện đã có gần 1.300 hồ sơ xin xét tuyển và dự kiến sẽ còn nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong đó nộp nhiều nhất là ngành Bác sỹ đa khoa, Bác sỹ dự phòng, Cử nhân điều dưỡng, Cao đẳng điều dưỡng. Đặc biệt với ngành Bác sỹ đa khoa, mặc dù chỉ có 300 chỉ tiêu, nhưng đã có gần 500 hồ sơ đăng ký và số điểm thí sinh đăng ký khá cao. Nhiều thí sinh, dù có điểm từ 22 - 23 vẫn có nguy cơ bị loại, bởi từ nay đến cuối thời điểm hết hạn nguyện vọng 1, dự kiến sẽ còn có thêm nhiều hồ sơ đăng ký với số điểm cao hơn. Đó là những trường hợp thí sinh có điểm cao nhưng lâu nay chưa nộp để “nghe ngóng” tình hình. Hoặc ngược lại có nhiều thí sinh khác không có cơ hội vào những trường đại học tốp đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Huế… sẽ quay trở lại nộp đơn vào Trường Đại học Y khoa Vinh. Một điều cũng cần lưu ý với các thí sinh đó là hiện tại trong quá trình nộp hồ sơ, Trường Đại học Y khoa Vinh đã phát hiện có khá nhiều hồ sơ không đúng quy định vì sử dụng phiếu đăng ký nguyện vọng bổ sung, trong khi theo quy định phải dùng phiếu xét tuyển nguyện vọng 1.
Nếu như các trường “top” trên đang khá ung dung với lượng hồ sơ nộp vào nhiều, thì nhiều trường “top” dưới đang đếm từng ngày để “ngóng” thí sinh đến. Tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, sau hơn 10 ngày mới có gần 150 hồ sơ đăng ký vào nguyện vọng 1. Còn lại gần 400 hồ sơ đã trúng tuyển thông qua xét tuyển theo học bạ. 
Lúng túng giữa “ma trận” điểm và nguyện vọng
Đây là năm đầu tiên thực hiện việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi, nên quá trình thực hiện còn có khá nhiều khó khăn, bất cập. Thí sinh Ngô Thị Oanh, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cho biết: Từ khi đăng ký nguyện vọng 1, ngày nào cả gia đình em cũng phải thay nhau vào mạng, cập nhật danh sách  trường mình đã đăng ký, sau đó lại phải tìm kiếm thông tin ở các trường khác để xem trường nào mình có đủ khả năng...”. Từ ngày nộp hồ sơ đến nay, Oanh đã điều chỉnh 4 lần khi đăng ký vào trường Đại học Vinh. Thí sinh Vi Thị Hạnh ở Tương Dương  thì nói rằng, thí sinh vùng cao không có điều kiện để vào mạng truy cập thường xuyên nên rất hoang mang, phụ huynh cũng lo lắng, thấp thỏm với những quyết định rút, điều chỉnh hồ sơ liên tục… 
Đồng hành cùng với con trong những ngày vừa qua, ông Trần Văn Mai - ở phường Hà Huy Tập, TP. Vinh lắc đầu ngao ngán và cho rằng đã quá mệt mỏi. Bởi, dù con của ông thi được 26,5 điểm nhưng chưa biết lựa chọn đăng ký vào trường nào. Những trường thuộc tốp đầu như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế thì điểm biến động thường xuyên. Nếu nộp vào nhưng không chắc chắn đậu thì lại phải xin rút lại hồ sơ. Nếu nộp ở trường thấp hơn, sau này công bố điểm thì lại sợ  “thiệt” cho con. “Gia đình cũng muốn cho con vào trường an ninh, quân sự,  nhưng các trường này lại không công bố điểm nên chưa biết “mô tê” thế nào” - ông Mai thở dài nói.
Bên cạnh đó, dù Bộ GD - ĐT đã quy định ít nhất 3 ngày một lần các trường phải cập nhật điểm cho thí sinh; nhưng trên thực tế không phải trường nào cũng thực hiện theo quy định này. Hơn nữa, mỗi trường lại có một cách cập nhật khác nhau. Như Trường Đại học Vinh, việc cập nhật theo khoa, theo tổ hợp môn thi khá thuận lợi cho thí sinh khi xem điểm. Nhưng muốn xem các khoa khác lại rất khó và mỗi một lần lại thao tác khác nhau. Và nếu muốn theo dõi được 43 khoa và hàng trăm tổ hợp đăng ký thì thí sinh phải rất kiên nhẫn mới theo dõi hết.
Các trường khác như Đại học Y khoa Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An tuy đã cập nhật điểm cho thí sinh theo thứ tự từ cao đến thấp, nhưng lại không phân biệt theo từng ngành cụ thể nên thí sinh khó sàng lọc để xem điểm. Chưa kể, nhiều lúc lượng thí sinh vào đông, khiến mạng bị nghẽn càng làm cho phụ huynh và thí sinh ức chế. Vì có quá nhiều bất cập như trên, nên có những thí sinh không theo dõi qua mạng mà trực tiếp đến “ăn ở” tại trường để theo dõi diễn biến hàng ngày. Thậm chí, một số phụ huynh hiện nay đang phải khăn gói ra Hà Nội hay vào TP. Hồ Chí Minh cùng với con để bám trường, thấp thỏm theo dõi biến động điểm số...
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tiếp nhận đề nghị thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển và nộp vào trường khác có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành) hoặc có thể tới sở Giáo dục và Đào tạo nơi mình cư trú hoặc tới các trường trung học phổ thông (THPT) do sở quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, việc điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho các thí sinh, đặc biệt là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó, tạo điều kiện cho thí sinh được bình đẳng về cơ hội xét tuyển. Ngay khi nhận được công văn (12/8), Sở sẽ trực tiếp chỉ đạo cho Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, các phòng ban liên quan và các trường THPT trên địa bàn nắm vững tinh thần chỉ đạo của Bộ và mỗi trường sẽ cắt cử giáo viên trực mạng thường xuyên hỗ trợ cho học sinh.
Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, việc điều chỉnh trên của Bộ GD&ĐT chưa thể giúp thí sinh và phụ huynh bớt lo lắng, bất an giữa một “ma trận” của điểm thi và nguyện vọng...
Bài, ảnh: Mỹ Hà
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chiều 12/8, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong số hơn 1.800 bài thi THPT quốc gia yêu cầu phúc khảo, có 23 bài thi được nâng điểm, trong đó môn tiếng Anh 11 bài (trong đó có 1 bài tự luận, 10 bài thi trắc nghiệm), môn Toán có 7 bài, Văn học 2 bài, Địa lý 2 bài, Sinh học 1 bài. Các bài thi được thay đổi điểm số phần lớn là các bài tự luận, cộng điểm sai thành phần. Mức điểm các bài thi phúc khảo tăng trung bình 0,5 điểm/bài thi. Tuy nhiên, các thí sinh nộp đơn phúc khảo bài thi có đậu tốt nghiệp hay không thì sau ngày 15/8 Bộ Giáo dục và Đào tạo  mới công bố.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.