Thầy, trò và những tấm huy chương

(Baonghean) - Có một câu châm ngôn đại ý rằng: Chỉ có những người thầy biết cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim thì mới có thể  hướng dẫn học trò đến ngưỡng của tư duy và tri thức, cũng như khơi dậy ngọn lửa tâm hồn. Và ngược lại, những người học trò được người thầy truyền cảm hứng sẽ tỏa sáng đem lại niềm vui, vinh dự lớn lao cho người thầy và ngôi trường đó… Có lẽ, ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu câu châm ngôn này luôn đúng...

Người thắp sáng những tài năng

Sinh ra ở miền quê nghèo hiếu học Đông Sơn, Đô Lương, đam mê với môn Vật lý từ khi ngồi trên ghế nhà trường và mong muốn tiếp nối truyền thống khoa giáo của gia đình, thầy Trần Văn Nga đã đăng ký thi vào Khoa Sư phạm Vật lý, Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp thủ khoa, thầy xin vào dạy hợp đồng tại Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ, vừa dạy, vừa làm thêm để có tiền trang trải học lên cao học. Năm 2000, sau khi vượt qua hai vòng thi tuyển, thầy Nga trở thành giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và là giáo viên trẻ nhất dạy môn chuyên của trường ngày ấy.
Thầy Trần Văn Nga tận tình chỉ dẫn học trò trong mỗi giờ lên lớp.
Thầy Trần Văn Nga tận tình chỉ dẫn học trò trong mỗi giờ lên lớp.
Trong suốt những năm tháng gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy luôn nỗ lực hết mình để truyền ngọn lửa đam mê ấy cho các thế hệ học trò. Thầy chia sẻ: “Trường chuyên là môi trường tốt để giáo viên tôi luyện. Học sinh của chúng tôi là những em có học lực tốt, đòi hỏi chúng tôi phải phấn đấu mỗi ngày, phải tự học hỏi, tìm tòi tài liệu giảng dạy trên sách, báo, mạng… để nâng cao kiến thức chuyên môn. Đặc biệt, để hoàn thành tốt công việc huấn luyện đội tuyển, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật tài liệu, đề thi trong và ngoài nước, để đạt được ngưỡng, chọn đúng “điểm rơi”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đề thi”. 
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 14 năm, thầy Nga gắn bó với ngôi trường chuyên quy tụ những “hạt giống tài năng” của toàn tỉnh, bảng thành tích của các thế hệ học sinh chuyên Lý Phan Bội Châu ngày càng dày thêm một phần nhờ công sức và tâm huyết của thầy. Khóa nào thầy chủ nhiệm, lớp cũng đạt kết quả thi tốt nghiệp và đại học xuất sắc, 100% học sinh đỗ đại học, giành phần lớn các giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Đặc biệt, dưới sự phát hiện, dìu dắt của thầy, nhiều học sinh Trường Phan đã được vinh danh trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của học trò đất học. 
Tiêu biểu là em Nguyễn Tất Nghĩa đã giành được HCV trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2007. Em cũng vinh dự được chọn là một trong 9 học sinh xuất sắc nhất của Olympic Vật lý quốc tế, là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục nhận giải thưởng "Vinh quang Việt Nam". Năm 2008, Nghĩa tiếp tục giành HCV Olympic Vật lý châu Á và HCV Olympic Vật lý quốc tế. Học sinh Nguyễn Trung Hưng của lớp 12A3 K37 cũng là một trong những gương mặt xuất sắc, em từng lọt vào đội tuyển Olympic Vật lý châu Á và đạt Bằng khen. Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2011, 2 học sinh của chuyên Lý Phan Bội Châu là Nguyễn Trung Hưng và Nguyễn Huy Hoàng đều đạt HCĐ (2 huy chương duy nhất của đoàn HS Việt Nam). Năm 2013, em Cao Ngọc Thái đạt giải Nhất Quốc gia lớp 12 (lúc này Thái đang học 11), là thành viên duy nhất lớp 11 của cả nước đi thi Vật lý châu Á và giành Bằng khen. 
Nói về kinh nghiệm “cầm quân” của mình, thầy chia sẻ: “Chỉ có khổ luyện mới thành tài, bởi vậy tôi luôn “sát cánh” cùng đội tuyển, dốc lòng dốc sức với các em; đưa ra chiến lược cụ thể trong mỗi mùa bồi dưỡng học sinh dự thi”. Trước tiên là cách thầy “chọn mặt gửi vàng” ngay từ khi các em bước sang học kỳ hai lớp 10, thầy sẽ chọn ra những gương mặt xuất sắc vào đội tuyển bồi dưỡng. Đa số các em là từ các huyện nghèo xuống trọ học, nhiều em gia đình khó khăn. Dường như, ở các em, thầy bắt gặp hình ảnh chính mình của những ngày lăn lộn làm thêm để đủ tiền trang trải việc học một thời. Bởi thế, thầy thương các em lắm. Ngoài những buổi ôn luyện trên lớp, thầy còn đưa các em về nhà để tiện bề kèm cặp, chỉ dạy. Thầy coi các trò mình như người thân cùng một nhà, cùng ăn, cùng ôn luyện với trò…
Trong ký ức mỗi học trò của thầy Nga, thầy là giáo viên luôn tận tâm, tận tụy và yêu thương học trò hết mực. “Có những hôm luyện thi, cả thầy và trò cùng “đánh vật” với những đề thi khó, phải thức rất khuya. Thương học trò vất vả, thầy lại chuẩn bị đồ ăn, có khi là bát mì tôm cho bọn em ấm bụng để học tiếp. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên với những học trò đã từng gắn bó với thầy. Thầy không chỉ  rất có “tâm” mà còn có  “tầm” bao quát kiến thức rộng lớn khiến chúng em luôn kính trọng và nể phục. Thầy luôn đề cao sự tự học, để chúng em tự vận động, tự tìm tòi, tự lĩnh hội kiến thức; không tạo áp lực cho học sinh mà chỉ lặng thầm đi bên cạnh động viên, khích lệ. Và sự tận tụy hết mình cùng tình yêu với môn Vật lý mà thầy đã truyền dạy như đã thắp lửa đam mê chinh phục đỉnh cao tri thức trong mỗi chúng em”, em Nguyễn Hoài Nam (giải 3 môn Vật lý toàn quốc lớp 12) chia sẻ. 
Gần 15 năm công tác tại trường, thầy giáo Trần Văn Nga - hiện là Trưởng bộ môn Vật lý, đã có trong tay bảng thành tích đáng nể phục: 4 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 (bậc cao nhất của tỉnh Nghệ An), Thủ khoa giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2004 - 2005, trong đó có đề tài được đánh giá rất cao, góp phần đào tạo nên những thế hệ học trò xuất sắc như đề tài “Góp phần bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế thông qua phần thuyết tương đối hẹp”; được UBND tỉnh Nghệ An tặng trên 20 Bằng khen về thành tích giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Năm 2007, thầy Trần Văn Nga được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tằng Bằng khen; năm 2008, thầy được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và vinh dự hơn, năm 2012 thầy được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba...
“Cậu bé Vàng” môn Vật lý
Sau 6 năm ra trường, Nguyễn Tất Nghĩa bây giờ không còn là cậu học trò đen nhẻm, gầy gò như ngày nào mà đã là sinh viên năm cuối của Học viện công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ, một trong những trường đại học hàng đầu của thế giới. Với chuyên ngành lựa chọn là Công nghệ hạt nhân, Nghĩa khiến nhiều người bất ngờ vì không ít người nghĩ rằng với học lực của em, với những thành tích xuất sắc đã đạt được Nghĩa sẽ chọn một ngành “hot” hơn, thay vì công việc của một người làm công tác nghiên cứu. Nhưng với Nghĩa, chọn ngành này đơn giản vì em yêu, say mê với bộ môn Vật lý, vì nó áp dụng tốt và có thể phát triển sâu hơn những kiến thức đã học và quan trọng hơn đây là lĩnh vực mà đất nước đang thiếu và cần trong tương lai khi mà Việt Nam đang xây dựng nhà máy nhiệt điện hạt nhân.
Thầy Trần Văn Nga (phải) và HS Nguyễn Tất Nghĩa - HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2007 - 2008.
Thầy Trần Văn Nga (phải) và HS Nguyễn Tất Nghĩa - HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2007 - 2008.
Nghĩa là lứa học trò thuộc thế hệ 9X của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Nhắc tới Nghĩa, thầy cô và học trò Trường Phan không ai lại không cảm phục. Bởi một lẽ, ngày mới vào trường Nghĩa không phải là cậu học trò nổi bật nhất. Vậy nhưng, Nghĩa là cậu học trò luôn có những cuộc “bứt phá ngoạn mục” - thầy giáo Trần Văn Nga, giáo viên Vật lý nhớ lại.
Lần đầu tiên Nghĩa “chinh phục” được thầy giáo Trần Văn Nga, khi vươn lên đứng đầu lớp về môn Vật lý. Đây cũng là môn mà Nghĩa không có đối thủ đến cả những năm sau đó. Mới chỉ học lớp 11 vậy mà em đã xuất sắc giành giải Nhất quốc gia môn Vật lý lớp 12 và vượt qua nhiều ứng cử viên “nặng ký” để dành được một suất tham dự Olympic Vật lý quốc tế năm 2007 tại Nam Phi. Và trong lần đầu tiên “đem quân đi đánh xứ người này”, Nghĩa xuất sắc vượt qua hai vòng thi với tổng điểm 47/50 và trở thành 1 trong 10 học sinh giỏi nhất thế giới.
Đó là tấm Huy chương Vàng đầu tiên mà thầy và trò Trường Phan có được sau gần 25 năm chờ đợi, sau 14 lần tiễn các học sinh của trường đi thi quốc tế. Không thể nói hết được nỗi xúc động, tự hào của Trường Phan trong những ngày đó bởi chính từ nơi đây, từ mái trường của mảnh đất xứ Nghệ nhiều gian khó này một cậu học trò nghèo, xuất thân từ gia đình nông dân thuần túy lại làm nên “kỳ tích”. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, một năm sau cũng kỳ thi này được tổ chức ở Mông Cổ, Nguyễn Tất Nghĩa lại một lần nữa được đứng lên bục vinh quang, cùng với đó là tấm Huy chương Vàng Vật lý châu Á. Là người dõi theo từng bước trưởng thành của Nghĩa, theo sát Nghĩa trong tất cả các cuộc thi, khi lần thứ 2 thấy học trò của trường đứng trên lễ thượng cờ, trong tiếng nhạc của bài Quốc ca rộn ràng, thầy giáo Trần Văn Nga đã không giấu được giọt nước mắt sung sướng. Còn Nghĩa, sau này khi chia sẻ về thầy giáo của mình, em  tâm sự: Thầy Nga là người đã dạy dỗ em, truyền cảm hứng cho em. Bên cạnh đó, thầy thật sự quan tâm, giúp đỡ em như một người cha, người anh. Trường Phan lại là nơi em trưởng thành. Em chỉ mong một ngày nào đó có thể thể hiện sự biết ơn này qua một hành động thiết thực hơn để có thể đền đáp công ơn của các thầy, cô và của nhà trường.
Tấm gương hiếu học, biết vượt lên hoàn cảnh của cậu học trò ba lần đoạt Huy chương Vàng ở các giải thưởng quốc tế Nguyễn Tất Nghĩa luôn được các thế hệ thầy và trò Trường Phan nhắc lại. Nhiều bài giải mẫu  của Nghĩa ngày trước, đặc biệt là lối tư duy sắc sảo, mạnh mẽ “đã làm là đúng, đã thi là đậu” của Nghĩa thì đã thành “giai thoại”. Sau này Trường Phan có thêm các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc của Nguyễn Huy Hoàng, hay Nguyễn Đình Hội, Nguyễn Trung Hưng… các em vẫn bảo “theo tinh thần tự học của anh Nghĩa”. Riêng với thầy giáo Trần Văn Nga và các thầy, cô trong Ban Giám hiệu, cậu học trò xưa dù đã bay cao, bay xa và đã có những ước mơ, hoài bão mới nhưng mỗi lần em về nước, quay trở lại trường, Nghĩa vẫn giản dị chân chất như thế. Với Nghĩa, dù đi đâu, tình thầy trò, nghĩa bạn bè và Trường Phan… mãi mãi là những ký ức đẹp đẽ nhất, và là bước đệm, là hành trang tốt nhất mà Nghĩa và nhiều thế hệ học trò đã may mắn có được - đúng như tâm sự mà em gửi từ email về nhà trường trong dịp lễ trọng đại này.
Bài,ảnh: Nam Phong - Đinh Nguyệt

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.