Giáo viên khu tái định cư ở Nghệ An đến tận nhà tuyển sinh cho năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, các thầy, cô giáo và người dân khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương)  đang vào cuộc khẩn trương triển khai công tác tuyển sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất... cho năm học mới đang cận kề. 

Giáo viên đến tận nhà tuyển sinh

Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, thời điểm này, các giáo viên Trường Mầm non Hương Tiến, xã Ngọc Lâm gấp rút triển khai công tác tuyển sinh. Nhà trường đã niêm yết thông báo tại các điểm công cộng, phối hợp với Ban Quản lý các bản đọc bản tin trên loa phát thanh, các cô giáo thường xuyên đăng và cập nhật thông tin lên mạng xã hội.

Khác với địa bàn vùng trung tâm, các bậc phụ huynh ở khu tái định cư xã Ngọc Lâm đến đăng ký lẻ tẻ, thi thoảng mới có một vài người.

Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở Ngọc Lâm, ban ngày hầu hết phụ huynh đều đi làm ở nương rẫy, tận trưa và tối mới về. Hôm qua có mấy phụ huynh đến đăng ký lúc gần 12 giờ trưa và 6 giờ tối, lúc ấy họ vừa đi làm về mới ghé vào trường đăng ký cho con học. Có những trường hợp rẫy ở xa, không có sóng điện thoại nên giáo viên không liên lạc được với phụ huynh. Lại có những trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa, các cháu ở nhà với ông bà tuổi đã cao nên không nắm bắt được thông tin tuyển sinh”.

bna_1.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Hương Tiến, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) về bản làm công tác tuyển sinh. Ảnh: Công Kiên

Với những trường hợp không liên lạc được với phụ huynh, các cô giáo Trường Mầm non Hương Tiến tìm đến tận nhà để vận động, tìm hiểu thông tin.

Theo chân nhóm giáo viên điểm trường chính do cô giáo Dương Thị Thúy Song - Phó Hiệu trưởng dẫn đầu, chúng tôi đến một số gia đình có con em lứa tuổi mầm non ở bản Mà.

Điểm dừng chân đầu tiên là gia đình anh Lương Văn Nhàn. Vợ chồng anh có con trai là Lương Chung Văn năm nay đến tuổi đi nhà trẻ. Cả hai vợ chồng đều đi vắng, người hàng xóm cho hay anh Nhàn cùng vợ đang đi thu hoạch keo thuê ở đồi xa. Bé Lương Chung Văn - con trai anh Nhàn đang chơi cùng các anh chị, thấy các cô giáo đến liền chạy vòng ra sau nhà để trốn.

Chờ một lát, vợ chồng anh Nhàn trở về, người ướt đẫm mồ hôi, anh Nhàn cho biết: “Các cô giáo thông cảm cho, mấy ngày trước tôi đã nghe thông báo trên loa nhưng bận đi làm keo nên chưa đến trường đăng ký học cho cháu. Đang tính chiều nay nghỉ, tranh thủ lên trường làm thủ tục thì các cô đã đến, cũng vì cuộc sống khó khăn nên mới chậm trễ như thế này”.

bna_2.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Hương Tiến, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) lau dọn đồ chơi chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Công Kiên

Hoàn thành hồ sơ tuyển sinh cho bé Lương Chung Văn, các cô giáo Trường Mầm non Hương Tiến sang nhà anh Lương Văn Thao. Vợ chồng anh Thao đều đi làm ăn xa, gửi con trai nhỏ là Lương Minh Triết cho bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo lời bà nội của Triết, hôm qua anh Thao có gọi điện về nhờ bà đưa giấy khai sinh của Triết lên trường mầm non làm thủ tục nhập học cho cháu. Nhưng do mắt bà kém nên sáng nay mới tìm được giấy khai sinh, bà dự định đầu buổi chiều lên trường đăng ký nhập học cho cháu. Lúc này, mặt trời gần đứng bóng, các cô giáo mới trở về trường để tổng hợp số lượng tuyển sinh trong buổi.

Cô Dương Thị Thúy Song chia sẻ: “Khác với những vùng có điều kiện thuận lợi, ở xã Ngọc Lâm có nhiều trường hợp giáo viên phải tìm đến tận nhà để làm thủ tục tuyển sinh, thậm chí phải đến 2 - 3 lần mới gặp được phụ huynh. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian, công việc của các giáo viên trong thời điểm chuẩn bị năm học mới”.

Sáp nhập điểm trường

Theo bà Lô Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp và làm thuê, làm mướn nên chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc học tập của con trẻ.

Nhưng bù lại, các thầy, cô giáo ở đây thực sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người, dành tất cả tình yêu thương và trách nhiệm cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các cô giáo mầm non bên cạnh làm công tác tuyển sinh còn tranh thủ sắp đặt lại đồ chơi, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm sơn lại phòng học để chào đón các bé trở lại trường trong những ngày sắp tới.

bna_3.jpg
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hỗ trợ sơn lại lớp học. Ảnh: Công Kiên

Trường lớp xuống cấp, ngân sách địa phương hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên không thể triển khai xã hội hóa giáo dục, các thầy, cô giáo trở thành cầu nối với các nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ.

Mới đây, thông qua sự kết nối của giáo viên, điểm Trường Tiểu học Hương Tiến được một tổ chức thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 800 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp điểm trường bản Tân Ngọc. Toàn bộ 11 phòng học bị xuống cấp đã được sơn, sửa, lợp lại mái và lát lại nền. Ngoài ra, còn được hỗ trợ bàn, ghế, bảng, sách giáo khoa và vở viết cho học sinh, chuẩn bị sẵn sàng cho các em bước vào năm học mới.

Thầy Phan Thanh Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến chia sẻ: “Chuẩn bị năm học mới, vấn đề đáng lo nhất là cơ sở vật chất ở điểm trường Tân Ngọc đã được giải quyết nhờ sự hỗ trợ của tổ chức thiện nguyện. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai kế hoạch sáp nhập 5 điểm trường xuống còn 2 điểm để nâng cao chất lượng dạy học”.

bna_4.jpg
Điểm trường tiểu học bản Tân Ngọc, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) được tu sửa, nâng cấp phục vụ năm học mới. Ảnh: Công Kiên

Theo đó, từ năm học 2023 - 2024, các điểm trường bản Tân Ngọc, Tân Sáng và Tân Hợp sẽ được sáp nhập về điểm trường Tân Ngọc, vì ở đây có vị trí trung tâm, hơn nữa cơ sở vật chất vừa được sửa chữa, nâng cấp.

Sau khi sáp nhập, Trường Tiểu học Hương Tiến chỉ còn lại 2 điểm trường là điểm trường chính ở bản Mà và điểm trường bản Tân Ngọc với tổng số 25 lớp, 345 học sinh.

Những ngày tới, các ban, ngành cấp xã sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức vận động phụ huynh và bà con nhân dân 2 bản Tân Sáng và Tân Hợp ủng hộ chủ trương sáp nhập điểm trường tiểu học. Bước đầu thăm dò, đa số phụ huynh đều ủng hộ, vì con em mình được học ở điểm trường khang trang, đầy đủ hơn.

Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền và các thầy, cô giáo luôn quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục. Năm học mới đã đến gần, các trường học trên địa bàn đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, từ khâu tuyển sinh, củng cố cơ sở vật chất đến việc sáp nhập điểm trường, tất cả cùng hướng tới một năm học thành công.

Bà Lô Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.