Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

(Baonghean) - Nhờ xác định rõ lợi thế về kinh tế biển nên Quỳnh Lưu đã tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực này, nhờ đó kinh tế biển của địa phương đã có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, hạ tầng nghề cá chưa đảm bảo, đầu ra khó khăn… đang là những bất cập cần phải có giải pháp tháo gỡ.

Thuận và khó

Điểm nổi bật nhất là của kinh tế biển Quỳnh Lưu mấy năm lại đây là năng lực đánh bắt thủy, hải sản không ngừng được nâng lên. Nếu như trước khi chia tách Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu chỉ có 8 cơ sở đóng tàu thì nay toàn huyện đã có 18 cơ sở, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, đóng mới gần 200 tàu thuyền/năm. Toàn huyện có gần 1.200 tàu thuyền với tổng công suất đánh bắt trên 130 ngàn CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm 50% với 602 chiếc. Năm 2013, toàn huyện đánh bắt được 42.638 tấn hải sản; 6 tháng đầu năm 2014 mặc dù vụ cá Nam không thuận lợi lắm nhưng cũng đánh bắt được 18.590 tấn… Do đầu tư tàu to, máy lớn nên ngư dân không chỉ vươn khơi xa và đánh bắt dài ngày mà còn có xu hướng chuyên biệt hóa, tìm ngư trường đánh bắt những hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài sản phẩm truyền thống, ngư dân các xã Sơn Hải, Quỳnh Long đã bám biển, tìm những hải sản có giá trị cao như mực, cá hố…
Đối với mảng nuôi, nhất là nuôi con giống cũng được duy trì và có sự phát triển. Quỳnh Lưu hiện có với 10 cơ sở sản suất giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 triệu con tôm giống, hàng chục triệu con cua và ngao giống. Đầu tư nuôi tôm thương phẩm duy trì với gần 1.000 ha, trong đó gần 600 ha nuôi thâm canh. Hậu cần để phục vụ và nâng cao hiệu quả khai thác, bước đầu đã đầu tư một số nhà máy, xưởng cung cấp đá lạnh, xăng dầu, nước ngọt tại bờ Nam và bờ bắc Cảng cá Lạch Quèn và Lạch Thơi; duy trì đội tàu làm dịch vụ hậu cần, tiếp tế cho các tàu đánh bắt xa bờ tại xã Sơn Hải; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét luồng lạch và làm nơi tránh, trú bão cho các tàu thuyền. Đối với du lịch biển, Quỳnh Lưu đầu tư nâng cấp hạ tầng bước đầu hình thành Khu du lịch biển Quỳnh với 2 vệ tinh tại bãi biển xã Quỳnh Bảng và Quỳnh Nghĩa; khuyến khích người dân đầu làm dịch vụ ven biển.
Tuy nhiên, trở ngại để phát triển kinh tế biển của Quỳnh Lưu đó là bất cập về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong khi năng lực đánh bắt, tàu thuyền của ngư dân ngày càng lớn nhưng hệ thống hạ tầng luồng lạch, cảng cá ra vào chưa được đầu tư tương xứng. Khác với lạch Cờn của Hoàng Mai, các lạch ở Quỳnh Lưu khá nông và thường xuyên bị bồi lắng, nên gặp thủy triều xuống thấp thì tàu thuyền công suất lớn trên 700 CV rất khó vào. Một ngư dân ở xóm Mành, xã Tiến Thủy cho biết: Có hôm tàu về gặp thủy triều xuống phải chờ hàng tiếng đồng hồ để cập cảng khiến giá trị sản phẩm đánh bắt bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của cơ quan tư vấn, bình thường Cảng Lạch Quèn chỉ đáp ứng được tàu công suất dưới 200 CV ra vào, còn nếu tàu thuyền công suất lớn hơn nữa thì muốn ra vào phải chờ thủy triều lên. Việc nạo vét chưa thường xuyên, nếu có thì cũng chỉ làm quy mô nhỏ nên được vài năm luồng lạch lại bị cạn. Trên thực tế, huyện đã tổ chức nạo vét và đầu tư cải tạo, nâng cấp khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền tại lạch Thơi và lạch Quèn nhưng vì thiếu vốn nên chỉ giải quyết quy mô nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân…
Bên cạnh yếu kém về hạ tầng kỹ thuật cảng và luồng lạch, các cơ sở chế biến hậu cần nghề cá năng lực còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù mỗi cảng cả trên địa bàn đều có từ 10-20 kho đông lạnh; hàng chục cơ sở cung cấp xăng dầu, nước ngọt và ngư lưới cụ nhưng hầu hết quy mô đều nhỏ, chưa có cơ sở chuyên thu gom và chế biến thủy, hải sản quy mô lớn. Ngoài ra, về hậu cần nghề cá, các xã Tiến Thủy, Sơn Hải trước đây cũng từng có đội tàu hàng trăm lao động chuyên tiếp tế cho đánh bắt dài ngày trên biển nhưng không hiệu quả nên quy mô bị thu hẹp dần, một số làng nghề chế biến thủy, hải sản truyền thống nổi tiếng như nước mắm, ruốc, cá trước đây do khó khăn đầu ra nên đã bị mai một dần.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất và cũng là trở ngại lớn nhất là cơ chế hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu thuyền. Mặc dù chủ trương cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, vươn khơi bám biển đã có từ lâu nhưng thực tế thủ tục vay còn khó khăn, phiền phức. Theo ông Bùi Văn Lập ở xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy: Trước đây gia đình đánh bắt tàu có công suất 500 CV nhưng vài tháng lại đây đánh bắt không được nên phải bán tàu cũ và huy động thêm vốn đóng mới tàu có công suất 720 CV để đánh bắt xa hơn. Tàu mới trị giá 5,1 tỷ đồng nên phải huy động thêm 4 hộ khác tham gia. Theo anh Lập, mình đã có kinh nghiệm đánh bắt hơn 15 năm nên đóng xong tàu, nếu may mắn thì chỉ vài năm khai thác là đủ vốn tàu… Ngặt nỗi, tàu đã sắp hoàn thành nhưng còn chờ ngân hàng giải ngân thì mới có tiền thanh toán cho chủ tàu và mua động cơ về lắp được. Thực tế để đóng được tàu công suất lớn như trên, không chỉ hộ như anh Lập mà nhiều ngư dân khác đều phải huy động anh em tham gia góp vốn, bình quân mỗi tàu từ 5 -7 hộ tham gia.
Đôi tàu công suất 720 CV tại xưởng đóng tàu Xuân Liên đang chuẩn bị xuất xưởng.
Đôi tàu công suất 720 CV tại xưởng đóng tàu Xuân Liên đang chuẩn bị xuất xưởng.
Ông Nguyễn Xuân Liên, chủ cơ sở đóng tàu Xuân Liên ở xóm Phong Thái, xã Tiến Thủy cho biết: Mỗi năm xưởng đóng khoảng 5 -7 tàu thuyền và phần đa là công suất từ 500 CV trở lên. Hiện nay do ngân hàng cho vay ít và thủ tục còn khó khăn nên phần lớn các hộ đóng mới tàu thuyền đều nợ không thể đưa tàu sớm vào khai thác được, vì ngoài tiền công, vỏ, người dân còn cần tiền mua máy, thiết bị đánh bắt.
Giải pháp nào để gỡ khó?
Sau khi chia tách, Quỳnh Lưu có 22 km đường biển với 10 xã ven biển, trong đó có 8 xã với khoảng trên 7.000 lao động chuyên khai thác, đánh bắt và tương đương với đó có hơn 20.000 lao động phục vụ hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, để hoạt động khai thác có hiệu quả, cùng với đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng luồng lạch, nơi neo đậu, tỉnh và huyện cần có cơ chế ưu đãi rõ ràng và hỗ trợ mạnh mẽ hơn để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia nâng cấp năng lực, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu cho biết: Nhu cầu đóng mới tàu thuyền của ngư dân trong huyện đang rất lớn, hàng năm mỗi xã đóng mới từ 10-15 chiếc nên nhu cầu về vốn hiện đang rất lớn, nhưng qua tìm hiểu được biết, người dân vay ngân hàng không được bao nhiêu. Đây là lý do tại các buổi tiếp xúc với lãnh đạo xã và huyện, ngư dân Quỳnh Lưu đều mong muốn gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng dành cho ngư dân với lãi suất ưu đãi được ngân hàng sớm triển khai để ngư dân được vay.
Bên cạnh giải pháp cơ bản nêu trên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy, hải sản sang Trung Quốc gặp khó khăn, ngành chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản cần rà soát, tính toán để cơ cấu lại đầu ra sản phẩm. Thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc, cần mở rộng sang thị trường khác và hướng về thị trường nội địa. Để làm tốt việc này, một mặt phải khôi phục các làng nghề truyền thống như: chế biến nước mắm, ướp mực, cá khô… như mô hình phát triển làng nghề mà xã An Hòa, Sơn Hải đang triển khai; mặt khác phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng thâm canh những vật nuôi hướng vào thị trường nội địa và có nhu cầu tiêu thụ cao như tôm, cua, ngao, hàu, sò… Tận dụng lợi thế ven biển để phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, đặt biệt là con giống. Chia sẻ những băn khoăn, ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Cùng với việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo lộ trình thì một trong những thế mạnh huyện cần tập trung phát huy, đó là về nuôi trồng thủy sản, nhất là tạo nguồn giống tại chỗ. Trên thực tế, Quỳnh Lưu đã có những kết quả bước đầu khi mời gọi được dự án đầu tư như dự án sinh sản gần 1 tỷ con tôm giống mỗi năm ở Quỳnh Minh và dự án cung cấp ngao giống công suất hàng chục triệu con mỗi năm ở xã Quỳnh Thọ.
Hy vọng, cùng với đánh bắt thì nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển giống sẽ biến lợi thế thành hiện thực, góp phần đưa kinh tế biển Quỳnh Lưu phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Hải

tin mới

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.

Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe thuận lợi đúng dự kiến

(Baonghean.vn) - Sau gần 2 năm triển khai thi công, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thông xe trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này theo đúng dự kiến. Việc di chuyển từ TP.Vinh ra Hà Nội chỉ hơn 3 giờ. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhà thầu thi công dự án.

Nhà ga, sân bay ở Nghệ An tấp nập trong kỳ nghỉ lễ

Nhà ga, sân bay ở Nghệ An tấp nập trong kỳ nghỉ lễ

(Baonghean.vn) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2024 kéo dài 5 ngày nên nhiều người dân trở về quê Nghệ An để nghỉ lễ; bên cạnh đó, Nghệ An cũng là địa phương được nhiều du khách lựa chọn làm điểm nghỉ dưỡng nên hành khách tại nhà ga, sân bay đã đông đúc.

Giá vàng

Giá vàng tăng vọt; Dầu thô sát mốc 90 USD/thùng

(Baonghean.vn) -Giá vàng tăng vọt cả 2 chiều mua và bán; USD thế giới bất ngờ tăng mạnh; Dầu tiếp đà tăng giá, sát mốc 90 USD/thùng; Cà phê tăng mạnh lên mốc kỷ lục mới, là những thông tin thị trường cập nhật sáng 27/4.

Đường Quang Trung xưa

Ngắm những hình ảnh về thành Vinh xưa và nay nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tái thiết

(Baonghean.vn) - Mặc dù bị tàn phá sau chiến tranh, tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Nhà nước và Nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức, TP.Vinh đã dần được xây dựng lại. Ngày 1/5/1974, công trình xây dựng khu Quang Trung chính thức được khởi công, đánh dấu sự khởi đầu quá trình tái thiết thành phố.