Tây Hiếu: Chọn hướng đi riêng

(Baonghean) - Thị xã Thái Hòa đang xây dựng để trở thành một trung tâm thương mại – dịch vụ của vùng Tây Bắc Nghệ An. Trong bối cảnh chung đó, xã Tây Hiếu với tiềm năng sẵn có về đất đai đã chọn cho mình một hướng đi riêng, xác định động lực chính vẫn là lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của vùng đất được mệnh danh “hạt nhân” xứ Phủ Quỳ.
Mô hình trồng nấm của chị Vũ Thị Thanh Nhàn.
Mô hình trồng nấm của chị Vũ Thị Thanh Nhàn.
Mỗi khi nhắc đến Tây Hiếu gợi cho những người am hiểu mảnh đất Phủ Quỳ liên tưởng về một mảnh đất đỏ bazan trù phú đã che chở, nuôi nấng hàng vạn con người đến từ 43 tỉnh, thành trong cả nước. Với hạt nhân là Nông trường Tây Hiếu 1, mảnh đất này đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của địa phương. Bước vào giai đoạn mới, khi Thái Hòa tách ra khỏi huyện Nghĩa Đàn trở thành thị xã, Tây Hiếu có những bước trở mình “từ làng lên phố” dẫu không quá ồn ào, vội vã.
Trở thành cư dân phố thị hơn 5 năm, những con đường giờ đã được đặt tên phố nhưng cái hồn làng vẫn hiện hữu với hình ảnh hàng chè tàu san sát hai bên lối đi; những ngôi nhà nối tiếp nhau khép mình êm đềm dưới bạt ngàn tán rừng cao su. Người Tây Hiếu cũng vậy, họ giữ cho mình tính cách chân chất, thật thà; tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn trong lối sống hàng ngày. Điều này, âu cũng dễ hiểu bởi ngay từ ngày đầu khai hoang lập làng, cuộc sống trên vùng đất mới hoang sơ vô hình trung đã trở thành sợi dây gắn kết họ lại để cùng sẻ chia khó khăn, chinh phục thiên nhiên, sinh cơ lập nghiệp. Những đặc tính về tình đất, tình người đó giờ đây lại trở thành nền tảng để Tây Hiếu hôm nay xây dựng nông thôn mới. 
Đồng chí Nguyễn Đình Châu – Phó Chủ tịch UBND xã, một người con của xứ Lường (Đô Lương) cũng như bao người khác khi lên đây lập nghiệp đã chọn mảnh đất Tây Hiếu làm quê hương thứ 2 của mình. Trong một lần trao đổi với tôi, ông khẳng định: “Tây Hiếu xem cái gốc của xây dựng nông thôn mới là vấn đề nâng cao thu nhập của người dân”. Hẳn, không phải ngẫu nhiên mà phát triển các giống cây nông nghiệp như cao su tiểu điền, cà phê, mía… được xã xác định là trụ cột để hiện thực triết lý đó. Tôi đã nhiều lần về Tây Hiếu. Mỗi lần đặt bước chân mình dưới những tán rừng cao su xanh mướt mát của nông dân xóm Phú Thuận cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ha mỗi năm; được uống thứ mật ong sóng sánh, thơm phức hương vị thiên nhiên của các nông dân xã Tây Hiếu là một lần thêm khâm phục đôi bàn tay cần cù, tư duy năng động của những con người mảnh đất này. Và lần trở lại Tây Hiếu đầu Xuân Giáp Ngọ, niềm hứng khởi trong tôi được nhân lên khi các cán bộ xã giới thiệu về một mô hình kinh tế mới được du nhập vào địa phương, cho thu nhập khá và có rất nhiều triển vọng nhân lên thành quy mô hàng hóa. Đó là mô hình trồng nấm sò.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của chị Vũ Thị Thanh Nhàn ở xóm Hưng Bắc. Trên toàn bộ diện tích vườn nhà không lớn, gia đình chị đã tận dụng làm nhà để trồng nấm với quy trình tưới tiêu đồng bộ. Mô hình trồng nấm của gia đình chị chỉ mới đi vào hoạt động khoảng 6 tháng trở lại đây nhưng đã có đến 20.000 bầu trồng nấm, đa số là nấm sò đen, sò trắng và một it nấm linh chi. Với nấm sò, trung bình mỗi lứa bầu thu hoạch được trong 4 tháng; cứ thu hoạch 10 ngày thì nghỉ 1 tuần lại thu hoạch tiếp. Chị Nhàn cho biết: “Vào vụ thu hoạch, gia đình thu trung bình 1,5 tạ nấm mỗi ngày. Nếu tính bán theo giá bán sỉ 30.000 đồng/kg; giá bán lẻ 40.000 đồng/kg, trừ đi chi phí thu nhập của gia đình cũng tương đối ổn định”. Không chỉ tạo sinh kế cho gia đình, mô hình trồng nấm của chị Nhàn còn giải quyết việc làm cho 5 lao động, tiền công bình quân 120 ngàn đồng mỗi ngày. Hiện nay, xã Tây Hiếu đã có 3 mô hình trồng nấm và xã đang có đề án xây dựng, nhân rộng mô hình trồng nấm này. 
Những thành công trong phát triển nông nghiệp với các loại cây chủ lực như cao su (1.114 ha), cà phê (110 ha), mía (402,7 ha) và trong tương lai xa có thể là nấm sò… nền kinh tế của xã Tây Hiếu trong năm 2013 tăng trưởng đạt 15%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,98%. Thu nhập tăng lên, đời sống nhân dân khá giả hơn từng ngày cũng là nền tảng vững chắc để Tây Hiếu bắt tay thực hiện xây dựng NTM thành công bền vững. Tôi về xóm Hiếu Thành giữa thời điểm người dân đang vào vụ thu hoạch mía. Trong không khí  đầu Xuân năm mới, dường như niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của những người nông dân chất phác, hiền lành. Bởi Tết Giáp Ngọ vừa qua, cả xóm đón một cái Tết thật ấm áp, yên vui.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu sinh hoạt cộng đồng của xóm, ông Nguyễn Văn Long – Xóm trưởng vui vẻ cho biết: “Liên tiếp 2 năm qua, nhân dân đã đóng góp hơn 160 triệu đồng để san lấp mặt bằng và làm được sân chơi bóng chuyền, cầu lông có trang bị đèn cao áp xung quanh nhà hội quán xóm. Tết vừa rồi, nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt, vui chơi của cả cộng đồng, nhất là các cháu thanh niên có chỗ chơi, không dính vào tệ nạn như cờ bạc… Mọi người ai cũng phấn khởi”. Không chỉ đóng góp thi công làm công trình công cộng, bà con còn tự nguyện tặng ghế đặt xung quanh các sân thi đấu thể thao.
Như bà Phan Thị Lan (79 tuổi), thấy lợi ích của khu vui chơi, bà không ngần ngại tặng cho xóm 2 ghế đá. “Người già chúng tôi không còn đi được mô xa. Sáng ra đây tập thể dục hay buổi chiều ra ghế đá nói chuyện, xem các cháu chơi thể thao rất vui vẻ, lại gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm”, cụ Lan chia sẻ. Trên tình thần nội lực của nhân dân được phát huy, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, xóm Hiếu Thành cũng đã bê tông hóa toàn bộ 3 km đường nội xóm theo đúng tiêu chuẩn nông thôn mới; xóm có 95 hộ với 365 khẩu nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo. Những kết quả đó càng được chứng minh một cách thuyết phục khi Hiếu Thành là xóm đầu tiên đạt danh hiệu Làng Văn hóa của xã Tây Hiếu.
Dựa trên nền tảng kinh tế và phát huy tốt nội lực nhân dân, năm 2013, Tây Hiếu đã làm được hơn 3 km đường bê tông. Tổng nguồn vốn huy động để làm đường giao thông nông thôn là hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 895 triệu đồng bằng cả tiền mặt và ngày công. Kết quả rà soát các tiêu chí nông thôn mới của xã đến hết năm 2013, Tây Hiếu đã đạt 15/19 tiêu chí và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm dù không thuộc xã điểm xây dựng NTM của TX Thái Hòa.
Đồng chí Tạ Bá Ngọc – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền xã đã và đang phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với MTTQ và các đoàn thể nhằm phát huy nội lực của địa phương, kết hợp với sự hỗ trợ của cấp trên để quy hoạch và xây dựng chợ; tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các trường học trên địa bàn; đẩy nhanh tốc độ xây dựng làng văn hóa… nhằm xây dựng thành công NTM”. Tây Hiếu – mảnh đất trù phú, thanh bình bên dòng Hiếu Giang đang trở mình từng ngày. Trong nhịp thở phố thị ồn ào, náo nhiệt của Thị xã trẻ Thái Hòa, Tây Hiếu đang chọn cho mình một lối đi riêng không phai nhạt nét quê.
Thành Duy

tin mới

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.

Cao tốc Diễn Châu Bãi Vọt

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe thuận lợi đúng dự kiến

(Baonghean.vn) - Sau gần 2 năm triển khai thi công, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thông xe trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này theo đúng dự kiến. Việc di chuyển từ TP.Vinh ra Hà Nội chỉ hơn 3 giờ. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhà thầu thi công dự án.

Nhà ga, sân bay ở Nghệ An tấp nập trong kỳ nghỉ lễ

Nhà ga, sân bay ở Nghệ An tấp nập trong kỳ nghỉ lễ

(Baonghean.vn) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2024 kéo dài 5 ngày nên nhiều người dân trở về quê Nghệ An để nghỉ lễ; bên cạnh đó, Nghệ An cũng là địa phương được nhiều du khách lựa chọn làm điểm nghỉ dưỡng nên hành khách tại nhà ga, sân bay đã đông đúc.

Giá vàng

Giá vàng tăng vọt; Dầu thô sát mốc 90 USD/thùng

(Baonghean.vn) -Giá vàng tăng vọt cả 2 chiều mua và bán; USD thế giới bất ngờ tăng mạnh; Dầu tiếp đà tăng giá, sát mốc 90 USD/thùng; Cà phê tăng mạnh lên mốc kỷ lục mới, là những thông tin thị trường cập nhật sáng 27/4.

Đường Quang Trung xưa

Ngắm những hình ảnh về thành Vinh xưa và nay nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tái thiết

(Baonghean.vn) - Mặc dù bị tàn phá sau chiến tranh, tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Nhà nước và Nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức, TP.Vinh đã dần được xây dựng lại. Ngày 1/5/1974, công trình xây dựng khu Quang Trung chính thức được khởi công, đánh dấu sự khởi đầu quá trình tái thiết thành phố.