Kỳ Sơn: Nỗ lực giải quyết tranh chấp đất sản xuất

(Baonghean) - Việc chưa giải quyết triệt để tranh chấp đất đai từ các mùa rẫy trước gây nên những căng thẳng giữa các thôn bản cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc. Để giải quyết tình hình trên, bắt đầu vào mùa rẫy năm nay (từ tháng 4 đến tháng 6), Kỳ Sơn đã thành lập nhiều đoàn công tác, bám địa bàn với nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình.

Xã Bảo Nam là địa bàn liên tục xảy ra tranh chấp đất sản xuất. Bước vào đầu mùa rẫy năm nay, có 4 điểm tranh chấp, trong đó có 3 điểm giữa các bản trong xã và 1 điểm với xã Mường Lống, tại bản Thẳm Hang. Khi xảy ra tranh chấp, UBND các xã đã vào cuộc nhưng giải quyết chưa dứt điểm. Đặc biệt, vụ việc tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm nên dẫn đến những căng thẳng, đồng bào các bản đã phá hoại mùa màng của nhau gây bức xúc. Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra trên 10 vụ tranh chấp đất ở các vùng rẫy giáp ranh giữa các bản. Riêng trong năm 2014, đang có 12 điểm tranh chấp tái diễn. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do quá trình xác định ranh giới đất đai giữa các xã theo Chỉ thị 364/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng năm 1991 còn nhiều điểm bất hợp lý và chưa chính xác. 

Trải qua nhiều thời kỳ, đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống xác định ranh giới đất sản xuất giữa các bản hay giữa các xã theo dòng chảy khe, suối hoặc dựa vào những ngọn đồi núi… Nhưng khi thực hiện chia địa giới hành chính các xã theo Chỉ thị 364 lại xác định theo ước lượng lô thửa, làm chia cắt các vùng sản xuất quen thuộc của đồng bào các xã. Bởi vậy, những hộ có đất bị chia cắt thường xuyên tranh chấp với những hộ mới được giao đất. Vì lý do này nên tranh chấp đất sản xuất cứ kéo dài giữa các xã như: Đoọc Mạy với Bắc Lý, Tà Cạ - Phà Đánh, Bảo Nam - Mường Lống. Thậm chí, còn xảy ra tranh chấp giữa đồng bào các bản làng của huyện Kỳ Sơn với huyện Tương Dương (điển hình giữa bản Lưu Hòa, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) tranh chấp với một số bản của huyện Tương Dương).
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đến nơi có tranh chấp để khảo sát, bàn giao mốc giới.
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đến nơi có tranh chấp để khảo sát, bàn giao mốc giới.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết tranh chấp khó khăn, kéo dài là do tâm lý nể nang của cán bộ cấp xã, cùng đó là tính hiếu thắng, cố chấp giữa các trưởng bản, trưởng tộc, dòng họ. Đáng phê bình hơn, có một số cán bộ xã (có cả cán bộ chủ trì) chưa công minh, có biểu hiện “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, sau khi làm việc giữa hai xã xong lại xúi giục đồng bào tranh chấp, khiếu kiện và đùn đẩy lên cấp trên làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và mùa vụ sản xuất. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã có Thông báo Kết luận số 206- KL/BTV nêu rõ, trong khi chờ Nhà nước chỉnh sửa bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 364, các tranh chấp đất rẫy trên địa bàn Kỳ Sơn được giải quyết trên nguyên tắc là nếu tranh chấp giữa các bản với nhau do UBND xã đó giải quyết; tranh chấp giữa các bản (khác xã) trong huyện do huyện giải quyết; tranh chấp giữa các bản khác xã, khác huyện, UBND các huyện phối hợp giải quyết và báo cáo Sở Nội vụ.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, xem xét giải quyết từng vụ cụ thể; giao trách nhiệm chính cho các địa phương chủ động giải quyết các tranh chấp; trường hợp phức tạp thì huyện mới xuống trực tiếp chỉ đạo giải quyết; lãnh đạo các xã cam kết nếu né tránh hoặc đùn đẩy sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy và chịu hình thức kỷ luật. Ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện ủy, UBND huyện cũng thống nhất chỉ đạo nếu cán bộ xã không đôn đốc, tiếp tục để xảy ra tranh chấp sẽ bị xử lý với hình thức cách chức.”
Cùng với các biện pháp lãnh đạo, đôn đốc giải quyết, huyện còn có cơ chế hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng do tranh chấp đất kéo dài như cấp giống, gạo để đồng bào ổn định cuộc sống. Đến nay, một số điểm tranh chấp ở các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Tây Sơn , Bảo Nam, Mường Lống cơ bản được giải quyết, ổn định được tình hình. Để tránh tình trạng tái diễn tranh chấp đất đai, huyện Kỳ Sơn đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp khá linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương là nếu vị trí trên bản đồ và thực tế chênh lệch từ 1-2 km, trên cơ sở tôn trọng lịch sử, tạm chia đều cho cả 2 bên để sản xuất; nếu gần nhau thì lấy mốc theo Chỉ thị 364. Sau khi thống nhất xong, UBND huyện Kỳ Sơn mời đầy đủ đại diện lãnh đạo xã, bản và già làng, người có uy tín ở bản chứng kiến việc ký cam kết không tái diễn tranh chấp giữa các hộ dân. Huyện giao trách nhiệm cho các bên tôn trọng mốc ranh giới, đồng thời giao các phòng ban chức năng và xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành về địa giới, ranh giới do Nhà nước quản lý cho đồng bào; chủ động giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đúng luật để người dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống đồng bào ở những vùng giáp ranh.
Nguyễn Hải

tin mới

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

(Baonghean.vn) - Em tôi bị phát hiện sử dụng các công cụ, phương tiện gồm ắc quy, bộ kích điện, lưới đánh cá đấu nối với nhau bằng dây điện để khai thác tận diệt thủy sản. Vậy tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có thể bị phạt gì ?

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân các huyện phía Bắc vĩ tuyến 17 đã phải chịu đựng rất nhiều thương đau. Đến nỗi, họ đã phải rời quê hương lên đường đi sơ tán. Đó là một hành trình gian nan nhưng rất nặng nghĩa tình. 

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

(Baonghean.vn) - Trung tâm Chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc có người tự nhận là nhân viên của Tổng công ty Điện lực gọi đến khách hàng với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện hoặc có hành vi lừa đảo.

Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi

Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi

(Baonghean.vn) - Trong thời hoa lửa của chiến tranh vẫn đẹp mãi câu chuyện về một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để góp phần cho đất nước độc lập, thống nhất. Đó là bà Nguyễn Thị Minh Châu, nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.

Triệt xóa đường dây tội phạm xuyên quốc gia truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy do người đàn ông ở TP.Vinh điều hành

Triệt xóa đường dây tội phạm xuyên quốc gia truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy do người đàn ông ở TP.Vinh điều hành

(Baonghean.vn) - Công an Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa phá thành công chuyên án triệt xóa, đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.