Ngăn cản trẻ em đến trường là vi phạm pháp luật!

(Baonghean) - Năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần, trong khi phụ huynh và học sinh toàn tỉnh vẫn còn dư âm náo nức của ngày tựu trường thì liên tục trong mấy ngày gần đây, hình ảnh những cháu nhỏ làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương do bố mẹ chở bằng xe máy, vượt hàng chục cây số, xuống thành phố Vinh nhằm tạo sức ép lên các cấp chính quyền và ngành giáo dục, yêu cầu mở lại điểm trường lẻ khiến ai cũng phải xót xa…
Một số phụ huỵnh làng Văn Hà đưa con em đến UBND tỉnh phản đối sáp nhập điểm trường lẻ về trường chính.
Một số phụ huỵnh làng Văn Hà đưa con em đến UBND tỉnh phản đối sáp nhập điểm trường lẻ
về trường chính.
Sáng 22/9, trời mưa tầm tã, mọi ngả đường của Thành phố Vinh đều dầm trong biển nước. Thế mà từ sáng sớm, gần 100 người dân của làng Văn Hà, già có, trẻ có chở theo rất nhiều cô bé, cậu bé chỉ mới lên 6, lên 7 dầm mưa vượt quãng đường hàng mấy chục cây số tập trung trước cổng Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên người dân làng Văn Hà chở con xuống TP. Vinh để đòi “quyền được đi học” mà một tuần trước đó hình ảnh của những học sinh đầu trần, đứng giữa trời nắng chang chang với các tấm biển như “Bác ơi cháu muốn học”, “cháu rất muốn đi học”… quàng trước cổ cũng khiến cho nhiều bậc làm cha, làm mẹ phải băn khoăn, suy nghĩ. Từ đâu dẫn đến thực trạng này, hẳn những người dân làng Văn Hà hiểu hơn ai hết? 
Sự việc bắt đầu từ chủ trương sáp nhập học sinh ở các khối lớp 1, 2, 3 ở điểm lẻ làng Văn Hà về Trường Tiểu học xã Quang Sơn từ năm học 2013 – 2014. Tuy nhiên, dựa vào một số lý do như quãng đường xa và khó đi, bận mùa màng làm ăn không có thời gian đưa đón con; muốn giữ mái trường làng có từ thời ông cha… một bộ phận người dân và phụ huynh làng Văn Hà cương quyết phản đối chủ trương của huyện, buộc chính quyền địa phương giữ lại điểm trường cũ. Đỉnh điểm của sự việc này là người dân Văn Hà đồng loạt không cho con em đến trường dẫn đến 53 học sinh phải nghỉ học suốt năm học 2013 - 2014.
Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Trong đó:- Được chăm sóc, nuôi dưỡng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất, tinh thần ở mức cao nhất, là quyền của trẻ em trong Pháp luật Việt Nam và là mục tiêu phấn đấu của gia đình, Nhà nước và xã hội. Hiến pháp năm 1992 khẳng định chế độ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái: “ Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con trở thành những công dân tốt (Điều 64). Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 tiếp tục cụ thể hoá những quy định trên: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức”. Bộ luật Hình sự năm 1999 Chương XII đã quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới trẻ em.

Một số phụ huynh vẫn quyết tâm đưa con đến trường thì phải chịu sự cô lập và uy hiếp của một số người trong làng. Bước sang năm học 2014 – 2015, dù Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Trường Tiểu học Quang Sơn tập trung sớm hơn các trường khác gần một tháng nhằm mục đích để bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh năm ngoái không đi học củng cố lại kiến thức. Bên cạnh đó, tổ chức một đợt kiểm tra kiến thức cho học sinh làng Văn Hà để nếu đủ điều kiện sẽ xét “đặc cách” cho các em vượt lớp. Thế nhưng, trong suốt 1 tháng, số học sinh làng Văn Hà đến trường không quá 10 em. Và đến thời điểm hiện tại, khi năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần, vẫn còn 49 học sinh làng Văn Hà chưa được đến trường.

Điều đáng nói là, trong cả quá trình ấy, chính quyền, giáo viên, hội phụ huynh của trường đã tích cực đến từng nhà vận động, tìm hiểu tâm tư của người dân để mong tìm một tiếng nói chung. Huyện và ngành cũng chủ động điều chỉnh một số thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo nhà trường, trang bị thêm trang thiết bị cho điểm trường chính và triển khai những chính sách như hỗ trợ cho học sinh làng Văn Hà ở bán trú, huy động lực lượng thanh niên ngày ngày đưa đón học sinh làng Văn Hà đến trường, nâng cấp tuyến đường từ làng Văn Hà đến trung tâm xã... nhưng mọi nỗ lực đều chưa đủ sức để nhiều bậc phụ huynh đồng ý đưa con đến trường. Từ đầu tháng 9, làng Văn Hà lại thêm những ngày không bình yên khi một số gia đình có con em đi học trở lại bị phá hoại tài sản. Cụ thể là, đã có 5 gia đình đưa con, cháu đi học bị đốt cây rơm; 3 gia đình đưa con đi học bị phá hơn 1.000m2 lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trong làng có nhiều phụ huynh muốn đưa con đi học nhưng bị một số đối tượng đe dọa, khống chế, không cho họ đưa em đến trường. Vì lẽ đó, nguy cơ thêm một năm nữa nhiều trẻ con làng Văn Hà thất học ngày càng hiện hữu.

Khát khao được đến trường, khát khao học tập như những bạn bè cùng trang lứa đã hiện rất rõ trên những gương mặt của những cô bé, cậu bé mà chúng tôi nhìn thấy khi các em ngây thơ treo trên mình tấm biển các-tông với những lời kêu gọi hết sức thống thiết do người lớn viết ra. Ở lứa tuổi mới lên 6, lên 7 hẳn các em chưa hiểu hết tại sao hàng ngày các bạn được đến trường còn mình thì phải ở nhà. Các em cũng không nhận ra được việc có thể mình đang bị các cô, các bác, bị bố, mẹ của mình lợi dụng để gây áp lực cho chính quyền và các ban, ngành. Các em hẳn cũng không giải thích được suốt 1 năm nay bố mẹ mình không cho mình đi học vì lý do đường xa, thế mà lại có thể vượt hàng chục cây số, bất chấp đường sá nguy hiểm, bất chấp sức khỏe của các con trong điều kiện thời tiết mưa nắng giao mùa để đi “tranh đấu” hơn thua…
Một số phụ huynh làng Văn Hà đội mưa đứng trước cổng Sở GD&ĐT sáng 22/9.
Một số phụ huynh làng Văn Hà đội mưa đứng trước cổng Sở GD&ĐT sáng 22/9.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất và diễn biến của sự việc, chúng tôi hệ thống lại như sau: Làng Văn Hà - cụm khối Toàn Thắng gồm 3 xóm 8, 9, 10 với 421 hộ, 1.688 khẩu, nằm biệt lập giữa các cánh đồng, cách trung tâm xã Quang Sơn khoảng 2km. Điểm trường lẻ này gồm 3 lớp 1,2,3 mỗi lớp từ 18-25 em. Cơ sở vật chất của điểm trường lẻ này là một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ chỉ có 4 phòng học (trong đó có 1 phòng kho) được xây dựng năm 1981 hiện đã xuống cấp trầm trọng, không có phòng chức năng, không có công trình vệ sinh và hệ thống nước sạch, không có cây xanh bóng mát, sân chơi còn là nền đất. Trong khi đó điểm chính Trường Tiểu học Quang Sơn, đóng tại trung tâm xã đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; cơ sở vật chất được đầu tư tương đối khang trang với 14 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng (phòng truyền thống, phòng sinh hoạt tập thể, phòng mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc)… Khoảng cách từ điểm trường chính đến đầu làng Văn Hà là 1,8km; từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ là 2,3km.
Trước tình hình đó, chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ về điểm trường chính đã được Đảng uỷ, HĐND xã Quang Sơn thông qua, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn, nhiệm kỳ 2010 – 2015 về mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Quang Sơn đạt chuẩn mức độ II. Điều này, cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh, của huyện Đô Lương về quy hoạch mạng lưới trường lớp góp phần tạo điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 
Điểm trường Văn Hà cũng không phải là điểm trường duy nhất của huyện Đô Lương sáp nhập. Thực tế, trước khi triển khai thực hiện đưa điểm trường lẻ ở làng Văn Hà về điểm trường chính thì huyện Đô Lương đã thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn (từ 21 điểm trường lẻ xuống chỉ còn 2 điểm, một điểm ở khối Toàn Thắng (làng Văn Hà) và 1 điểm tại làng Đại Thành (xã Đại Sơn). Việc quy hoạch này nhằm đạt được 3 mục tiêu của giáo dục nói chung và giáo dục bậc tiểu học nói riêng là tăng cường công tác quản lý; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục bậc tiểu học là vừa học, vừa chơi… Và trên thực tế, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trong những năm qua đã giúp cho hệ thống trường, điểm trường hợp lý hơn; tăng sỹ số bình quân do học sinh được chuyển về điểm trường chính; đặc biệt, giảm thiểu được tình trạng manh mún về hệ thống trường lớp, tăng cơ hội được bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục toàn diện có chất lượng. Do vậy, trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2003 có 701 trường thì đến năm học 2014-2015 chỉ còn 562 trường (kể cả trường phổ thông có nhiều cấp học); giảm từ 803 điểm trường lẻ năm 2013 xuống còn 495 điểm trường trong năm học 2014 - 2015 (giảm 308 điểm)…
Trở lại Trường Tiểu học Quang Sơn, điểm lẻ Văn Hà hiện nay giao thông đã cải thiện, trường chính được đầu tư khang trang nên việc sáp nhập là nhằm giúp học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, nhất là trong việc tiếp cận với các hoạt động ngoại khoá. Quá trình triển khai cũng không thực hiện dồn dập mà bắt đầu với học sinh hai khối 4 và 5 trong năm học 2012-2013. Đến năm học 2013-2014 tiếp tục sáp nhập 3 khối còn lại 1,2,3 về trường chính…
Tuy vậy, chủ trương sáp nhập đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một bộ phận nhân dân và phụ huynh làng Văn Hà. Và họ bày tỏ việc không đồng tình bằng cách ngăn cản, không cho con em mình đến trường; đe doạ, gây sức ép đối với những gia đình có ý định cho con đi học bất chấp những nỗ lực của ngành Giáo dục và chính quyền các cấp. Không những thế họ còn lợi dụng những đứa trẻ ngây thơ, trong trắng đang ở độ tuổi “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” như công cụ để gây sức ép với chính quyền nhằm phản đối chủ trương sẽ mang lại chất lượng dạy và học tốt hơn cho con em mình.
Khi treo vào cổ những đứa trẻ các tấm biển mang dòng chữ “chúng cháu muốn đi học”, “Bác ơi cho cháu đi học”… những bậc làm cha mẹ, ông bà của các trẻ nhỏ có biết rằng không ai khác mà chính bản thân họ đã và đang ngăn cản quyền được học tập của con em mình và cả xã hội đang lên án họ? Việc làm của một số phụ huynh làng Văn Hà còn vi phạm quyền trẻ em, vi phạm pháp luật. Cụ thể tại Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Nghiêm cấm các hành vi: lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động…
Ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc sáp nhập các điểm lẻ, đưa học sinh về trường chính sẽ giúp cho học sinh có cơ hội được hưởng một nền giáo dục bình đẳng trong xu thế phát triển giáo dục toàn diện hiện nay. Tại điểm trường chính được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, học sinh có cơ hội được tiếp cận thêm nhiều môn học khác ngoài các môn học chính khóa như mỹ thuật, âm nhạc và các hoạt động ngoài giờ. Nếu chỉ được học văn hoá đơn thuần mà không được rèn luyện về các kỹ năng thì sau này khi học tập trung ở điểm trường trung tâm, học sinh điểm lẻ sẽ khó bắt kịp và hòa nhập, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của các em.
Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Phớt – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:  Trong điều kiện hiện nay, việc duy trì các điểm trường lẻ, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng là không còn phù hợp. Bởi hiện nay quy mô dân số đã giảm, nhu cầu về trường lớp không còn nhiều áp lực như ngày xưa. Riêng điểm trường làng Văn Hà, sẽ không đủ sĩ số theo quy mô trường lớp.  
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời các cơ quan thông tin báo chí ngày 21/9  về sự việc liên quan đến làng Văn Hà: Với các vùng thuận lợi, có điều kiện về diện tích đất, kinh phí để xây dựng trường đủ chỗ học cho học sinh  thì việc tập trung học sinh về học tại một địa điểm sẽ đảm bảo hơn về chất lượng giáo dục xét cả về thành tích từng lĩnh vực giáo dục cũng như tính toàn diện về nội dung các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, quy định trong Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành về khoảng cách đoạn đường đến trường của học sinh chỉ là một quy định có tính chất hướng dẫn chung.
Đừng cố chấp nữa...
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo. Nghèo hơn rất nhiều lần so với vùng quê Văn Hà (thuộc xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) hôm nay. Làng tôi cách trường học ngót 3 cây số, một số làng bạn thì xa hơn, khoảng gần 4 cây. Thế mà ngay từ ngày bước vào lớp vỡ lòng (tương đương lớp mẫu giáo lớn ngày nay) cho đến hết cấp 2, tất cả bọn tôi đều phải đi bộ bằng chân đất mà chẳng hề than vãn... Bao người con quê nghèo ngày đó chăm chỉ học hành nay đã trưởng thành, rất nhiều người quay về chung sức xây dựng quê hương. Nay quê tôi đã đổi mới, khấm khá lên, trường học cao tầng thay nhà tranh lụp xụp của lớp học ngày xưa; khắp các nẻo quê nhà dân khang trang, san sát; đường đất đã bê tông hóa sạch đẹp... Thế nhưng, ký ức những buổi chân trần vượt đường xa đến lớp ấy vẫn còn in dấu mãi trong tôi và bao người con quê hương khác như những kỷ niệm đẹp, đáng tự hào...
Thời gian qua, chứng kiến việc phụ huynh của làng Văn Hà (xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) phản đối chủ trương sáp nhập cơ sở điểm lẻ trường làng về điểm chính trung tâm của xã mà thấy buồn lòng vô cùng! Chỉ vì cố chấp, suy nghĩ thiển cận... mà họ đã tước đi quyền đến trường của con em mình. Không những thế, họ còn huy động người làng chở theo con trẻ đi gần sáu, bảy chục cây số, tụ tập trước cổng UBND tỉnh và Sở GD&ĐT để phản đối chủ trương sáp nhập điểm lẻ trường làng vào trường trung tâm. Họ đã phản đối chính chủ trương đang mang lại quyền lợi cho chính con em họ. Mà lý do chỉ là đi xa thêm một quãng đường vài cây số đến điểm trường chính, nơi cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học đầy đủ, con em họ được sinh hoạt, học tập, vui chơi trong một môi trường tốt hơn… Họ không biết hay cố tình không biết điều ấy?
Thế rồi mới xảy ra cảnh, giữa chang chang nắng, những đứa trẻ vô tội phải mang trước ngực tấm bìa các – tông viết nguyệch ngoạc dòng chữ “phản đối” đứng trước cổng UBND tỉnh và Sở GD&ĐT... Thật đau lòng trước hình ảnh này!
Đáng trách thay! Đây đó vẫn còn một số người làm công tác tuyên truyền đã không định hướng đúng đắn giúp bà con ủng hộ chủ trương này mà còn đi cổ xúy cho phản ứng lầm lẫn, có phần cố chấp của bà con với chính quyền địa phương cũng như ngành Giáo dục Nghệ An.
Đáng lên án thay! Vẫn còn một số phần tử xúi dục, kích động những người nông dân vốn thuần hậu đi làm việc sai trái, ngược lại với đạo lý, chức phận của những bậc làm cha, làm mẹ. Mà nếu không sớm tỉnh ngộ, rất có thể chính các bậc làm cha, làm mẹ ấy sẽ rơi vào con đường lao lý vì vi phạm pháp luật. Và cái buồn lòng, mất mát lớn lao hơn là con em họ đang bị thiệt thòi, bị tước mất quyền lợi đến trường học tập, vui chơi. Chắc chắn bản án lương tâm sẽ dằn vặt họ cả đời!
“Trẻ em như búp trên cành...”; mong rằng các bậc phụ huynh sớm nhận thức ra điều hay, lẽ phải; đừng cố chấp nữa mà ủng hộ chính quyền địa phương, ủng hộ ngành Giáo dục tỉnh nhà để con em họ sớm được đến trường.
Phan Sáng (Báo Tiền phong)
Nhóm PV

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.