Catalonia lại "gây bão" tại châu Âu

(Baonghean) - Theo kết quả chính thức cuộc bầu cử địa phương vùng Catalonia, Đông Bắc Tây Ban Nha công bố hôm 27/9, phe chủ trương ly khai đã giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp vùng này. Đây là chiến thắng quan trọng của phe ly khai trong cuộc bầu cử có ý nghĩa nhất trong lịch sử Catalonia, có thể quyết định tương lai “đi hay ở” của xứ này trong Tây Ban Nha. Kết quả này đã không chỉ khiến chính quyền xứ sở bò tót phải sốt ruột mà còn khiến các nhà lãnh đạo châu Âu “đứng ngồi không yên”. 

Chiến thắng của cả một quá trình!
Với 98% số phiếu được kiểm, liên minh chính ủng hộ độc lập “Junts pel Si” - “Cùng nhau nói có” với chủ chốt là đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalonia (CDC) của ông Artur Mas, đã giành được 62 ghế và đảng cánh tả Ứng viên thống nhất đại chúng (CUP) giành được 10 ghế. 
Nếu bắt tay nhau, các đảng ủng hộ ly khai sẽ chiếm đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp Catalonia gồm 135 ghế. Tất nhiên về phía chính quyền Tây Ban Nha, một tuyên bố bác bỏ kết quả này ngay lập tức đã được đưa ra. Phát biểu tại Thủ đô Madrid, người phát ngôn Chính phủ Pablo Casado nhấn mạnh, chính phủ trung ương và đảng Nhân dân cầm quyền sẽ tiếp tục các biện pháp bảo đảm sự thống nhất của Tây Ban Nha.
Nhà lãnh đạo Artur Mas (áo complet đen ở giữa) của đảng Hội tụ và  Dân chủ xứ Catalonia (CDC) ăn mừng chiến thắng cùng các cử tri. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Artur Mas (áo complet đen ở giữa) của đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalonia (CDC) ăn mừng chiến thắng cùng các cử tri. Ảnh: Reuters
Thực tế chuyện xứ Catalonia nung nấu việc ly khai khỏi Tây Ban Nha và việc chính quyền trung ương liên tục phản đối các bước đi của xứ này, không phải là chuyện bây giờ mới xảy ra. Còn nhớ hồi năm 2006, Catalonia từng đơn phương tuyên bố trở thành quốc gia độc lập, nhưng Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha lúc đó đã bác bỏ tuyên bố này. Đến năm 2012, một trường hợp tương tự là Vương quốc Anh cho phép Scotland trưng cầu ý dân về việc độc lập, chính quyền Catalonia cũng đã đòi được tự do thể hiện quan điểm của mình nhưng đã bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từ chối. 
Nhưng không chùn bước, ngày 9/11 năm ngoái, bất chấp chính phủ trung ương phản đối, Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thử nghiệm. Kết quả đã có 80,76% (hơn 1,8 triệu dân) cử tri đi bầu bỏ phiếu ủng hộ Catalonia độc lập. Đây có thể coi là bước đà và động lực quan trọng để phe ly khai tại Catalonia tiến hành cuộc bầu cử địa phương vừa rồi. 
Không khó hiểu cho ước muốn ly khai này của người dân xứ Catalonia. Với 7,5 triệu người - chiếm 1/5 dân số Tây Ban Nha, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha, đóng góp 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo các thống kê, nếu đứng độc lập, kinh tế Catalonia xếp hạng 34 thế giới với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm. Vùng đất này cũng có ngôn ngữ và các giá trị, di sản văn hóa riêng.
Với tiềm lực như vậy, rõ ràng Catalonia đóng vai trò quan trọng hàng đầu với nền kinh tế và bản sắc của Tây Ban Nha. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, người dân vùng Catalonia luôn cảm thấy rất bất công khi không nhận được nguồn ngân sách tương xứng với tiền thuế họ đóng góp. Trong khi đó, Catalonia còn phải chia sẻ gánh nặng các khoản nợ với các vùng, khu vực yếu kém của Tây Ban Nha. Nhiều người Catalonia cũng tin rằng, họ có thể tự xây dựng một nền kinh tế riêng phát triển sau khi tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha. 
Độc lập có dễ?
Với thắng lợi mới nhất trong cuộc bầu cử địa phương vừa rồi, liên minh "Junts pel Si" của nhà lãnh đạo Artur Mas sẽ có thể bắt đầu một tiến trình đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha trong vòng 18 tháng tới đây. Tuy nhiên theo nhận định của giới phân tích, phe ly khai tại Catalonia dù đã giành chiến thắng, nhưng tương lai độc lập vẫn sẽ là một viễn cảnh xa vời. Bởi cả hai đảng ủng hộ độc lập là đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalonia (CDC) và đảng cánh tả Ứng viên thống nhất đại chúng (CUP) sẽ phải đạt được thỏa thuận nội bộ để đảm bảo chiến thắng đa số tuyệt đối. Trong khi đó, chính quyền trung ương Madrid cũng tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để ngăn chặn việc Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha. 
Theo cảnh báo của chính quyền Tây Ban Nha, người dân Catalonia sẽ mất quốc tịch Tây Ban Nha nếu tách khỏi nước này. Đồng thời, Catalonia cũng sẽ không còn tư cách thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và không còn được vay vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Không dừng lại ở đó, áp lực còn đè xuống lĩnh vực thể thao khi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Javier Tebas và Bộ trưởng Thể thao Tây Ban Nha Miguel Cardenal vừa qua khẳng định sẽ tước quyền tham dự La Liga của đội bóng Barcelona của xứ này, nếu Catalonia quyết ly khai khỏi Tây Ban Nha. 
Trong khi đó về phía Catalonia, nếu vẫn quyết tâm tách ra khỏi Tây Ban Nha thì mọi chuyện cũng sẽ không dễ dàng trong lộ trình khẳng định độc lập. Dù có tiềm lực về kinh tế nhưng rõ ràng, bắt đầu lại từ đầu chắc chắn sẽ là một chặng đường đầy khó khăn với Catalonia. Theo một thống kê, các ngân hàng Catalonia vẫn còn đang nợ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hàng chục tỷ euro. Hệ thống tài chính Catalonia cũng phụ thuộc nhiều vào các khoản hỗ trợ của ECB. Đây sẽ là cản trở không nhỏ cho lộ trình độc lập của xứ này. Vì thế, một mục tiêu không nói ra của người dân Catalonia đó có thể là một cuộc đối thoại mới với chính quyền trung ương, để vùng này được đối xử công bằng hơn về chế độ thuế hay việc bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa… 
Còn về phía chính quyền trung ương, rõ ràng, Tây Ban Nha cũng không hề muốn mất đi một đầu tàu kinh tế của đất nước. Cho nên các nhà lãnh đạo xứ sở bò tót thừa hiểu rằng, cứng rắn và áp đặt chắc chắn sẽ không phải là giải pháp hiệu quả lúc này. Điều này càng đúng khi mới đây, tiếp sau Catalonia, lãnh đạo xứ Basque Inigo Urkullu cũng tuyên bố muốn tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến hợp pháp về tương lai của khu vực miền Bắc này với Tây Ban Nha. Vì vậy, Ngoại trưởng nước này Jose Manuel Garcia-Margallo trong một bước đi “xuống thang” mới đây đã tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về sửa đổi Hiến pháp, trao thêm quyền về tài chính cho vùng Catalonia.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng thừa nhận, hệ thống phân bổ ngân sách hiện hành chưa “công bằng” đối với những vùng như Catalonia và sẽ có những điều chỉnh thời gian tới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu chắc chắn cũng sẽ không để một “quân đô-mi-nô ly khai” đổ xuống lúc này. Bởi đó sẽ là thảm họa cho cả khu vực châu Âu vốn đang phải đối phó với quá nhiều bất ổn. Cho nên vào lúc này, việc Catalonia tách ra độc lập có lẽ sẽ vẫn dừng ở một bước đi mặc cả của chính quyền xứ này mà thôi./.
Phương Hoa

tin mới

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

(Baonghean.vn) - Ứng cử viên Nghị viện châu Âu thuộc đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Pháp) Mathieu Valais cho rằng, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Emmanuel Macron về việc gửi quân đội NATO đến Ukraine là "vô trách nhiệm", và trên thực tế sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp.  

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí.