Tiếp sức cho thư viện cơ sở

(Baonghean) - Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tra cứu tài liệu, mở mang dân trí. Tuy vậy, sách, báo, tạp chí được in trên giấy vẫn cần thiết cho nhu cầu văn hóa đọc và hoạt động của thư viện cơ sở (xã, xóm, dòng họ).

Đọc sách tại Tủ sách khuyến học dòng họ Đặng (xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên).
Đọc sách tại Tủ sách khuyến học dòng họ Đặng (xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên).

Góp phần nâng cao dân trí

Đã nhiều năm nay, thư viện dòng họ Đặng ở xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, không chỉ của người dân xóm 8 mà của toàn xã. Xác định sách vở là nguồn tri thức vô tận để nâng cao trình độ cho con cháu, đầu năm 2011, nhân dịp tế tổ và mừng thọ đầu Xuân, ban khuyến học dòng họ đã khai trương tủ sách dòng họ.

Được sự giúp đỡ của Thư viện tỉnh và Trung tâm VH - TT huyện Hưng Nguyên cùng sự đóng góp của những người con dòng họ xa quê tâm huyết với công tác khuyến học như thầy Đặng Văn Tuyết (Hà Nội), thầy Đặng Đình Sâm (Bình Dương), hiện tủ sách của dòng họ có hàng ngàn đầu sách với đa dạng các loại: sách giáo khoa, sách tham khảo, báo, tạp chí... mở cửa thường xuyên phục vụ con em trong họ tộc cũng như những học sinh hiếu học trong xã.

Nhờ đó, con cháu trong dòng họ và nhiều học sinh trong xã đã vươn lên học tập tốt. Năm học 2015 - 2016, xã có 26 học sinh đậu ĐH, CĐ, 1 học sinh đạt HSG quốc gia, 7 HSG tỉnh, 16 HSG huyện, gần 100 học sinh giỏi cấp trường… Bà Hồ Thị Nam - cán bộ thư viện phụ trách Thư viện huyện Hưng Nguyên cho biết: “Thư viện dòng họ Đặng là một trong những thư viện dòng họ tiêu biểu của huyện Hưng Nguyên với vốn sách phong phú và sự thu hút bạn đọc rộng rãi, góp phần nâng cao dân trí cho người dân nông thôn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để hỗ trợ thư viện hoạt động hiệu quả hơn nữa”.

Trong một lần đến xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) vào một ngày cuối tháng 8, tại thư viện xã nằm trên tầng 2 của công trình nhà truyền thống – thư viện (được xây dựng vào năm 2011, có diện tích 230m2), chúng tôi bắt gặp khoảng vài chục người, cả người lớn và học sinh từ cấp tiểu học đến THPT đang ngồi đọc sách. Em Lê Văn Tùng, học sinh lớp 7, Trường THCS Quỳnh Đôi cho biết: “Gia đình cháu khó khăn nên không có điều kiện mua nhiều sách, nhưng nhờ có thư viện xã nên anh em cháu được đọc nhiều loại sách bổ ích, được gặp gỡ, trao đổi với các bạn học sinh chăm chỉ, học giỏi và được hiểu thêm về truyền thống hiếu học của quê hương.

Nhờ đọc sách thường xuyên ở đây nên cháu học tốt hơn, tham gia nhiều hơn vào viết báo tường cho trường, cho lớp”.  Còn ông Hồ Phúc Thái – một người dân ở xóm 6, xã Quỳnh Đôi cho biết: “Giá sách bây giờ cao quá, nông dân chúng tôi không đủ tiền mua nổi một bộ sách để đọc. Nhưng nhờ có thư viện của xã mà chúng tôi được tiếp cận với các tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, được mở mang kiến thức”. Ông Hồ Quang Tuấn – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho rằng: “Việc thư viện xã hoạt động ổn định đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các  tệ nạn xã hội như đánh bạc, trộm cắp... được đẩy lùi, đời sống văn hóa của người dân cũng được nâng lên rõ rệt; số lượng học sinh khá giỏi, học sinh đậu đại học tăng lên. Theo thống kê của xã, có khoảng 70 - 80% các em học sinh thường xuyên đọc sách ở thư viện có kết quả học tập từ tiên tiến trở lên”. 

Cần sự quan tâm của chính quyền cơ sở

Bà Nguyễn Thị Tú Anh - Giám đốc Thư viện Nghệ An cho biết: Đến nay, Thư viện tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được hơn 210 thư viện, tủ sách ở cơ sở, trong đó có 123 thư viện, tủ sách xã, 200 tủ sách xóm, tiêu biểu như: mô hình thư viện xã ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu), xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp (Quỳ Hợp), xã Cát Văn (Thanh Chương), xã Tường Sơn (Anh Sơn), xã Nhân Thành, Phúc Thành (Yên Thành), xã Xuân Hòa, Nam Anh (Nam Đàn); mô hình thư viện xã kết hợp với trường học, tiêu biểu ở Diễn Hồng (Diễn Châu), Kỳ Tân (Tân Kỳ); mô hình thư viện - tủ sách đơn vị văn hóa ở xóm 4, xã Nghi Liên (TP. Vinh), xóm Luân Phú, xã Đồng Văn (Thanh Chương)…

Ngoài ra còn có các thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng hoạt động tích cực như: Thư viện cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (xã Cát Văn, huyện Thanh Chương), Thư viện nhà giáo Nguyễn Văn Khoa (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương);  tủ sách các dòng họ: Họ Đào (xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương), họ Hồ (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), họ Đặng (xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên)... Các thư viện, tủ sách cơ sở ở nông thôn hoạt động hiệu quả, góp phần giúp trẻ em hình thành thói quen đọc sách, từ đó xa lánh các tệ nạn xã hội và những trò chơi vô bổ; giúp bà con nông dân có thêm nhiều thông tin, kiến thức, đặc biệt là những tri thức về trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất, tăng thu nhập, phục vụ cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thư viện gia đình của bà Nguyễn Thị Năm ở phường Cửa Nam (thành phố Vinh).
Thư viện gia đình của bà Nguyễn Thị Năm ở phường Cửa Nam (thành phố Vinh).

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở toàn tỉnh còn mỏng, chưa được các cấp đầu tư thích đáng để xây dựng và tổ chức hoạt động, vốn sách còn trông chờ nhiều ở nguồn tài trợ. Hơn nữa, trên thực tế, ở nhiều địa phương, các mô hình thư viện, tủ sách ở cơ sở chưa phát huy được hiệu quả. Như tại xã Lĩnh Sơn  – một trong những xã có phong trào văn hóa phát triển của huyện Anh Sơn, các tủ sách thôn, xóm đặt tại các nhà văn hóa hầu như không hoạt động; tủ sách pháp luật thường được đặt tại UBND các xã nên người dân ngại tới đọc.

Còn tại xã Nghĩa Mỹ - xã đạt chuẩn nông thôn mới của thị xã Thái Hòa, thư viện xã chỉ có khoảng trên 50 bản đầu sách và chỉ là sách về chính trị, pháp luật chủ yếu phục vụ cho cán bộ tư pháp, cán bộ xã. Không khó để nhận thấy rằng, thư viện cơ sở nào được chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội quan tâm thì hoạt động tốt, còn không thì cầm chừng, khó duy trì và phát triển. Trong lúc đó, ở nhiều xã, thôn, xóm, cấp ủy, chính quyền còn nhìn nhận chưa đúng về vai trò của thư viện cơ sở, còn chuộng “ hình thức”, phô diễn vật chất hơn là tinh thần. Nhiều thôn, xóm vận động xây dựng cổng làng hết hàng trăm triệu đồng để “cạnh tranh” với thôn, xóm khác nhưng khi nói đến việc xây dựng một tủ sách với dăm trăm đầu sách trị giá hơn chục triệu đồng thì lại… kêu khó. 

Bà Nguyễn Thị Tú Anh khẳng định: Để phát triển các thư viện, tủ sách ở cơ sở, góp phần nâng cao văn hóa đọc ở cơ sở, rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền cơ sở trong việc hỗ trợ nguồn vật chất, tạo điều kiện về cơ chế để các thư viện, tủ sách hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ban quản lý các thư viện cũng cần năng động tuyên truyền, huy động sự hỗ trợ của thư viện cấp trên, các nhà hảo tâm và chính người dân để góp sách, nhằm bổ sung đa dạng nguồn sách cho thư viện, tủ sách.

Theo thống kê của Thư viện tỉnh Nghệ An, hiện nay, 19/21 huyện, thành thị ở tỉnh ta có thư viện huyện, nhưng số thư viện này hoạt động hiệu quả không nhiều. Ở nhiều thư viện huyện, số lượng đầu sách khá ít ỏi, chỉ xấp xỉ 500 – 600 đầu sách. Hiện nay, bạn đọc đến thư viện huyện ngày càng ít đi vì vốn sách của kho sách thư viện ngày càng lạc hậu, cũ nát, trong khi thư viện lại không bổ sung được sách mới. Chỉ có số ít các thư viện như Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành có bổ sung sách mới hàng năm, còn lại các huyện khác không thực hiện bổ sung sách, mà chỉ bổ sung được báo, tạp chí, thậm chí có huyện chỉ mua được 3 đến 5 loại báo chí, chưa đáp ứng được với yêu cầu khai thác thông tin phục vụ xây dựng và phát triển của từng địa phương. 

Do đó, việc xây dựng và phát triển các thư viện, tủ sách cơ sở như thư viện xã, tủ sách khu dân cư, tủ sách pháp luật xã, điểm bưu điện - văn hoá xã, tủ sách dòng họ được xem là cách tốt nhất, thuận tiện nhất để đưa văn hóa đọc đến với người dân nông thôn.

Bài, ảnh: Minh Quân

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.