Trẻ sau bú mẹ cần chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Việc sử dụng kết hợp sữa mẹ và bốn nhóm thực phẩm bổ sung cần thiết cho trẻ góp phần quan trọng trong việc giúp bé phát triển khoẻ mạnh và đầy đủ, đặc biệt là trong những tháng đầu đời.


Trẻ sau bú mẹ cần chế độ dinh dưỡng như thế nào? ảnh 1

Phụ huynh cho trẻ khám dinh dưỡng thời gian đầu đời rất quan trọng

 

Sữa mẹ - Thực phẩm toàn năng trong 6 tháng đầu đời của trẻ

Theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa – Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cho biết: “Trong sữa mẹ có đầy đủ tất cả các dưỡng chất quan trọng nhất như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất cùng các yếu tố vi lượng cần thiết để trẻ có thể phát triển khoẻ mạnh và toàn diện trong những năm tháng đầu đời”. Tuy nhiên, theo thực tế khám và tư vấn dinh dưỡng tại Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh thì không phải bà mẹ nào cũng hiểu được điều này.

Trong sữa mẹ có chứa “bifidogenic” bao gồm vi khuẩn có lợi, đường oligosaccharide, hàm lượng đạm nguyên chất cao và đường lactose… sẽ kết hợp cùng hệ vi khuẩn khoẻ mạnh trong đường ruột của bé trở thành những yếu tố giúp phát triển hệ miễn dịch khoẻ mạnh.

Ngoài ra, sữa mẹ còn góp phần ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như nhiễm trùng đường tiêu hoá, nhiễm trùng tai và đường hô hấp.

Bên cạnh đó, sữa mẹ có tác dụng bảo vệ bé khỏi những dị ứng cũng như phòng ngừa các bệnh chuyển hoá tim mạch bao gồm béo phì, cao huyết áp, lipid máu cao và bệnh tiểu đường loại 2.

Cùng với các lợi ích về dinh dưỡng, việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp tạo điều kiện gắn bó giữa mẹ và bé. Người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên với bé- đó là yếu tố quan trọng trong việc phát triển hài hoà của đứa trẻ. Chính bởi vậy, các bà mẹ nên tin tưởng và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không cần quá lo lắng tới các vấn đề như thiếu nước, thiếu chất…

Sữa mẹ có đủ cho trẻ sau 6 tháng đầu đời?

Với nhu cầu năng lượng tăng, sau 6 tháng đầu bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Do vậy, thức ăn bổ sung trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết. Theo sự phát triển của trẻ lượng thức ăn trong khẩu phần ăn dặm cũng cần được tăng lên (tăng về số lượng và độ đậm đặc). Giai đoạn này sẽ quyết định rất lớn sự phát triển cân đối của trẻ, vì nếu không đảm bảo đủ số bữa ăn và số lượng ăn trong một bữa sẽ khiến trẻ còi cọc, phát triển chậm.

Bác sỹ Hà Thị Việt Hòa – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết thêm: “Để có thể phát triển tốt nhất, khi bắt đầu ăn dặm trẻ vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột, cháo/ ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Các bà mẹ cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ những ngày đầu ăn dặm phải đủ 4 nhóm thực phẩm quan trọng.”

Nhóm cung cấp bột đường

Các bà mẹ có thể sử dụng gạo tẻ, gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc, khó ăn), không nên trộn hạt y dĩ, hạt sen, đậu xanh dễ gây cảm giác chán ăn và chậm tiêu cho trẻ. Với trẻ trên 1 tuổi nên đa dạng thực đơn ăn dặm để tránh là trẻ biếng ăn do ăn cháo quá lâu.

Nhóm cung cấp chất đạm

Thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà là những thực phẩm giàu đạm dễ tiêu, được khuyến nghị dùng cho trẻ khi mới bắt đầu tập ăn dặm. Sau đó, cho trẻ ăn thịt bò, cá, tôm, cua khi trẻ sang tháng tuổi thứ 7. Trên 1 tuổi nên cho trẻ ăn cả quả trứng gà (cả lòng đỏ và lòng trắng). Với trẻ nhỏ không có vấn đề về cholesterol máu cao nên cho trẻ ăn trứng gà hàng ngày nếu trẻ thích ăn để tận dụng một nguồn cung cấp đạm động vật ngon, bổ, rẻ.

Nhóm cung cấp chất béo

Trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn), với tỷ lệ tốt nhất là 1:1 nên xen kẽ các bữa dầu và mỡ. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, ôliu, dầu cá hồi…), riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên ăn 1-2 lần/ tuần để tránh vàng da do thừa vitamin A.

Nhóm cung cấp chất xơ và vitamin

Đây là nhóm hầu như không cung cấp năng lượng nên không cho quá nhiều vào bữa bột cháo của trẻ khiến cho trẻ chậm lên cân. Nếu trẻ táo bón có thể tăng cường thêm nhưng không nên quá nhiều. Ngược lại, với trẻ bị thừa cân béo phì rất nên bổ sung tăng cường nhóm này để hạn chế năng lượng.

Để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn đầu đời, các bà mẹ nên tìm đến những chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng có chuyên môn để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với trẻ.


Theo Dantri - NT

tin mới

Khoa Tiêu hóa – Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang là nơi điều trị cho 98 bệnh nhi mắc Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Ảnh: Hoàng Yến

Xây dựng ‘mái nhà chung’ của bệnh nhi tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đang là nơi theo dõi và điều trị cho 98 bệnh nhi mắc Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Hàng tháng, các bệnh nhi phải nhập viện định kỳ để duy trì sự sống. Khoa hiện là ngôi nhà thứ hai của các bệnh nhi này.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.