Cần xã hội hóa cai nghiện ma túy bằng điều trị Methadone

(Baonghean) - Tháng 9/2012, tỉnh ta triển khai cai nghiện cho người nghiện ma túy bằng phương pháp điều trị thay thế methadone. Đến nay, kết quả mang lại là khá tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chương trình, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. 

Kết quả khả quan
“Nếu không có methadone, chắc tôi  vẫn ở trong tù”, đó là lời khẳng định của một bệnh nhân mà chúng tôi gặp tại ở cơ sở điều trị bằng Methadone (thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS). Với nước da hồng hào, khuôn mặt sáng sủa, thật khó để hình dung được Tr. V. Th. trú ở khối 4, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) là một người nghiện ma túy. Người đàn ông này đã rất cởi mở khi chia sẻ với chúng tôi về quá trình nghiện và cai nghiện ma túy của mình. 
Bệnh nhân nghiện ma túy điều trị bằng methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Bệnh nhân nghiện ma túy điều trị bằng methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Sinh năm 1976, thông minh, học giỏi, tương lai Th. rộng mở khi anh thi đậu vào Trường Đại học giao thông -   Vận tải. Năm 1998, khi đang là sinh viên năm cuối, chỉ vì tò mò, đua đòi bạn bè nên Th. đã “bập” vào ma túy. Kể từ đó, ma túy đã phủ bóng đen lên cuộc đời anh, dù anh đã vật vã, cố gắng để thoát khỏi nó. 7 lần cai nghiện, trong đó có 5 lần cai tập trung tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, nhưng đều thất bại; đã một lần phải vào tù vì tàng trữ heroin, tưởng như cuộc đời Th. sẽ không bao giờ thoát khỏi ma túy. Nhưng đến tháng 9/2012, chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone lần đầu tiên được triển khai ở Nghệ An đã đem đến cho anh hy vọng. Là một trong những người đầu tiên đăng ký điều trị, từ đó đến nay, đều đặn mỗi ngày anh đều đến đây để uống thuốc. Th. tâm sự: “Nhờ uống methadone, tôi thấy mình khỏe ra, tăng hơn 10 kg so với cách đây gần 2 năm, không phải vật vã thèm thuốc như trước nữa. Vì thế, tôi lại có cảm giác tự tin vào cuộc sống, cùng vợ mở một quầy tạp hóa, việc buôn bán khá suôn sẻ. Không những thế, tình cảm gia đình, quan hệ với anh em họ hàng cũng thay đổi tích cực. Vợ tôi đã sinh thêm một cháu bé sau khi đã có cháu đầu vào năm 2006 và cả gia đình tôi đều tin tưởng vào tương lai”. 
Còn D. (SN 1990) trú ở xóm 13, xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Bắt đầu sử dụng ma túy từ năm 2008. D đã có 5 năm liên tục khiến cả gia đình khổ sở vì không thể dứt ra được sự đày đọa của heroin. Tháng 6/2013, gia đình đã đưa D vào đăng ký cai nghiện thay thế bằng methadone. “Sau vài tháng điều trị, em không còn cảm giác thèm heroin như trước đây và đã tham gia vào các công việc của gia đình”.
Bác sỹ Luyện Văn Trịnh – Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Tỉnh ta là  địa phương thứ 12 trong cả nước triển khai chương trình điều trị thay thế các chất gây nghiện bằng thuốc methadone (theo Quyết định số 3900/QĐ-UBND  ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh). Đến ngày 31/5/2014, đã có 426 bệnh nhân đến từ 11 huyện, thành, thị trong tỉnh đăng ký tham gia điều trị, trong đó có 378 bệnh nhân đã được điều trị và có 268 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị. Cùng với đó, cơ sở đã tổ chức được 76 buổi giáo dục nhóm tuyên truyền về tác hại của ma túy cũng như hiệu quả điều trị methadone, thu hút 882 lượt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia; tổ chức tư vấn cho gần 3 nghìn lượt người trước và trong quá trình điều trị. 
Theo các bác sỹ tại trung tâm thì việc điều trị các chứng nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone ở tỉnh ta bước đầu đã có nhiều kết quả khả quan: Khoảng 98% bệnh nhân chấp hành tốt phác đồ điều trị, hơn 80% bệnh nhân sau khi tham gia điều trị đã không còn sử dụng heroin, nhờ đó cải thiện về sức khỏe, tăng cân, tâm lý ổn định, giao tiếp tự tin, cải thiện mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Gần 20% bệnh nhân còn sử dụng heroin nhưng với tần suất ít hơn rất nhiều và với hình thức sử dụng đỡ nguy hiểm hơn là hít thay vì tiêm chích như trước đây. Do đó, có thể khẳng định, việc triển khai điều trị bằng methadone như một mũi tên trúng nhiều đích: Hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình cũng như giảm nguy cơ phạm pháp, góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội.
Những khó khăn
Điều trị methadone được xem là phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, toàn bộ chi phí cho cơ sở vật chất ban đầu, mua methadone và chi phí vận hành, tiền lương cho cán bộ, nhân viên các cơ sở được trích từ tài trợ của Dự án PEPFAR nên tất cả các bệnh nhân tham gia điều trị không phải chi trả tiền thuốc và bất cứ khoản chi phí nào khác. Nhưng nguồn hỗ trợ này đang bị cắt giảm và sẽ kết thúc vào năm 2015, điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thành lập các cơ sở điều trị methadone. Dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 7 cơ sở điều trị bằng methadone, với hơn 1.700 bệnh nhân tham gia điều trị. Tuy nhiên, đến tháng 6/2014, mới chỉ có 2 cơ sở đi vào hoạt động là cơ sở ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và ở Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), trong đó cơ sở Quế Phong mới chỉ tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ ngày 24/6.
Cũng do khó khăn về kinh phí nên các cơ quan chức năng chưa tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, tuyên truyền về methadone xuống cơ sở, do đó nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân về điều trị methadone còn nhiều hạn chế. Bác sỹ Luyện Văn Trịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Nhiều bệnh nhân đến điều trị cho chúng tôi biết rằng ở một số địa phương, do chưa nhận thức đúng về điều trị methadone, coi người nghiện là đối tượng phạm tội nên còn gây khó khăn cho họ khi đến xin xác nhận. Ngoài ra, với những bệnh nhân ở xa, dù đã được cấp thuốc miễn phí nhưng họ vẫn phải tốn kém chi phí đi lại; sau vài tháng điều trị, thấy không còn thèm heroin, người nhà của một số bệnh nhân và chính bản thân họ tưởng đã cai nghiện thành công, lại bỏ dở điều trị cho đỡ tốn kém mà không biết rằng điều trị methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời”. 
Tuy nhiên, để điều trị thành công ngoài việc cần có phác đồ điều trị phù hợp và bản thân, người bệnh phải kiên trì, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt, trong quá trình điều trị rất cần có sự quan tâm ủng hộ của người thân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Ngay cả nhiều bệnh nhân đã điều trị methadone lâu dài và tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị vẫn phải thừa nhận rằng dù không còn cảm giác thèm heroin như trước đây nhưng nếu vẫn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nghiện ma túy ngoài xã hội thì họ vẫn rất dễ tái nghiện. Con số 110 bệnh nhân phải từ bỏ điều trị methadone đã cho thấy điều đó. 
Mặt khác, hiện nay, chế độ cho những người làm công tác điều trị methadone còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Theo bác sỹ Trần Mạnh Cường – Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trong số 13 cán bộ, nhân viên của cơ sở, hàng ngày có đến 4 - 5 người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và công việc này có thể xếp vào nhóm độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, các cán bộ, nhân viên ở đây không được hưởng bất cứ chế độ phụ cấp độc hại nào, dẫn đến nhiều người không muốn gắn bó lâu dài với công việc. 
Như vậy, để tăng độ bao phủ của chương trình điều trị methadone, giúp nhiều người nghiện ma túy có cơ hội cai nghiện, các ban, ngành liên quan cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các dự án, đẩy nhanh tiến độ thành lập các cơ sở điều trị methadone. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và người dân về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện cũng như hiệu quả của điều trị methadone để từ đó tạo điều kiện cho người nghiện tham gia điều trị methadone, giúp họ hòa nhập cộng đồng, giải quyết việc làm, đồng thời tiến dần đến việc xã hội hóa chương trình điều trị methadone để giải quyết khó khăn về kinh phí sau khi các dự án HIV/AIDS kết thúc. 
Bài, ảnh: Minh Quân
Methadone là một loại ma túy hợp pháp (không phải là loại thuốc cai nghiện) dùng để thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như heroin. Tuy là ma túy, nhưng methadone có ưu điểm là không phải tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong 24 giờ nên mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Methadone cũng không tạo những kích thích, hưng phấn cao như heroin... Người nghiện khi dùng methadone vẫn có khoái cảm nhưng yếu, nên đây được gọi là phương pháp điều trị thay thế.

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.