Nỗi ân hận muộn màng của Phó bí thư chi bộ đi buôn ma túy

(Baonghean.vn) - “Mình cũng không lí giải nổi tại sao mình lại làm thế. Chắc tại mình tham quá! Mình mất nhiều quá, bị khai trừ Đảng, không được làm cán bộ nữa, phải ngồi tù…”, Già Bá Cò gục đầu xuống. 

Học xong trung cấp văn thư lưu trữ, Già Bá Cò  (SN 1983, trú xã Đọoc Mạy, huyện Kỳ Sơn) học tiếp trung cấp địa chính rồi về xã làm cán bộ hợp đồng, phụ trách mảng chính sách và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ bản.

Già Bá Cò
Già Bá Cò

Mong muốn được vào biên chế, Già Bá Cò học thêm ĐH Luật hệ tại chức. Con đường công danh tưởng như đã mở ra trước mắt thì chính Cò lại chặt đứt nó khi tự mình sa chân vào con đường mua bán trái phép chất ma túy.

Thời điểm Già Bá Cò (SN 1983) bị lực lượng phòng chống ma túy BĐBP tỉnh bắt giữ khi đang mang trên mình 3.400 viên ma túy tổng hợp, ông Lầu Bá Và – Trưởng Công an xã Đọoc Mạy (Kỳ Sơn) đã phải thốt lên: “Lúc nhận được tin Già Bá Cò bị bắt mà tôi không tin được. Cò là người có uy tín ở bản, có bằng ĐH Luật, là Phó Bí thư chi bộ bản Huồi Viêng, cán bộ chính sách, cán bộ nguồn của địa phương đấy.

Hoàn thành tốt công việc chuyên môn, Cò còn có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới, được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tặng Giấy khen. Tôi không thể hiểu được một người có tương lai rộng mở như Cò lại chọn đi con đường đó bởi nhà Cò cũng có phải là nghèo đâu”.

Già Bá Cò thấp đậm, dáng nhanh nhẹn, đặc biệt rất hoạt ngôn và khá cởi mở. Cò tâm sự, nhà có 8 anh chị em, bố mẹ làm nương rẫy, nghèo nhưng hết lòng lo cho con cái. 7 trong số 8 anh chị em Cò đều được bố mẹ cho ăn học đến hết lớp 12. Ngoài Già Bá Cò ra còn có 1 người anh và 1 người em trai hiện đang công tác tại UBND xã Đọoc Mạy.

Già Bá Cò được bố mẹ cho xuống thành phố học Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Thi đại học không đậu, Cò học Trung cấp văn thư lưu trữ, học thêm Trung cấp địa chính rồi về địa phương công tác, lấy vợ sinh con. Làm cán bộ hợp đồng phụ trách công tác chính sách, lương tháng hơn 2 triệu, muốn được vào biên chế để ổn định hơn nên Cò đi học tại chức luật. Ở vùng biên này, có chí học hành như Cò có lẽ cũng hiếm. Nhưng rồi, chính Cò lại bẻ ngoặt con đường tiến thân của mình sang một ngã rẽ tăm tối hơn.

Cuối tháng 3/2016, một người đàn ông tên Cường, quê Đô Lương gặp Cò đặt mua 7 gói hồng phiến. Ngày 30/3/2016, Cò sang Lào và được 1 người đồng ý bán cho 7 gói hồng phiến với giá 24,5 triệu. Cò thông báo cho Cường đã tìm được hàng và thống nhất giá cả và cho biết còn 10 gói hồng phiến người Lào muốn bán nốt, giá không đổi. Cường đồng ý mua hết. Cứ mỗi gói hồng phiến bán cho Cường, Cò sẽ lãi 500 nghìn đồng. 17 gói hồng phiến (khoảng 3.400 viên), Cò sẽ có một số tiền không hề nhỏ.

Hồng phiến (ảnh minh hoạ)
Hồng phiến (ảnh minh hoạ)

Đêm 31/3, Cò cùng người Lào xuyên rừng đến địa điểm hẹn để giao ma túy cho Cường thì bị bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Na Loi phát hiện, tổ chức vây bắt. Cường và người Lào chạy thoát, Già Bá Cò bị bắt giữ cùng với 17 gói hồng phiến dấu trong áo.

Ngoài khoản tiền lương cán bộ chính sách, hai vợ chồng còn trồng rẫy, chăn nuôi thêm trâu, lợn nên so với mặt bằng đời sống chung của người dân xã Đọoc Mạy, gia đình Cò chưa bao giờ phải lâm vào cảnh túng thiếu. Ấy vậy nhưng, trước khoản tiền lời mà việc buôn bán ma túy mang lại, Cò không giữ được bản thân mình.

Đứng trước vành móng ngựa, Già Bá Cò thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Khi được nói lời nói sau cùng, Già Bá Cò tha thiết mong được nhận sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ các con, phấn đấu để làm người lương thiện. “Bị cáo hứa sẽ cố gắng cải tạo thật tốt, sau khi ra tù sẽ không để tái phạm hay vi phạm bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào. Ra tù, dù không được làm cán bộ nữa cũng phải làm một người dân tốt để nuôi dạy các con”, Già Bá Cò nói.

Áp dụng điểm m khoản 2, Điều 194 Bộ luật Hình sự cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác (thành khẩn khai báo, được BĐBP tặng Bằng khen về thành tích trong bảo vệ biên giới…), HĐXX tuyên phạt Già Bá Cò 7 năm tù.

“Tất cả là tại mình tham quá. Hối hận cũng muộn quá rồi, chỉ biết trách bản thân mình thôi…”, Già Bá Cò tâm sự.

                                                                   Như Bình

tin mới

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

(Baonghean.vn) -Mặc dù quy định cấm chó thả rông đã có từ năm 2017, nhưng từ đó đến nay, dường như các địa phương vẫn loay hoay tìm cách xử lý, chó thả rông đã trở thành vấn nạn. Trong khi đó, tại Nghệ An có một vùng quê, suốt 6 năm qua, gần như không còn bóng dáng con chó nào ngoài đường.

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn - Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

(Baonghean.vn) -Sau khi được tòa án tuyên thắng kiện, lấy lại được ruộng thì chỉ không lâu sau, trên thửa ruộng đó xuất hiện nhiều chông sắt bị kẻ xấu cắm. Khi mà cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm, thì trong quá trình canh tác, ruộng lúa này lại nghi bị phá hoại một lần nữa.

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

(Baonghean.vn) - Trên nhiều trang mạng xã hội đã có những phàn nàn về lái xe taxi ở sân bay Vinh có tình trạng chê khách chặng ngắn, ghép khách và thu thêm tiền vào cổng… Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ, tránh gây nên tình trạng lộn xộn.

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

(Baonghean.vn) - Em tôi bị phát hiện sử dụng các công cụ, phương tiện gồm ắc quy, bộ kích điện, lưới đánh cá đấu nối với nhau bằng dây điện để khai thác tận diệt thủy sản. Vậy tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có thể bị phạt gì ?