Mở cơ hội mới cho cam Vinh
(Baonghean.vn) - Cuối năm là thời điểm các vườn cam Vinh vào mùa chín rộ. Khách sành ăn không chỉ tìm đến đây để mua đặc sản cam xứ Nghệ mà còn muốn được trải nghiệm cảm giác tự tay thu hái, thưởng thức quả ngọt ngay tại vườn.
Cam Vinh niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Ảnh: Xuân Hoàng |
Nói đến đặc sản xứ Nghệ vào dịp cuối năm, khách hàng khắp nơi trong nước sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm cam Vinh nức tiếng thơm ngon. Trước hết phải kể đến cam Xã Đoài, là giống cam có trên đất Nghi Lộc từ cách đây hàng trăm năm. Sau này giống cam Xã Đoài lòng vàng được nhân giống để trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Diện tích cam Vinh được mở rộng dần, sản lượng có đến hàng vạn tấn/năm. Cùng giống cam Xã Đoài, các giống cam Vân Du, Sông Con, Valencia đã chính thức trở thành thương hiệu cam Vinh nổi tiếng cả nước, đến nỗi những khách hàng khó tính cũng gật đầu “ăn một lần nhớ mãi”.
Sản phẩm cam Vinh được thu hái từ đầu tháng 11 đến tết Nguyên đán. Ảnh: Xuân Hoàng |
Cam Vinh được đánh giá không chỉ sạch mà cho quả mọng, thơm ngon hơn hẳn các loại cam khác. Những tép cam vàng sáp ong, mọng nước, thơm ngon, thanh mát không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà cả nước đều biết đến. Cam Vinh vào vụ thu hoạch đúng dịp trời bắt đầu sang Đông, không khí trở nên mát mẻ hơn. Vì thế, đây cũng được xem là dịp để mọi người khi bước chân đến trại cam ngoài nghỉ ngơi, thư giãn, còn có cơ hội check in bên những gốc cam sai trĩu quả, chín vàng vô cùng đẹp mắt.
Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ cam chín vàng, chị cùng các bạn ngược các vườn cam đẹp trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Con Cuông… để check-in, lưu giữ những tấm hình đẹp làm kỷ niệm. Không những bản thân mình có được tấm hình đẹp, mà còn giới thiệu, quảng bá đến bạn bè khắp nơi sản phẩm cam Vinh nổi tiếng thơm ngon.
Cam Vinh đạt năng suất cao, bình quân 15 tấn/ha, cá biệt có những vườn đạt năng suất gần 30 tấn/ha. Ảnh: Xuân Hoàng |
Mỗi khi cam chín vào vụ, không ít du khách khi ghé thăm những vườn cam lúc lỉu quả, là cơ hội tận hưởng trọn vẹn nhất cảm giác vui vẻ, nhộn nhịp trước những người nông dân hồ hởi hái cam từ sáng sớm với những câu chuyện rôm rả; niềm vui như ùa về, nụ cười của người trồng cam giòn tan hòa vào sắc nắng.
Bên cạnh đó, thương lái khắp nơi cũng đổ về đây nhiều hơn, tạo lên sự nhộn nhịp hiếm thấy bên những triền cam chín mọng, vàng rực. Bên những đường lộ chạy qua vùng trọng điểm cam Vinh, khách dừng chân tha hồ lựa chọn cho mình những trái cam ngon nhất, chín nhất, do người dân bày biện bắt mắt trên các sạp.
Từ năm 2017, sản phẩm cam Vinh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Nguyễn Khắc Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thành (Yên Thành) cho biết, mỗi vụ cam không chỉ đem lại no ấm cho những hộ trồng cam, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Xã Đồng Thành là thủ phủ cam của huyện lúa Yên Thành ngày nay. Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên với nghề trồng cam, những vùng đất quanh chân núi Lèn, nếu trồng cam sẽ cho chất lượng quả tốt, do vậy, phần lớn diện tích cam của địa phương được trồng quanh chân núi Lèn và thực sự là như vậy. Ở Đồng Thành, cây cam đã giúp nhiều hộ dân làm giàu.
Lão nông Lã Hữu Hải ở xóm Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) là một trong những thành viên của hợp tác xã trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh sẽ nâng giá trị cam cao hơn, tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, người trồng cam cũng gặp không ít khó khăn, đơn cử như trong năm 2021, dịch Covid-19, mưa lũ, khiến nhiều trại cam bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tổ chức Chương trình "Livestream quảng bá, kết nối tiêu thụ cam Vinh và các đặc sản Nghệ An". Ảnh: Q.An |
Chính vì vậy, nhiều người trồng cam đã nhận thức được rằng, giải pháp phát triển cam bền vững thì bản thân người trồng cam cần phải liên kết lại trồng cam theo quy trình, công nghệ nhằm nâng giá trị vườn cam, giữ vững thương hiệu để sản phẩm cam Vinh đi sâu hơn vào các thị trường khó tính. Nếu vẫn mạnh ai nấy làm, phát triển theo hướng tự phát thì khó có thể tránh khỏi những rủi ro cam được mùa mất giá.
Cam Vinh đã được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ về vốn sản xuất, khoa học công nghệ trong sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị cam Vinh. Theo đó, người trồng cam trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy trình sản xuất, bảo quản cam mang chỉ dẫn địa lý, đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường, với phương châm người trồng cam tự chịu trách nhiệm về sản phẩm cam của mình.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.735 ha cam, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Trong đó, có 220 ha cam trồng cam áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; hình thành được nhiều vùng sản xuất cam VietGAP, GlobalGAP, với trên 150 ha trồng cam được cấp chứng nhận.
Đến mùa cam Vinh chín vàng, khách hàng có dịp thư giãn bên những cây cam trĩu quả. Ảnh: Xuân Hoàng |
Cam Vinh đã được phần lớn người trồng cam chủ động tiếp cận với công nghệ để giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là quảng bá trên các trang báo. Cùng đó, nhiều năm qua, đặc biệt là năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tỉnh đã có nhiều hoạt động để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Vinh bằng hình thức phong phú, đa dạng: “Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh” gắn với truyền thông, quảng bá theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành; chương trình Livestream trực tiếp tại vườn cam… nhằm quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu cam Vinh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh các mặt hàng nông sản.
Những hoạt động thiết thực như vậy, được cho là sẽ mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm cam Vinh, vốn đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh.
Cam Vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp được tỉnh Nghệ An xác định là chủ lực của tỉnh. Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao đến được với người tiêu dùng trong cả nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng cam./.