Người lính trẻ và hành trình vượt khó đạt điểm khối C cao thứ 4 toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Lê Văn Chiến là cậu học trò nghèo, bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, phải mò cua bắt ốc để tự nuôi sống bản thân và người bà đã ngoài 80 tuổi. 10 năm sau khi câu chuyện xúc động ấy được chia sẻ, Lê Văn Chiến nay đã là một người lính trong quân đội.

Điều đặc biệt, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, với 28,75 điểm, Chiến nằm trong tốp 4 thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước.

Thí sinh đặc biệt

Lê Văn Chiến sinh năm 2001, năm nay 22 tuổi. Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Minh Khai (Hà Nội), Chiến có lẽ là một trong những thí sinh cao tuổi nhất. Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi, Chiến đi thi với trang phục của một người lính và cố gắng tạo cho mình tâm lý thoải mái nhất, dù rằng em biết mình khác biệt với khá nhiều người.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Chiến cho biết: Đây là lần thứ 2 em tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT và trong một điều kiện hoàn toàn khác biệt. Tuy vậy, so với kỳ thi trước đây phải làm bài thi 6 môn thì nay em chỉ cần thi 3 môn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài môn Ngữ văn, hai môn thi còn lại là Lịch sử và Địa lý sau khi hoàn thành xong môn thi em đã tự chấm được điểm cho mình và gần sát với kết quả đã công bố, với điểm Ngữ văn 9,25, Lịch sử 10 và Địa lý 9,5 điểm.

361868281_293934573009513_3153787379665724682_n.jpg
Lê Văn Chiến là thí sinh mặc áo lính tại điểm thi Trường THPT Minh Khai (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Với điểm thi cao ngất ngưởng, Chiến nằm trong tốp 4 thí sinh có điểm thi khối C cao nhất nước và tương đương với điểm thi khối C của thủ khoa xứ Nghệ. Trong 3 môn thi, Chiến nói rằng, em hài lòng với môn Lịch sử vì mình đạt điểm tuyệt đối. Điểm 9,5 môn Địa lý là nằm trong dự kiến. Tuy nhiên, em hơi tiếc điểm môn Ngữ văn với lý do “chữ em hơi xấu. Nếu em viết đẹp có lẽ điểm số sẽ cao hơn”.

Với kết quả đã đạt được, Chiến kể rằng em đã trút đi được một gánh nặng rất lớn. Người đầu tiên Chiến báo tin vui là cô giáo Nguyễn Thủy – từng là giáo viên dạy môn Ngữ văn của em trong những năm em học cấp III tại Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương). Sau đó, vì quá hạnh phúc, Chiến gọi điện cho các thầy giáo, cô giáo đã từng dạy mình, cho bạn bè, cho những người quen ở quê. Đồng đội của Chiến, nơi em đang đóng quân tại một đơn vị thuộc Cục quân khí Tổng cục kỹ thuật cũng đã chia sẻ với em niềm hạnh phúc này.

z4531400187140_8e9108137d7b18ea3710ce8638252c1f.jpg
Hai năm trước, Chiến tham gia nhập ngũ dù em có giấy báo trúng tuyển nhiều trường đại học. Ảnh: NVCC

Một người nữa Chiến muốn báo là bà nội của mình nhưng bà đã đi rất xa hơn 4 năm. Dù không thể nói được với bà trực tiếp nhưng Chiến biết rằng, ở một nơi rất xa bà đã có thể mỉm cười. "Em sống một mình với bà từ nhỏ. Bà chẳng được học hành, vất vả một đời nhưng lúc nào cũng tâm niệm muốn em được học hành đầy đủ, được vào đại học. Em luôn cố gắng để thực hiện được ước nguyện của bà" – Chiến nói thêm.

Nghị lực của người lính trẻ

Nhiều năm trước, Lê Văn Chiến là một cậu học trò nghèo từng gây xúc động cho nhiều bạn đọc khi bài viết “Niềm tin của cậu bé nghèo” được đăng trên Báo Nghệ An. Khi đó, Chiến 11 tuổi, mới học lớp 5, người gầy gò, yếu ớt, chân tay khẳng khiu, đen nhẻm. Hoàn cảnh Chiến đáng thương, khi chỉ mới sinh ra được 6 tháng thì bố mẹ li hôn, mỗi người một nơi và để lại Chiến với bà nội đã gần 80 tuổi.

z4531400173831_0478d11e8d323111ca46640b957e3a8c.jpg
Chiến là học sinh của Trường THPT Đặng Thúc Hứa và từng đạt học sinh giỏi trong những năm học THPT. Ảnh: NVCC

Sống côi cút trong căn nhà nhỏ ở xóm 2B, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương), Chiến và bà bữa đói, bữa no nhờ vào mớ cua, mớ tép bà bắt được ngoài đồng. Lên 10 tuổi, bà ngày một yếu đi, Chiến trở thành lao động chính. Hàng ngày ngoài buổi đi học, buổi chiều Chiến lại đi bắt cua, bắt ốc về nhập cho các quán ăn trên địa bàn. Ngày nào “thu nhập” cao, Chiến đem về khoảng 60.000 đồng, ngày nào thấp chỉ được khoảng 20.000 đồng. Cuộc sống của 2 bà cháu cứ thế trôi đi trong sự vất vả, lam lũ và nghèo khó. Trong những ngày khó khăn đó, đã nhiều lần Chiến nghĩ tới việc nghỉ học nhưng mỗi lần Chiến cảm thấy bế tắc lại được bà động viên, lại được các thầy giáo, cô giáo ở trường chia sẻ, tiếp sức.

Kết thúc 12 năm học phổ thông, ngoài những tấm Giấy khen của nhà trường, Chiến còn từng đạt thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý, và đạt giải Khuyến khích môn Sinh học. Năm lớp 12, Chiến giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý.

361873661_293763539693283_5296631187053894344_n.jpg
Hình ảnh của Chiến những ngày còn nhỏ. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Chiến cũng đạt 27,5 điểm ở tổ hợp Văn - Sử - Địa và là một trong những thí sinh có điểm thi khối C cao nhất ở Trường THPT Đặng Thúc Hứa. Chỉ tiếc rằng, điểm thi này lại thấp hơn 1 điểm so với điểm chuẩn đầu vào ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Gác ước mơ vào đại học, Chiến lên đường nhập ngũ. Hành trang vào lính của em, ngoài bộ quần áo cũ, còn có thêm những cuốn sách giáo khoa và toàn bộ những cuốn vở ghi mà em đã được học trong những năm lớp 12 ở trường.

Nhớ lại thời điểm năm 2021, Chiến kể thêm rằng, khi ấy ngoài nguyện vọng 1 em không đỗ, Chiến đã có giấy báo vào Đại học Văn hóa và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, em biết hoàn cảnh của mình bởi lúc bấy giờ bà của Chiến đã qua đời, một mình em côi cút. Vào đại học, tiền học phí, tiền ăn, tiền ở Chiến chưa biết xoay xở vào đâu: Mục tiêu của em là trường quân sự vì phù hợp với hoàn cảnh của em. Hơn nữa, em cũng muốn tôi luyện mình để trở thành một sĩ quan trong quân đội.

167110830_849679678955705_529864989787558975_n.jpg
Lê Văn Chiến và cô giáo Nguyễn Thủy - người đã đồng hành với em trong những năm tháng ôn thi khó khăn. Ảnh: NVCC

Vào quân ngũ, Chiến cũng để lại sau lưng nhiều kế hoạch đã dở dang. Trong đó, có kênh Youtube với hơn 200.000 lượt theo dõi em đã tự xây dựng trong những năm THPT và đã từng được trao nút bạc. Đây còn là nguồn sống, nguồn thu nhập chính của em sau khi bà đi xa và nuôi em cho đến khi hoàn thành chương trình lớp 12. Bù lại, những ngày trong quân đội và đóng quân xa nhà hơn 300km là thời gian Chiến thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất vì ngoài huấn luyện, em dường như không phải lo lắng đến cơm, áo, gạo, tiền.

Thời gian còn lại, Chiến dành toàn bộ tâm huyết cho việc ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT với quyết tâm trúng tuyển vào đại học. Sau hai năm ôn tập kiên trì, mùa vui đã đến với Chiến khi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em đã lọt vào tốp 4 thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước.

z4531400193626_2873a0e72fb60237a9e730ce1e3fdf65.jpg
Lê Văn Chiến đang đặt mục tiêu vào Học viện Biên phòng. Ảnh: NVCC

Với kết quả này, Chiến đang đặt mục tiêu vào Học viện Biên phòng và hy vọng giấc mơ của mình sẽ trở thành hiện thực. Đồng hành với Chiến trong quãng thời gian đã qua, thầy cô, bạn bè và cả những đồng đội của em đã rất đỗi vui mừng.

Cô giáo Nguyễn Thủy – giáo viên dạy văn của em ở Trường THPT Đặng Thúc Hứa, nay là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 nói rằng: Khi nhận được kết quả của em, bên cạnh hạnh phúc, yêu thương tôi còn thực sự thán phục em. Chiến là một học sinh rất nghị lực. Những năm qua, dù khó khăn nhưng em không bao giờ từ bỏ ước mơ và cố gắng ôn luyện. Nghị lực của em chính là tấm gương sáng cho những học trò nghèo và tôi tin rằng bằng ý chí, bằng quyết tâm của một người lính trẻ, em sẽ còn thành công hơn nữa trong chặng đường sắp tới.

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.