Thế giới và những vết thương khó lành

(Baonghean) - Tuần qua, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý, từ việc người dân Pháp tổ chức lễ tưởng niệm 130 nạn nhân của vụ khủng bố hôm 13/11, cùng nhau san sẻ nỗi đau thể chất lẫn tinh thần sau tấn thảm kịch đẫm máu; đến động thái của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga làm khơi mào những rạn nứt vốn dĩ đã âm ỉ, đẩy quan hệ 2 nước vào nguy cơ leo thang căng thẳng trầm trọng…

Vết thương lòng của người dân Paris

2 tuần sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris khiến 130 người thiệt mạng, ngày 27/11, nước Pháp tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số sau các vụ việc này. Những người may mắn sống sót sau tấn thảm kịch kinh hoàng không những làm rúng động nước Pháp, lục địa già châu Âu mà còn chấn động cả toàn thế giới đã cùng nhau tụ họp tại Điện Les Invalides trong lễ tưởng niệm với sự tham gia của Tổng thống Francois Hollande.

123
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại buổi lễ hôm 27/11 để tưởng niệm các nạn nhân của loạt vụ tấn công đẫm máu tại Paris. Ảnh: Getty Images.

Hơn 2.000 thân nhân của các nạn nhân và nhiều người dân khác cũng đã có mặt để sẻ chia với những đau thương mất mát của đồng bào sau vụ tấn công khủng bố rồi tệ nhất trong lịch sử Pháp nhiều năm qua.

Trong số 352 người bị thương, có người đang dần bình phục, có người vẫn đang được điều trị tích cực, do phải hứng chịu những vết thương thể xác làm thay đổi cả cuộc đời, chưa kể những nỗi đau tinh thần khó lòng vượt qua. Họ cùng nhau có mặt trong buổi lễ, để nhớ về những người đã khuất, để cùng chia sẻ đau thương và động viên nhau cố gắng vượt qua “bức màn đen” trong suốt chặng đường dài phát triển của Pháp.

Có mặt tại buổi lễ, người lèo lái con tàu mang tên nước Pháp - Tổng thống Francois Hollande đã chuyển tải tới những người dân của ông thông điệp rằng Pháp sẽ không thay đổi, khẳng định quốc gia đa dạng với tình yêu cuộc sống và tự do sẽ vẫn tiếp tục tồn tại theo “cách mà các nạn nhân từng yêu thương đất nước này”.

Ông nói: “Những kẻ khủng bố muốn chia rẽ chúng ta, đặt ra cái bẫy khiến chúng ta quay lưng với nhau. Chúng sẽ chuốc lấy thất bại. Chúng có sự sùng bái chết chóc, nhưng chúng ta lại có tình yêu cuộc sống”.

Khủng bố tại Pháp: Biển người trên khắp thế giới tưởng niệm các nạn nhân
Khủng bố tại Pháp: Biển người trên khắp thế giới tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: Internet

Các gia đình lặng lẽ dõi theo từng bức ảnh của các nạn nhân lần lượt xuất hiện trên màn hình đen. Một người mẹ mỉm cười ôm chặt đứa con thơ, một cô gái trẻ đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ, một người đàn ông trong bộ lễ phục trịnh trọng - tất cả đều đã thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua.

Phần nhiều các nạn nhân trong tấn thảm kịch thứ 6 ngày 13 tại Paris đều còn rất trẻ, hơn một nửa trong số họ chưa đến 35 tuổi. Nhiều người ra đi để lại sau lưng những đứa con thơ không ai chăm bẵm, những đứa trẻ cô độc xuất hiện tại buổi lễ tưởng niệm nhờ sự giúp đỡ từ nhân viên Hội chữ thập đỏ, khiến không khí bao trùm lên buổi lễ nhuốm đầy vẻ tang tóc và đau buồn.

Ngày 13/11/2015 rồi đây sẽ luôn được ghi nhớ trong trái tim người Pháp bởi những đau thương mà họ phải hứng chịu đã quá lớn khi trở thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố mà hiện thân là những tay súng điên cuồng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đáng quan ngại hơn, ngoài những tổn thất đã được thống kê ngay sau vụ việc, giờ đây trong lòng nước Pháp yêu chuộng tự do và hòa bình lại manh nha nhen nhóm những vết rạn nứt khó lường. Khối đoàn kết của nước Pháp đang bị đe dọa khi thân nhân của một số nạn nhân lên tiếng tẩy chay buổi lễ tưởng niệm. Họ cho rằng giới chức Paris đã không đưa ra những sự đề phòng cần thiết về khía cạnh an ninh.

Sau vụ xả súng vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do thái hồi đầu năm nay tại Pháp, đâu đó vẫn có những quan điểm cho rằng Chính phủ Paris chưa có những động thái cần thiết để ngăn chặn những vụ việc đẫm máu như loạt vụ tấn công vừa qua tiếp diễn và gieo rắc đau thương cho những người dân vô tội.

Rạn nứt trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

“Sự khiêu khích có chuẩn bị từ trước” và “hành động đâm sau lưng” là những từ ngữ chỉ trích nặng nề mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần sử dụng trong tuần qua để lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga đang làm nhiệm vụ không kích IS trên vùng trời gần biên giới Syria hôm 24/11 vừa qua.

Xoay quanh vụ việc nghiêm trọng này có nhiều tranh cãi, khi cả 2 bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau và bảo vệ quan điểm của mình. Hôm 27/11, trong bài phát biểu của mình, ông Erdogan quả quyết hành động bắn rơi máy bay Nga chỉ là “phản ứng tự động trước sự xâm phạm không phận” chứ Thổ Nhĩ Kỹ không cố ý nhắm vào chiến đấu cơ của Nga.

Hình ảnh máy bay Nga bốc cháy sau khi bị bắn hạ - Ảnh: Independent
Hình ảnh máy bay Nga bốc cháy sau khi bị bắn hạ - Ảnh: Independent

Những tranh cãi qua lại chỉ làm tình hình thêm xấu đi và thổi bùng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn cho rằng việc Điện Kremlin ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là đang “đùa với lửa”, và Nga - bên khẳng định số phận của ông Assad chỉ có thể nằm trong tay những người dân Syria chứ không thể do các nước bên ngoài phán quyết.Ankara phân bua rằng máy bay đã đi vào không phận nước này và phớt lờ nhiều cảnh báo được đưa ra, tuy nhiên, phía Moskva đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã khai hỏa nhắm vào chiếc máy bay đang ở trên bầu trời Syria và không hề có tín hiệu hay hình ảnh cảnh báo nào được phát đi.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết muốn đàm phán “trực tiếp” với nhà lãnh đạo nước Nga sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi vừa qua, trong bối cảnh Moskva đã chuẩn bị sẵn sàng để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ trên góc độ kinh tế.

Ông Erdogan cho biết: “Sắp tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Paris, tôi tin là ông Putin sẽ tham dự. Chúng tôi có thể cùng ngồi xuống và đàm phán tại đó. Tôi mong muốn đưa vấn đề về điểm hợp lý, cả 2 bên đều bị ảnh hưởng khi vấn đề leo thang trong những ngày qua”.

123
Quan hệ Nga -Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều rạn nứt sau khi các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga hôm 24/11. Ảnh minh họa: Internet.

Phía Nga chưa lên tiếng trước lời đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những nỗ lực liên lạc trước đó của ông Erdogan đều bị Tổng thống Putin từ chối với lý do Ankara chưa sẵn sàng nói lời xin lỗi về sự việc vừa qua. Trong diễn biến có liên quan, cũng hôm 27/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva đã quyết định đình chỉ việc đi lại miễn thị thực với Ankara, bên cạnh những biện pháp trả đũa về kinh tế.

Đến nay, những khu nghỉ dưỡng ven biển của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điểm đến du lịch phổ biến và được yêu thích nhất đối với các du khách Nga, số lượt khách từ Nga đến nước này chỉ đứng thứ 2 sau Đức. Bởi vậy, động thái vừa rồi chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể những thiệt hại do Bộ Nông nghiệp của Nga vừa áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng nông phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu hai bên không sớm có biện pháp xuống thang căng thẳng, mâu thuẫn Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí sẽ đối mặt với nguy cơ bị khoét sâu thêm, và tác động tiêu cực từ những rạn nứt trong quan hệ song phương sẽ không do riêng bên nào gánh chịu.

Thu Giang

tin mới

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí.