Đi giữa hương sen

(Baonghean) - Đã có những sự lo ngại về một Kim Liên đang ngày càng “bê tông hóa”, có cả sự băn khoăn khi sợ rằng quê Bác rồi sẽ mất đi hình ảnh thân thương ngày nào… Nhưng “Nhất vui là cảnh quê mình/Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu” đang được khôi phục, sau những nỗ lực của người dân Kim Liên để xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân cả nước…

Trước khi tìm hiểu về sen quê Bác tôi bất chợt nhớ về một bài viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhiều năm trước trong chuỗi ký sự xuyên Việt. Lần đó, khi dừng lại ở Nghệ An và vào thăm quê Bác, ông đã ngạc nhiên khi đặt câu hỏi: “Tại sao gọi là Làng Sen nhưng lại không thấy hương sen trên quê Người? Điều đó hẳn cũng trái ngược với câu ca trên bởi trong trí nhớ của bác Nguyễn Văn Thìn, xóm Trù 2 thì: Ngày xưa, ở quê Bác nhiều nơi có sen lắm, chúng tôi vẫn gọi là giống sen dại vì nó mọc tự nhiên. Hoa nở rộ và tỏa ngát hương thơm nhất là vào dịp hè, đúng vào sinh nhật Bác”.

Thuộc lớp thế hệ sau, anh Trần Lê Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên suy nghĩ nhiều về vấn đề trên. Đặt mình trong trường hợp của những người dân cả nước khi về thăm quê Bác, anh nghĩ chắc mọi người cũng sẽ hụt hẫng nếu về Làng Sen mà chẳng thấy bóng một cây sen nào. Vì thế, khi có chủ trương  và được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, lãnh đạo xã Kim Liên nhanh chóng triển khai đề án xuống các hộ dân. Theo dự kiến toàn bộ tuyến đường chạy dọc từ trường cấp I, cấp II Kim Liên xuống khu vực UBND xã vào tận Khu Di tích quê nội Bác Hồ sẽ trồng sen hoàn toàn. Tương tự, khu vực đường từ cổng chào Kim Liên đi Hoàng Trù cũng sẽ phủ kín sen. Tuy nhiên, sợ ảnh hưởng lớn đến diện tích đất lúa của người dân, xã chủ trương chỉ tận dụng phần ao hồ có sẵn nằm trong phần đất do xã quản lý để trồng sen. 
Hồ sen dọc đường vào quê nội Bác Hồ. Ảnh: Sỹ Minh
Hồ sen dọc đường vào quê nội Bác Hồ. Ảnh: Sỹ Minh
Sen được đưa vào trồng là giống sen hồng được lấy từ Đồng Tháp Mười, nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ đang yên nghỉ. Sau khi sen được nhân giống và phát triển tốt, xã giao cho từng hộ quản lý và chăm sóc, nguồn thu từ sen xã để cho các hộ tự quản lý. Với khoảng 4 ha mặt nước, đến nay đã có khoảng 15 hộ nhận chăm sóc các hồ sen. Các hộ cũng cam kết không nuôi cá trắm, không dùng lưới đánh bắt cá để sen không bị hư hại.
Nhận chăm sóc hồ sen trước nhà từ năm 2012 đến nay, anh Dương Đình Lam, ở xóm Trù 2 xem đây là sự may mắn của gia đình mình. Vì thế, không ngại bỏ công, bỏ sức anh và cậu con trai út đang học Trường Đại học Nông nghiệp 1 ngày đêm chăm chút để hồ sen phát triển và cho hoa đúng mùa. Ngay cả khi làm nhà, gia đình cũng đắn đo, rồi quyết định làm một ngôi nhà gỗ thay vì nhà cao tầng đề phù hợp cho khung cảnh dân dã của thôn làng. Có một điều, anh Lam không nói ra, nhưng qua câu chuyện của mình tôi hiểu rằng, anh làm công việc trên còn bởi tận trong đáy lòng anh cảm ơn mảnh đất Kim Liên này. Trước, anh vốn sống ở xã Bình Sơn, một trong những xã xa xôi nhất của huyện Anh Sơn, giáp Tân Kỳ và Quỳ Hợp.  Năm 1996, vợ chồng anh đến Hoàng Trù lập nghiệp. Chăm chỉ làm việc, vợ chồng anh từ hai bàn tay trắng sau gần 20 năm dựng xây cuộc sống trên quê mới, tuy chưa thật sự giàu sang nhưng nay đã bắt đầu có của ăn, của để. Mang ơn mảnh đất này, anh tự dặn mình “phải có trách nhiệm với quê hương hơn cả người gốc ở làng”. Gần đây nhất khi xóm làm đường bê tông, anh đã tự nguyện đóng góp gần 15 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng...
Ông Trần Lê Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên trăn trở: Là quê hương của Bác nên chính quyền và nhân dân trong xã được nhận nhiều ưu ái.  Tuy vậy, càng được ưu ái, chúng tôi lại nhận ra mình đang còn phải nỗ lực nhiều mới có thể đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đơn giản như việc xây dựng hình ảnh làng quê Kim Liên trong mắt của du khách thập phương. Mọi người đều hiểu, du khách đến với quê Bác không những muốn xem lại hình ảnh quê nhà của Bác Hồ, muốn được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ được sinh ra và lớn lên mà còn muốn được sống trong khung cảnh của một làng quê Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó, quy hoạch lộn xộn, thiếu sự thống nhất. Vẫn còn đó, quá trình “bê tông hóa” ngày một nhiều. Hay dù đã lên ý tưởng nhưng Kim Liên vẫn chưa xây dựng được một không gian văn hóa ví, dặm gắn với sinh hoạt văn hóa làng nghề như mong mỏi của nhiều nhà làm du lịch.
Trước thực tế đó, trong tiến trình xây dựng “Kim Liên thành xã kiểu mẫu”, xã đang đặt mục tiêu làm xanh “hóa” xã nhà, nông thôn mới nhưng không mất đi những nét thuần túy, thuần Việt. Bởi vậy, thời điểm này về Kim Liên đi dọc đường 539, 540 đã thấy những sao đen bắt đầu xanh tốt. Trong khuôn viên UBND xã và dọc tuyến đường vào Hoàng Trù, ngoài các loại cây như phượng, bằng lăng, xà cừ nay đã có thêm cây sấu và vú sữa vừa được trồng mới. Xã đang lên kế hoạch khôi phục lại vườn cây ăn quả, nhất là các giống cây đã có truyền thống trước đây như mận quân, ổi, sơn trà để vừa tạo không gian xanh, và  tạo mặt hàng dân dã để bán cho khách thập phương. 
Về thăm xóm Sen 3, xóm đầu tiên của xã có hệ thống hàng rào được xây đồng bộ, thân thiện vừa gần gũi xóm làng, vừa vẫn giữ được sự riêng tư của mỗi gia đình. Trước đó, để ủng hộ kế hoạch này, các hộ dân trong xóm đã tự nguyện hiến đất mở đường, người ít nhất cũng tới 20 -30m2. Đi đầu trong phong trào hiến đất, chị Nguyễn Thị Hường, chia sẻ: Ban đầu phải dỡ bỏ bờ rào cũ rồi mất đi đất đai, cũng có người nói qua nói lại, nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng, xây dựng nông thôn mới, là được cho mình, tại sao mình lại không ủng hộ, nhất là khi mình lại may mắn và vinh dự được ở cạnh nhà Bác, phải hy sinh quyền lợi cá nhân cho cái lợi chung... Trong tâm sự của mình, chị Hường cũng tự hào kể về câu chuyện của bố mình xưa, ông Nguyễn Văn Thuần một trong những người đã từng được phong là “người anh hùng không tên”, người đầu tiên nhận nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ nhà Bác trong những ngày còn bom đạn, chiến tranh “trước đây bố mình và bà con trong làng không tiếc máu xương để giữ gìn di tích Bác được nguyên vẹn, nay mình là thế hệ sau không lẽ nào lại không tiếp nối truyền thống của người đi trước”...
Hiện 18/19 tiêu chí nông thôn mới của Kim Liên đã được hoàn thành, Đề án “Kim Liên thành xã kiểu mẫu” cũng đã gửi UBND tỉnh phê duyệt. Trong niềm vui chung đó, du khách thập phương gần xa về với quê Bác tháng Năm này đã cảm nhận được sự nỗ lực của người dân xã nhà, cảm thấy được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh của người dân Kim Liên, đã lại thấy được “Nhất vui là cảnh quê mình/Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu” như câu ca ngày nào.
Mỹ Hà

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.