Xã hội hóa y tế cơ sở: Kinh nghiệm ở Quỳ Châu

(Baonghean) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến cơ sở, những năm qua, ngành Y tế huyện Quỳ Châu đã xác định đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo “đòn bẩy” để các cơ sở y tế vượt qua khó khăn, vươn lên đạt chuẩn.
Huyện Quỳ Châu hiện có 6/12 trạm y tế xã, thị trấn về đích bộ chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020, đứng trong tốp đầu của các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Trong đó, Trạm Y tế xã Châu Bình là một trong những cơ sở y tế đạt chuẩn điển hình. Là xã vùng ngoài của huyện nhưng dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao (45,6% năm 2014), nhiều năm về trước, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất trạm y tế xuống cấp trầm trọng, gây bất tiện cho nhân dân khi đến thăm, khám bệnh và phần nào ảnh hưởng đến uy tín cũng như chất lượng điều trị. 
Cán bộ Trạm Y tế xã Châu Thuận (Quỳ Châu) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.
Cán bộ Trạm Y tế xã Châu Thuận (Quỳ Châu) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.
Với quyết tâm vượt khó, cùng sự nỗ lực, năng động của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, Trạm Y tế xã Châu Bình từng bước được đầu tư. Bà Trần Thị Nhi - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Bình cho biết, người dân trong xã còn nghèo nhưng với cách làm hợp lòng dân nên chủ trương xã hội hóa xây dựng lại trạm y tế được người dân ủng hộ. Chính quyền xã và cán bộ trạm đến từng thôn, bản vận động người dân đồng thời tranh thủ thu hút  các nguồn vốn khác đầu tư về trang thiết bị, dụng cụ khám, chữa bệnh… Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo của trạm y tế đã thay đổi, nay, trạm y tế xã ngời lên nét khang trang với 2 tầng làm việc, có nhà đa lĩnh vực, phòng dược, và khu nhà ở dành riêng cho y, bác sỹ; được đầu tư mua mới hàng loạt trang thiết bị tiên tiến, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế tuyến đầu như máy điện tim, máy đo đường huyết…  
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, những người khoác áo blouse trắng trên địa bàn xa xôi ấy còn chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức về sức khỏe cho cộng đồng dân bản; đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của cơ sở y tế tuyến đầu. Địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung nên Trạm Y tế xã Châu Bình luôn giữ mối liên kết chặt chẽ với đội ngũ cộng tác viên y tế, thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện và tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp dân bản. “Mưa dầm, thấm lâu”, đến nay, xã Châu Bình đã đẩy lùi được nhiều hủ tục lạc hậu, tỷ lệ nhân dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh tăng cao hàng năm. Bình quân có 6.000 lượt người/ năm đến khám, chữa bệnh, tỷ lệ chuyển tuyến trên không tăng, thể hiện năng lực chuyên môn ngày càng cao của đội ngũ y, bác sỹ Trạm Y tế xã Châu Bình. Nhờ vậy, Trạm Y tế xã Châu Bình trở thành trạm đầu tiên trong toàn huyện đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 và giữ vững danh hiệu cho đến nay. “Xã hội hóa không chỉ chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, mà xã hội hóa còn là sự lan tỏa, thấu hiểu của cộng đồng về vai trò quan trọng của y tế đối với chất lượng sống” - Trạm trưởng Trần Thị Nhi khẳng định.
Đến thăm Trạm Y tế xã Châu Thuận đúng lúc bác sỹ của trạm đang thăm khám cho các sản phụ theo lịch định kỳ. Nhìn sự ân cần, những lời hỏi han đầy sẻ chia của bác sỹ, y sỹ trạm xá và nụ cười tin yêu của sản phụ, dễ cảm nhận thấy sự an tâm vững vàng trong cơ sở y tế này. Chị Lương Thị Mai (bản Chiềng, Châu Thuận) chia sẻ: “Giờ có bệnh gì thì đến trạm y tế xã thôi, không ở nhà tự chữa bằng cây rừng đâu. Trạm xá sạch sẽ, rộng rãi, thuốc men được cấp phát và hướng dẫn tận tình, dân bản mình tin tưởng các y, bác sỹ lắm!”
Khó mà hình dung, chỉ mấy năm về trước, Châu Thuận là một trong những “điểm trũng” về y tế của huyện Quỳ Châu, khi cơ sở vật chất của trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng, chất lượng y, bác sỹ còn hạn chế, người dân trên địa bàn chưa có thói quen đến khám, chữa bệnh tại trạm xá,… Nhận thức về tiến trình đi lên tất yếu của công tác y tế cơ sở, cùng với “điểm tựa” là sự đồng tâm, hiệp lực của đảng ủy, chính quyền xã nhà, Trạm Y tế xã Châu Thuận đã nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp.  Ông Trần Xuân Hòa - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Thuận cho biết: Năm 2013, nhờ nguồn ngân sách xã, nguồn dự án của huyện mà 2 khối nhà của trạm được xây dựng. Mặt khác, người dân xã nhà đều tự nguyện đóng góp 2.000 đồng/người, cũng như góp ngày công san lấp mặt bằng xây dựng; mỗi cán bộ y tế cũng góp 100.000 đồng/ tháng để mua thuốc men, y cụ. 
Khó khăn nhất của Châu Thuận trong quá trình xây dựng trạm chuẩn là tiêu chí vệ sinh môi trường, bởi tập quán sinh hoạt và chăn thả gia súc, gia cầm gây mất vệ sinh môi trường, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh. Trước vấn đề đó, đảng ủy, chính quyền địa phương đã kêu gọi được các dự án nước sạch từ nguồn Quỹ nước sạch và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, trạm y tế quan tâm đến công tác vận động, giải thích, cùng với tổ chức các hoạt động vệ sinh định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng, lồng ghép chỉ tiêu môi trường vào công tác của các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, phụ lão … Đến nay, toàn xã có 94,6% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, 85% số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Tất cả nỗ lực “tích tiểu thành đại” đó đã làm nên diện mạo trạm y tế xã khang trang, sạch đẹp như hiện nay. Đến năm 2014, Trạm Y tế xã Châu Thuận đã vững vàng về đích Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.
Bà Nguyễn Thị Dịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết, quan điểm xuyên suốt của huyện và ngành là đặt chất lượng y tế cơ sở làm nhiệm vụ hàng đầu, là “điểm tựa” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Trong quá trình đó, sự tương hỗ của công tác xã hội hóa được xác định là “đòn bẩy” cho tiến trình đi lên. Thời gian tới, ngành Y tế huyện Quỳ Châu đặt mục tiêu “nước rút” đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã, phấn đấu hết năm 2015 đạt 70% số xã về đích.
 Phương Chi

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.