Bán đảo Triều Tiên đã thực sự hạ nhiệt?

(Baonghean) - Trái với dự báo của nhiều nhà phân tích và tình hình thực địa những ngày qua, hôm qua, Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã bất ngờ đạt được một thỏa thuận nhằm tháo ngòi căng thẳng đang có nguy cơ đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc xung đột vũ trang nguy hiểm. Ngòi nổ đã được tháo, thế nhưng, tình hình khu vực này liệu đã thực sự giảm nhiệt?

Nếu như vào đêm 24/8, các nhà quan sát vẫn dự báo chắc chắn rằng, đàm phán Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên rồi sẽ không thể đạt được một thỏa thuận nào dù là ít ỏi; thì đến rạng sáng 25/8, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Một thỏa thuận 6 điểm đã được hai bên nhất trí đưa ra, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề như việc CHDCND Triều Tiên bãi bỏ tình trạng chiến tranh, chấp nhận yêu cầu của Hàn Quốc bày tỏ “lấy làm tiếc” về vụ nổ tại khu vực biên giới; hay việc thống nhất sẽ tiến hành đối thoại liên chính phủ và tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán… Đây có thể nói là bước đi quan trọng nhằm hạ nhiệt nhanh chóng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua. Bởi ngay khi các bên đang tiến hành đàm phán thì diễn biến trên thực địa vẫn vô cùng phức tạp. Như thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên những ngày qua đã tăng gấp đôi số đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới 2 nước và triển khai 50 tàu ngầm bên ngoài các căn cứ quân sự. Còn phía Hàn Quốc cũng luôn đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng cao độ và huy động thêm các khí tài chống ngầm như tàu khu trục và máy bay tuần tra.
Các quan chức cao cấp Triều Tiên và Hàn Quốc  sau khi kết thúc đàm phán. 	Nguồn: AFP/TTXVN
Các quan chức cao cấp Triều Tiên và Hàn Quốc sau khi kết thúc đàm phán. Nguồn: AFP/TTXVN
Thế nhưng theo giới phân tích, tình trạng lúc nóng - lúc lạnh và những thái độ trái ngược nhau của cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc mấy ngày qua lại không có gì khó hiểu. Về phía Triều Tiên, nước này bày tỏ thái độ cứng rắn như thường lệ là nhằm phản ứng lại cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc. Thứ hai, thông qua các tuyên bố đe dọa chiến tranh, Triều Tiên còn muốn gửi thông điệp đến Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có chuyến công du Bắc Kinh vào đầu tháng 9 tới đây. Bởi tất nhiên, Triều Tiên sẽ không thể ngồi yên khi đồng minh lâu năm là Trung Quốc lại đang mở cửa hợp tác với láng giềng nhiều mâu thuẫn là Hàn Quốc. Thứ ba, Triều Tiên cũng nhân cơ hội này để thực hiện một cuộc diễn tập quy mô lớn trước mọi diễn biến xấu có thể xảy ra cũng như định hướng dư luận trong nước. Theo giới phân tích, đây cũng là một trong những mục tiêu của Hàn Quốc khi “làm căng” với Triều Tiên những ngày vừa qua. 
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có những tuyên bố và bước đi cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên. Và lý do để bà Park - vốn luôn theo đuổi đường lối hòa bình và đối thoại với Triều Tiên lại thay đổi bất ngờ như vậy, đó là nhằm thăm dò thái độ của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ở góc độ khác, các diễn biến này xảy ra ngay trước chuyến công du của bà Park Geun-hye đến Trung Quốc, vì thế đang được cho là một chiến thuật nhằm gây sức ép để chính quyền Bắc Kinh có thái độ cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên.
Thế nhưng, những động thái và tính toán này của cả Triều Tiên và Hàn Quốc những ngày qua lại khiến tình hình thực địa trở nên nguy hiểm. Bởi lực lượng đã được huy động thì bất cứ một sai sót nhỏ nào cũng có thể châm ngòi cho xung đột và chiến tranh quy mô lớn. Vì thế để tránh một kịch bản khó lường, hai bên đã buộc phải xuống thang. Thậm chí có thể nói, thỏa thuận vừa đạt được lại là giải pháp khiến hai bên đỡ mất mặt hơn cả, và có thể rút quân trong sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhưng theo các nhà quan sát, dù có tới 6 điểm thỏa thuận, nhưng vấn đề quan trọng nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như lộ trình đàm phán 6 bên lại không hề được đề cập. Vì thế, thỏa thuận mới dù đã giúp bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt nhưng về lâu dài thì lại chưa có đột phá và cũng chưa thể giải quyết được các vấn đề mấu chốt.
Xét trên phông nền quan hệ quốc tế, đồng minh lâu năm Trung Quốc của Triều Tiên cũng như đồng minh Mỹ của Hàn Quốc dù đang ủng hộ chiều hướng tích cực cho bán đảo Triều Tiên, nhưng điều kiện thực tế lại không cho phép các quốc gia này có các bước đi mạnh mẽ hơn. Với Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên giờ đã trở thành “đồng minh khó bảo”, khi nhiều lần “phớt lờ” lời kêu gọi kiềm chế của Bắc Kinh. Trong khi đó, với vai trò là đồng minh của Triều Tiên nhưng cũng là đối tác thiện chí mới của Hàn Quốc, Trung Quốc đang bị đặt trong thế khó khi phải ứng xử cân bằng với cả hai bên. Tình thế khó xử của Trung Quốc khi đứng giữa 2 mối quan hệ với 2 miền Triều Tiên phần nào được hóa giải sau thông tin Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý đạt thỏa thuận 6 điểm, kết thúc 43 giờ đồng hồ đàm phán căng thẳng mà chắc chắn Trung Quốc đã theo dõi rất sát sao. Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “Bắc Kinh hy vọng Bình Nhưỡng và Seoul có thể duy trì đối thoại và tham vấn cũng như thúc đẩy hòa giải và hợp tác,” đồng thời kêu gọi hai bên thực thi thỏa thuận trên, duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng nêu rõ Mỹ hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ông John Kirby nhấn mạnh Mỹ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, đồng thời khẳng định Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Seoul. Ở một góc độ nào đó, có thể thấy rằng cộng đồng người Mỹ đang kỳ vọng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ nằm trong lộ trình ưu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau vấn đề hạt nhân Iran. Thế nhưng theo giới phân tích, điều kiện của Iran và CHDCND Triều Tiên không hề giống nhau. Tổng thống Obama sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đề cập tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên, để có thể giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016. Vì rõ ràng, thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không còn dài để ông Obama có thể đạt được một thành tựu nào đó trong vấn đề Triều Tiên.
Còn về phía CHDCND Triều Tiên, chính Bộ Ngoại giao nước này cũng đã đưa ra tuyên bố khẳng định, Triều Tiên sẽ không bao giờ thực hiện điều tương tự như Iran vì “tình hình hai nước rất khác nhau”. Như thế, với điều kiện trong và ngoài nước như hiện nay, câu chuyện bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ còn là câu chuyện dài - cứ hết căng lại chùng và hết chùng lại căng. Và dĩ nhiên, kéo theo đó sẽ là những biến động ít nhiều từ phía các đồng minh thân thiết lâu nay của Triều Tiên và Hàn Quốc, tất cả đều được đặt dưới sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Khang Duy

tin mới

Phương Tây thừa nhận tình hình Ukraine đang xấu đi?

Phương Tây thừa nhận tình hình Ukraine đang xấu đi?

(Baonghean.vn) - Theo hãng thông tấn Nga TASS, Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov hôm 6/5 đã phát biểu rằng, các quốc gia phương Tây nhận thấy tình hình trên mặt trận ở Ukraine đang xấu đi và cần phải suy nghĩ làm thế nào không để thua trước Nga trong cuộc xung đột hiện nay.

Bản tin quốc tế: Ukraine sẽ đầu hàng trong hai tuần nữa nếu bị cắt viện trợ?

Bản tin quốc tế: Ukraine sẽ đầu hàng trong hai tuần nữa nếu bị cắt viện trợ?

(Baonghean.vn) - Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết, cách chấm dứt xung đột ở Ukraine nhanh nhất là ngừng viện trợ cho Kiev, và chiến tranh sẽ kết thúc trong hai tuần. Những bất đồng ở Mỹ về viện trợ có thể đã khiến tình thế của Kiev "từ thắng thành bại". 

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

(Baonghean.vn) - Ứng cử viên Nghị viện châu Âu thuộc đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Pháp) Mathieu Valais cho rằng, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Emmanuel Macron về việc gửi quân đội NATO đến Ukraine là "vô trách nhiệm", và trên thực tế sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp.  

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?