Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

(Baonghean) - Sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này diễn ra khá phổ biến, gây ra mối nguy hiểm cho chính người tham gia giao thông.

Mặc dù vụ tai nạn diễn ra đã lâu nhưng mỗi khi nhắc đến, Nguyễn Văn Giáp trú tại xã Nghi Trung, Nghi Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm đó, Giáp chạy xe từ nhà vào Vinh. Đang chạy xe máy thì có điện thoại của bạn gái gọi nên Giáp vừa lái xe vừa nghe. Đến trước cổng Trường THPT Nghi Lộc 1 đúng thời điểm tan trường. Vì mải mê trò chuyện qua điện thoại, Giáp đã không để ý nên húc phải một nhóm học sinh bổ nhào ra đường, xe và người Giáp thì trượt một đoạn dài, gặp taluy đường mới dừng hẳn. Cú va chạm đã khiến đoạn đường tắc nghẽn, nhóm học sinh được một phen hú vía, Giáp thì bị thương phải nằm điều trị, xe bị hư hỏng nặng.

Đó là một trong nhiều trường hợp bị tai nạn do sử dụng điện thoại trong lúc lái xe. Tuy vậy, trên thực tế nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn không bỏ thói quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại hoặc vừa chạy xe vừa nhắn tin, nghe nhạc... Ông Nguyễn Lam Hồng, trú tại xóm 12, xã Nghi Kim, TP Vinh phàn nàn: Nhiều trường hợp lái xe vì mải nghe điện thoại di động, nên khi dừng đèn đỏ tại giao lộ, có tín hiệu đèn xanh vẫn không biết cho xe lưu hành, mặc cho nhiều xe phía sau phải ách lại, bóp còi inh ỏi. Bà Trần Thị Hiền, trú tại khối 8, phường Lê Lợi, TP Vinh bức xúc: Ra đường sợ nhất là gặp phải những người vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại, không thèm chú ý quan sát hướng đi, kể cả khi rẽ trái, phải bất chấp luật lệ, không xi-nhan xin đường, cứ phóng vùn vụt.

Nghe điện thoại khi tham gia giao thông dễ bị phân tán tư tưởng dẫn đến tai nạn 

(ảnh chụp trên đường Quang Trung (ảnh trên) và đường Mai Hắc Đế - TP. Vinh).

Theo quy định tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã tăng mức xử phạt phạt tiền đối với hành vi đang điều khiển phương tiện giao thông mà nghe điện thoại lên 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Mới đây, Bộ GTVT cũng vừa hoàn tất dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thay thế Nghị định 34/2010/NĐ-CP và 71/2012/NĐ-CP. Nếu được thông qua, dự thảo Nghị định mới này vẫn giữ nguyên mức phạt 60.000 - 80.000 đồng đối với hành vi vừa điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vừa sử dụng điện thoại di động, nhưng lại quy định thêm hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái xe ô tô hay các loại xe tương tự ô tô với mức phạt tiền cao gấp 10 lần người điều khiển xe mô tô, tương đương 600.000 - 800.000 đồng/lần vi phạm.

Luật quy định là vậy, tuy nhiên, trên thực tế tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo phân tích của cơ quan chức năng thì việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại làm cho tư tưởng người lái bị phân tán, khả năng quan sát bị ảnh hưởng, việc điều khiển phương tiện kém nhanh nhạy, nếu gặp tình huống bất ngờ, sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời thì tai nạn xảy ra là tất yếu. Ngoài ra, có trường hợp sử dụng điện thoại đắt tiền còn bị những đối tượng xấu bám theo giật, gây nguy hiểm cho bản thân lẫn người đi đường.

Như trường hợp xảy ra với Nguyễn Thị Bích Nguyệt, trú tại Nghi Xuân (Nghi Lộc) vào buổi tối hồi đầu tháng 8 vừa qua, tại đường Hồ Tùng Mậu. Lúc đó Nguyệt vừa đi xe vừa nghe điện thoại, đột nhiên có 2 thanh niên đi xe máy áp sát, giật điện thoại của Nguyệt rồi nhanh chóng rồ ga tháo chạy. Vì quá bất ngờ, Nguyệt loạng choạng suýt ngã xe, chưa kịp định thần thì 2 tên cướp cùng chiếc Iphone 4 trị giá 8 triệu đồng đã mất hút trong dòng người.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Duy Hà, đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh cho rằng: Nhiều trường hợp khi bị CSGT xử phạt, hỏi lý do vi phạm, thì cho rằng không biết có quy định cấm. Nhưng cũng có không ít người thừa nhận là biết vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại di động là vi phạm luật nhưng vẫn thờ ơ, cố tình vi phạm, có khi lại viện dẫn lý do “gấp quá nên không kịp dừng xe”. Tuy nhiên, trong những lý do để tình trạng sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông vẫn diễn ra, một phần vì mức xử phạt còn thấp, mặt khác cũng bởi lực lượng chức năng khó phát hiện người vi phạm, nhất là trường hợp đi ô tô… Vì vậy, từ đầu năm đến nay chỉ xử phạt được 10 trường hợp đi xe máy.

Như vậy, để giải quyết triệt để hành vi sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật Giao thông, tiến hành đồng bộ các biện pháp cần thiết làm cho người dân thấy những tác hại của việc vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần quan tâm nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm răn đe dần đi đến chấm dứt hành vi này, có như vậy mới góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, mang lại sự an toàn cho người dân.

Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

tin mới

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

(Baonghean.vn) -Mặc dù quy định cấm chó thả rông đã có từ năm 2017, nhưng từ đó đến nay, dường như các địa phương vẫn loay hoay tìm cách xử lý, chó thả rông đã trở thành vấn nạn. Trong khi đó, tại Nghệ An có một vùng quê, suốt 6 năm qua, gần như không còn bóng dáng con chó nào ngoài đường.

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn - Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

(Baonghean.vn) -Sau khi được tòa án tuyên thắng kiện, lấy lại được ruộng thì chỉ không lâu sau, trên thửa ruộng đó xuất hiện nhiều chông sắt bị kẻ xấu cắm. Khi mà cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm, thì trong quá trình canh tác, ruộng lúa này lại nghi bị phá hoại một lần nữa.

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

(Baonghean.vn) - Trên nhiều trang mạng xã hội đã có những phàn nàn về lái xe taxi ở sân bay Vinh có tình trạng chê khách chặng ngắn, ghép khách và thu thêm tiền vào cổng… Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ, tránh gây nên tình trạng lộn xộn.

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

(Baonghean.vn) - Em tôi bị phát hiện sử dụng các công cụ, phương tiện gồm ắc quy, bộ kích điện, lưới đánh cá đấu nối với nhau bằng dây điện để khai thác tận diệt thủy sản. Vậy tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có thể bị phạt gì ?

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân các huyện phía Bắc vĩ tuyến 17 đã phải chịu đựng rất nhiều thương đau. Đến nỗi, họ đã phải rời quê hương lên đường đi sơ tán. Đó là một hành trình gian nan nhưng rất nặng nghĩa tình. 

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

(Baonghean.vn) - Trung tâm Chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc có người tự nhận là nhân viên của Tổng công ty Điện lực gọi đến khách hàng với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện hoặc có hành vi lừa đảo.