Noel là cơ hội giao lưu văn hóa của giới trẻ

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 

- Thưa Phó giáo sư, có thể nói là lễ Noel đã trở nên rất quen thuộc với hầu hết người Việt. Nhưng hiện vẫn có nhiều ý kiến bàn về sự tiếp nhận, ứng xử của người Việt Nam đối với sinh hoạt văn hóa du nhập này. Quan điểm của ông thì như thế nào?

PGS. TS Ngô Văn Giá. Ảnh: H.V
PGS. TS Ngô Văn Giá. Ảnh: H.V

- Chúng ta biết rằng, nguồn gốc của lễ Noel xuất phát từ Thiên Chúa giáo; nó đi vào Việt Nam theo con đường du nhập tôn giáo. Ngày nay, cộng với sự phát triển của truyền thông nhiều người đã biết đến ngày lễ lớn này và phổ biến trong đời sống nhân dân toàn quốc. Đó là điều bình thường. Ví dụ như ngày lễ Phật Đản chẳng hạn, cũng là một lễ hội tôn giáo và nó đã phổ biến trong toàn quốc.

Bản thân tôi, vì không theo một tôn giáo nào, tôi đến với lễ Noel với tư cách là một người quan sát. Vợ chồng tôi đã từng có những lần đi dự Giáng sinh. Đó là cách để mình hòa vào niềm vui của mọi người và mình cũng được vui. Tuy nhiên, tham gia đêm Noel với tôi không phải là một nhu cầu mạnh mẽ. Tôi chỉ tham gia nếu rảnh rỗi vào đêm Giáng sinh, đôi khi cũng còn tùy theo cảm hứng. Nhìn vào bạn bè văn nghệ sỹ, tôi thấy phần lớn cũng vậy, họ cũng đến với lễ Nolel khi rảnh rỗi. Họ đến các nhà thờ chủ yếu để quan sát không khí Giáng sinh…

- Giới trẻ ngày nay nhìn chung rất háo hức với với lễ Noel, dù có đạo hay không. Đó có thể vừa là trào lưu chứ không hẳn hoàn toàn thực sự tiếp nhận, thấm nhuần về một sinh hoạt lễ hội văn hóa?

- Tôi thấy giới trẻ ngày nay háo hức với lễ Noel là một điều tốt. Họ xem đó là một cơ hội để đi chơi với người yêu, bạn bè, để được hòa chung cùng mọi người trong ngày hội lớn. Họ sẽ hiểu hơn về một lễ hội xuất phát từ phương Tây có nghĩa là để hiểu hơn về văn hóa người phương Tây, hiểu hơn về người công giáo, cũng như là hiểu về Thiên Chúa giáo. 

Tuy nhiên, như lễ Halloween chẳng hạn, tại nhiều trường học, học sinh, sinh viên hưởng ứng chơi hóa trang, giả trang gây sự sợ hãi và trên hết là mang lại niềm vui; thì tôi thấy ở đây có sự “a dua” trong đó. Tôi cho rằng những lễ hội như Halloween hoàn toàn là của phương Tây, hoàn toàn xa lạ. Không lý do gì mình phải háo hức, nồng nhiệt một cách thái quá. Việc tiếp nhận những thứ quá xa lạ và chỉ là những mảnh ghép dị biệt của văn hóa phương Tây chúng ta cần có một thái độ tiếp nhận một cách điềm tĩnh…

Cây thông - biểu tượng cho niềm hy vọng và sức sống mới, cao gần 40 mét, tương đương với một tòa nhà 10 tầng được dựng lên ở giáo họ Trại Gáo.
Cây thông - biểu tượng cho niềm hy vọng và sức sống mới, cao gần 40 mét, tương đương với một tòa nhà 10 tầng được dựng lên ở giáo họ Trại Gáo.

- Như thế, vấn đề đặt ra là làm gì để định hướng giới trẻ trước những trào lưu văn hóa mới lạ, qua đó, nâng cao ý thức phát huy và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống?

- Về lý thuyết, sự du nhập của văn hóa thường theo hướng chuyển dịch từ vùng văn hóa này sang vùng văn hóa khác theo cách nguyên vẹn. Quá trình thứ 2 là sự bắt chước, mô phỏng. Giai đoạn này rất dễ dẫn đến những phản ứng. Đây là lúc cần có tri thức, truyền thông, giáo dục... Bước thứ 3 cực kỳ quan trọng là bước “kết tinh” khi những giá trị văn hóa mới được tiếp nhận một cách chín chắn, được tiến hành từ những tinh hoa đúc kết được và vẻ đẹp vốn có của văn hóa truyền thống. 

Vấn đề bản sắc văn hóa không phải là điều gì đáng lo lắng. Bản sắc văn hóa chúng ta không thể nhìn thấy trên bề mặt quan sát được. Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, chúng ta cũng không thể tránh được toàn cầu hóa về văn hóa, buộc chúng ta phải đối diện. Câu chuyện ở đây là chúng ta tiếp nhận cái gì và chúng ta phải có một chính sách văn hóa như thế nào để làm lớn mạnh tinh hoa văn hóa Việt, quảng bá văn hóa, “xuất khẩu” văn hóa. Nếu chúng ta cứ tự cường về văn hóa thì chẳng có điều gì phải lo. 

- Cảm ơn Phó giáo sư về cuộc trao đổi !

Hữu Vi (Thực hiện)

tin mới

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh.