20% số người sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trao đổi về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

+ Thưa ông, bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng giống với sốt thông thường, khó phân biệt. Ông có thể giúp cách nhận biết sớm về bệnh và người dân có nên điều trị tại nhà trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang quá tải?

PGS.TS. Nguyền Văn Kính: Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng đặc thù như sốt cao liên tục từ 2- 7 ngày, nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Từ ngày thứ ba có thể xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết trên da, nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng, sốc, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ. Bệnh thường khó phân biệt trong ba ngày đầu với sốt do các  căn nguyên khác, nên phải căn cứ thêm vào yếu tố dịch tễ học, hoặc xét nghiệm. Phần lớn các bệnh nhân bị nhẹ đều có thể theo dõi điều trị tại nhà, trừ khi có các dấu hiệu cảnh báo thì phải đến bệnh viện điều trị.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính.

+ Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, người bệnh cần chú ý những gì, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Trước hết, người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để thực hiện đúng quy trình điều trị mới mau khỏi. Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà, phải chú ý uống đầy đủ nước Oresol, nước hoa quả, nước mía vv… Khi sốt cao có thể hạ nhiệt bằng chườm khăn ướt, hoặc uống paracetamol, nhưng không được uống thuốc hạ sốt Analgin, Aspirin, vì có thể chảy máu dữ dội, gây tử vong. Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi và đặc biệt, khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải đến bệnh viện ngay để điều trị, tránh tử vong.

+  Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần lưu ý gì về chế độ ăn uống cũng như làm thế nào để hạn chế lây truyền cho người khác?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:  Bệnh nhân bị sốt xuất huyết không phải kiêng gì về ăn uống. Bệnh không có miễn nhiễm khi có dịch, lại có muỗi truyền bệnh nên ai cũng có thể mắc và một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần. Các thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể ảnh hưởng đến việc lây bệnh, như trong nhà luôn có các vật dụng chứa nước không được thải bỏ, đặc biệt là các dụng cụ chứa nước sạch là môi trường rất tốt cho muỗi vằn đẻ trứng, nở ra loăng quăng rồi phát triển thành muỗi, đốt người mắc bệnh và truyền cho người khác. Để phòng bệnh sốt xuất huyết trong khi chưa có vaccine thì cần xử lý các vật dụng chứa nước sạch để không còn chỗ cho muỗi đẻ trứng.

+ Nhiều người chủ quan khi cho rằng, sốt xuất huyết chỉ cần tự điều trị tại nhà là khỏi và các nhà chuyên môn đang nói quá về tình hình dịch? Ông có thể tư vấn để người dân nhận biết được người mắc sốt xuất huyết có những diễn biến tốt lên hay xấu đi để xử lý kịp thời?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:  Sốt xuất huyết có các biểu hiện lâm sàng từ nhẹ tới nặng. Phần lớn các trường hợp ở thể nhẹ, nhưng có tới 20% trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc, hay có các dấu hiệu cảnh báo nặng, cần phải nhập viện điều trị như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn, hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan...

 Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết sốt cao liên tục, li bì, xuất huyết nhiều nơi, nhất là xuất huyết nội tạng, đau tức vùng gan, nôn và buồn nôn nhiều thì cần phải đi bệnh viện gấp để điều trị. Những biến cố như sốc thường xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy của bệnh. Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu như trên nhưng từ ngày thứ ba trở đi nhiệt độ hạ thấp dần, rồi hết sốt, chỉ có xuất huyết trên da nhẹ, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, ăn ngon miệng thì bệnh sẽ khỏi nhanh.

+ Những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết vừa qua có phải do bệnh đã có biến đổi nguy hiểm không, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:  Cho đến nay virus Dengue gây nên sốt xuất huyết chưa biến đổi về gene, các bệnh cảnh lâm sàng vẫn giống như nhiều năm trước đây. Nhưng các bệnh nhân bị tử vong chủ yếu là do đến bệnh viện muộn, ở giai đoạn sốc không hồi phục. Sốt xuất huyết nặng dẫn đến sốc, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng gây tử vong.

+ Ông có thể cho biết, phụ nữ mang thai, hay những người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiếu đường không may bị sốt xuất huyết sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:  Bệnh sốt xuất huyết không dẫn tới dị dạng thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nội tạng thì có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non. Còn những người bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiếu đường mà mắc sốt xuất huyết, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn. Do vậy nếu bị sốt, nhất là đang ở trong vùng dịch, thì cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất các biến chứng.

+ Nhiều người cho biết, kinh nghiệm dân gian có thể điều trị sốt xuất huyết hiệu quả bằng uống nước lá cúc tần, cây nhọ nồi, mã đề… có đúng không?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:  Có thể kết hợp với đông y để trị các trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ với nguyên tắc là thanh nhiệt giải độc, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải, hạ nhiệt. Có nhiều bài thuốc mà Bộ Y tế đã ban hành như: Lá dâu 15g, bạc hà 12g, mật ong 20g, cúc hoa 12g, hoa mướp 20g. Các vị thuốc tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, trong 20 phút thì dùng được. Có thể uống nước này thay trà hằng ngày vv…

+ Với hàng chục nghìn người mắc sốt xuất huyết hiện nay là nguy cơ gây quá tải bệnh viện. Ngành y tế đã chuẩn bị cho các tình huống ứng phó với dịch sốt xuất huyết chưa, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Dịch sốt xuất huyết diễn biến với nhiều mức độ và chỉ những ca nặng mới phải nhập viện, còn những ca nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng phải theo dõi sát, khi có các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải nhập viện. Hiện nay các bệnh viện trên toàn quốc đều đã sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chứ không chỉ ở những bệnh viện Trung ương.

+ Cám ơn ông!

Dịch sốt xuất huyết đang là vấn đề lo ngại của nhiều nước, được WHO đặc biệt quan tâm.  Philippin đã có hơn 80.000 người mắc và hơn 200 ca tử vong. Ở Việt Nam, dịch  sốt xuất huyết cũng đang bùng phát mạnh với khoảng 30.000 người mắc và 20 người tử vong. Hiện đã có 53 tỉnh, thành có dịch. Đáng lo ngại khi Bộ Y tế cho biết, dự kiến năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh trong cả nước.

Theo  CAND Online

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.