Cả làng đi thụ phấn ngô

(Baonghean) - Thôn Bút Lĩnh (An Hòa, Quỳnh Lưu) - một hôm nghe tiếng ông đội trưởng dõng dạc trên loa: “A lô, a lô…1,2,3,4… thông báo, hiện nay ngô đã trổ cờ đề nghị bà con ra đồng tút hết cờ ngô cái, chỉ giữ lại cờ ngô đực để không ảnh hưởng đến chất lượng ngô sau này”. Cách vài ngày sau đó, thấy một đoàn cán bộ đi kiểm tra, đôn đốc và xử phạt những hộ trì trệ tút cờ ngô.
 
Khi mặt trời mới lên bằng con sào, nhiều bà con nông dân hai tay ôm cái nồi nhôm, bên trong đựng cái đũa, ở đầu cột một nhúm bông trắng. Họ đi tới chân ruộng nhà mình, ngồi đó chờ cây ngô đực phơi mao và trông chừng những kẻ “chôm” phấn giữa bịt bùng ngô. Nếu trồng ngô thịt lấy hạt để chăn nuôi hoặc trồng ngô nếp để ăn thì không có chuyện để nói. Trồng ngô giống, người ta buộc phải can thiệp vào quá trình thụ phấn để tăng năng suất ngô.
 
Họ lần lượt đi lấy phấn hết cây này tới cây khác. Chỉ cần một cái chạm khẽ cũng khiến cho vô vàn hạt phấn vàng li ti, mịn màng rơi xuống. Họ mừng vui đón lấy hạt phấn của trời đất ban tặng, rồi nhẹ nhàng rắc lên những bắp ngô cái vừa mới nhú để tạo nên vụ mùa bội thu. Lúc này trông họ giống như một bà đỡ thì đúng hơn! Chẳng mấy chốc, cây ngô cái sẽ oằn mình mang những bắp ngô mập mạp, hạt mẩy đều tăm tắp không phụ công chăm bón của người trồng.
 
Để tận dụng đất, nhiều gia đình chỉ toàn trồng ngô cái, không trồng ngô đực. Như thế vừa đỡ diện tích đất, đỡ tiền mua giống và công chăm bón. Nhưng mỗi khi tới mùa thụ phấn ngô, họ lại vất vả đi thật sớm hoặc thật muộn, chờ ai sơ sẩy là bắt đầu “chôm”. Người cầm cái phễu, người cầm cái nồi, người cầm tờ giấy… nói nói, cười cười, đồng ngô bỗng chốc trở nên rộn ràng.
 
Cả ruộng ngô cái chỉ có một hàng ngô đực, người này vừa mới rung lấy phấn xong, người khác lại đến rung. Ngô chưa kịp phơi mao đã bị rung tơi tả nên chỉ rụng xuống toàn bao phấn, chẳng mấy chốc, những hoa bắp bị đập cho ngả nghiêng, xơ xác. Người đi “chôm” sợ bị ai đó bắt gặp nên vừa đập cờ lấy phấn, vừa hớt hải nhìn trước, ngó sau, phấn thì chẳng được bao nhiêu nhưng lại làm cho nhiều cờ ngô bị gãy. Những đứa trẻ cao mới nửa cây ngô cũng nhảy lên với cho được cái cờ ngô đực mà rung, thế là tan tác cả hàng ngô. Người lớn đứng canh đầu ruộng, mấy đứa con nít đứng rung ở cuối ruộng, vừa chạy tới nơi, chúng đã lủi nhanh vào những cánh ruộng kế bên. Chỉ còn nghe những tiếng chửi lanh lảnh.
 
Họ vẫn thay phiên đứng canh ngô cho tới lúc mặt trời đứng bóng, những đứa trẻ tay xách cặp lồng mang cơm cho người lớn. Họ canh ngô trong lúc ăn, và nếu như ban đêm cây ngô cũng phơi mao thì có lẽ họ cũng ngủ dưới gốc ngô mà canh! Khi cây ngô cái đã no nê phấn, những nhà thừa phấn thì mang đi cho. Người ta cảm ơn nhau rối rít, trên mặt còn hiện rõ niềm vui như vừa được giải tỏa cơn khát. Từ đó, nhiều gia đình rút kinh nghiệm, dành ra một diện tích ngay trong vườn nhà mình để trồng cây ngô đực, vừa tiện chăm sóc, vừa không sợ ai “nhòm ngó”, mà cũng chẳng phải cất công canh chừng.
 
Các gia đình có diện tích đất ở khu vực đồng màu mà cả làng đã nhất trí trồng ngô giống, thì phải chấp hành nghiêm chỉnh. Mọi thao tác trồng và chăm sóc đều được theo quy trình.
 
Đồng ngô giống sắp sửa bước vào những ngày thu hoạch… Lệnh “cấm đồng” được ban bố! Tất cả mọi hoạt động diễn ra trong khu vực đồng ngô giống như cắt cỏ, chăn dắt trâu bò, thậm chí cả đi chợ tắt qua đồng… cũng bị cấm tiệt. Cả đồng ngô giống đổ một màu vàng hươm dưới ánh nắng vàng gay gắt. Cây ngô khô đét từ gốc đến ngọn, chỉ cần một đốm lửa qua đây không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Trồng ngô giống là thế, hạt ngô phải thật sự chín muồi, lúc đó mới có thể cho thu hoạch được. Nếu chín ép thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của ngô.
 
Một hôm, có người tình cờ thấy vợ, rồi con gái một ông cán bộ trong làng đi cắt lá chuối khô gom lại thành bó. Người ta lại “sinh nghi”, rồi họ kháo nhau rằng hình như… sắp bẻ ngô thì phải. Quả không sai! Mới tờ mờ sáng mai, trên loa phát thanh của làng sau một vài phút “A lô, a lô… Sáng nay, ngày… làng ta sẽ tiến hành thu hoạch ngô giống ở cánh đồng Bờ Nại, Đồng Cầu. Đề nghị bà con thu hoach khẩn trương, chiều nay mang ngô tới sân nhà văn hóa của đội mình để nhập”. Trong khi thông báo vẫn còn dõng dạc trên loa, mọi người đã rầm rập gồng gánh đổ ra đồng. Thấy người lớn háo hức, lũ con nít càng háo hức hơn. Họ ưu tiên thu hoạch bắp trước. Sau đó huy động lực lượng tước vỏ, rồi gỡ bỏ râu ngô thật sạch sẽ trước khi cho vào bao bì đưa đi nhập.
 
Điểm nhập ngô là sân nhà văn hóa của các thôn, mọi người í ới, đứng ngồi giữa la liệt những ngô là ngô chờ đến lượt. Việc kiểm tra và cân kéo diễn ra nhanh chóng. Nhập nhoạng tối, những chiếc xe tải chở ngô mới ì ạch chuyển bánh lên đường về.
 
Ngô đi rồi, mọi người trở về ruộng nhà mình và bắt đầu tổ chức đốt đồng, khói bay lên nghi ngút. Tối ấy, tại sân nhà ông xóm trưởng, mọi người bàn xem có tiếp tục trồng ngô giống nữa không. Cuối cùng có hơn nửa cánh tay xã viên giơ lên. Điều đó có nghĩa là những mùa ngô lại tiếp tục được ươm mầm.

Nguyễn Thị Hòe

tin mới

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh.