Đền Hồng Sơn và 17 đạo sắc Thành Hoàng

(Baonghean) - Ngày 14/3/2012, trong đợt kiểm tra khảo sát tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hồng Sơn thuộc phường Hồng Sơn (Thành phố Vinh), Ban quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An đã phát hiện được 17 sắc phong cổ có giá trị.

 

Trong số 17 sắc phong này, có 2 sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng, 2 sắc niên hiệu Thành Thái, 3 sắc niên hiệu Duy Tân, 9 sắc niên hiệu Khải Định và 1 sắc phong mang niên hiệu Bảo Đại. Các sắc phong này đều phong cho các vị thần thành hoàng được thờ ở các đền miếu trên đất Thành phố Vinh, song do chiến tranh đã được đem về lưu giữ tại đền Hồng Sơn và được bảo quản cho đến tận ngày nay. Điều đặc biệt, trong số 17 đạo sắc này có 4 đạo sắc phong cho 2 vị thành hoàng có công khai khẩn ra vùng đất Thành phố Vinh ngày nay, đó là 2 cha con Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú.


Đền Hồng Sơn và 17 đạo sắc Thành Hoàng ảnh 1

  Một số đạo sắc tiêu biểu vừa sưu tầm được tại đền Hồng Sơn (TP. Vinh)

Theo gia phả họ Nguyễn Yên Trường thì Nguyễn Viết Nhung là hậu duệđời thứ 4 của Phượng Quận công Nguyễn Địch Sầm, là cháu đời thứ 23 của khởi tổ Nguyễn Bặc đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Quê gốc của Nguyễn Viết Nhung thuộc làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá). Ông sinh năm Mậu Dần (1578) vào đời Lê Thế Tông.


Năm 1593, cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc kết thúc, Nguyễn Viết Nhung rời Kinh đô Thăng Long, tạm biệt cố hương vùng đất Gia Miêu - nơi chôn rau cắt rốn, Nguyễn Viết Nhung đã đi về phương Nam. Đến Nghệ An, với con mắt tinh tường ông đã phát hiện ra vùng đất Vĩnh Yên thực sự là một vùng "đất hứa", có hình thế tươi sáng, rộng rãi, bằng phẳng,... Nguyễn Viết Nhung đã dừng chân lưu lại nơi đây và đã khai cơ lập ấp, xây dựng xóm làng, lấy tên là Yên Trường để tưởng nhớ quê hương ông ở Thanh Hóa.


Nguyễn Viết Nhung mất ngày 10 tháng 4, đời vua Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1658), thọ 80 tuổi. Sau khi mất, dân làng vô cùng thương tiếc đã tôn ông thành Thành Hoàng của làng và lập đền thờ phụng các làng mà ông từng có công khai phá như: làng Trung Mỹ , Nam Khang, Đông Yên...


Nguyễn Viết Phú là con trai thứ 2 của Nguyễn Viết Nhung, hiệu là Đa Văn. Ông sinh vào đời vua Lê Kính Tông (1601 - 1619), lúc nhỏ là người thông minh, học giỏi, có chí hơn người. Hai mươi tuổi ông đỗ Hương cống, đến năm 1635 (đời Lê Thần Tông), trúng Tam trường trong kỳ thi hội. Sau đó, ông được triều đình bổ nhiệm làm quan ở đạo Kinh Bắc, giữ chức hình phó Hiến Sát sứ và hiệp sát Phó sứ được phong tước nam (Quế Lĩnh nam). Đến năm 70 tuổi, ông nghỉ hưu, trở về quê hương an dưỡng tuổi già.


Trong thời gian an trí tuổi già ở quê hương, tiếp tục sự nghiệp của cha mình, ông đã củng cố, mở mang quê hương ngày càng trở nên thịnh vượng, trù phú. Sau khi ông qua đời do có công lớn với đất nước với dân. Nguyễn Viết Phú đã được nhân dân lập đền thờ phụng.


Dưới đây là nội dung của một trong 4 đạo sắc phong cho 4 vị thành hoàng đất Vinh mà chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa để độc giả tham khảo:


Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Nghi Lộc huyện, Yên Trường xã, Trung Mỹ thôn phụng sự: Bản Cảnh thành hoàng Lê triều Hiến sát sứ Nguyễn phủ quân chi thần. Nậm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Thành Thái lục niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật.


Dịch nghĩa:

Sắc ban cho thôn Trung Mỹ, xã Yên Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần là: Bản cảnh Thành hoàng Lê triều hiến sát Phó sứ Nguyễn phủ quân. Thần đã tỏ ra linh ứng, từ trước chưa được phong thưởng. Nay ta vâng theo mệnh lớn, nhớ tới công lao của thần. Đáng phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Cho phép thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ và che chở cho dân ta. Kính noi theo!


Ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 6 (1894)


Việc phát hiện 17 sắc phong liên quan đến các vị thần được thờ tại các đền miếu trên địa bàn Thành phố Vinh là một kho tư liệu vô cùng quý báu góp phần vào công tác nghiên cứu tìm hiểulịch sử hình thành phát triển của thành phố và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lâu đời của cha ông.

Mạnh Hà - Phan Hùng

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.