Họa sỹ Phạm Quyền: Người vẽ niềm đau, nỗi nhớ...

(Baonghean) - Trong lần về Nam Định gặp gỡ với các văn nghệ sỹ, nhiều người nhắc đến tên họa sỹ Phạm Quyền. Người ta nói, họa sỹ Phạm Quyền (Phạm Văn Quyền) không chỉ có tài năng, mà còn rất có “khí chất”. Cái khí chất được hun đúc từ nhiều vùng đất ông qua, mà có lẽ sâu nặng nhất là ở cội nguồn gốc rễ xứ Nghệ của ông. Tôi xin đến gặp ông với một lời giới thiệu rất giản dị: “Cháu là người xứ Nghệ”. Cả ông và bà đón tôi với sự ấm áp chân tình, như thể một người thân lâu ngày gặp lại...

Họa sỹ Phạm Quyền.
Họa sỹ Phạm Quyền.

Và trong căn gác nhỏ với nhiều bảng màu, giấy vẽ cùng rất nhiều tranh, Phạm Quyền đã kể cho tôi nghe về quê hương ở trong nỗi nhớ, về những mảnh đất ông qua, về niềm say mê ông dành cho hội họa, về một nỗi tha hương trong tâm tưởng chưa bao giờ tắt trong ông giữa ồn ã cuộc sống của thành phố này. Sinh năm 1939, nguyên quán tại Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (“ Bây giờ Quỳnh Lập đã thuộc Hoàng Mai rồi”- tôi nói, ông như thoáng sững sờ “Ồ, thế đấy!”), thế nhưng cả cuộc đời mình, ông chỉ được sống ở quê có 9 năm.

Đó là 9 năm kháng chiến chống Pháp, gia đình ông lúc đó đang sinh sống ở Hải Dương về tản cư tại quê nhà. Với ông, đó là quãng thời gian đáng nhớ trong đời. Nó cho ông hiểu một phần nào về sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng cũng cho ông thấm tình quê sâu nặng, để rồi, sau này, đi tới nhiều vùng đất khác, nó vẫn khắc khoải trong ông một sự nhớ về... Sau này, trong một vài bức vẽ, miền Trung quê nhà đã được ông tái hiện đầy dữ dội nhưng chan chứa yêu thương. “Đó là cái tình của người con xa luôn ngóng về quê mẹ”- ông nói.

Sau khi rời Nghệ An, ông cùng gia đình về sống tại Thái Bình, rồi sau đó duyên phận lại gắn ông với mảnh đất thành Nam. Phạm Quyền kể rằng, ông mê vẽ từ thời còn bé xíu. Mỗi bức vẽ, đối với ông, nó như đang kể về một câu chuyện trong cuộc đời thực. Khi 20 tuổi, Phạm Quyền thi đỗ vào hệ Trung cấp của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tốt nghiệp năm 1963, Phạm Quyền về công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Nam Định, rồi đến năm 1966 lại thi tiếp vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1971 tốt nghiệp, ông lại trở về Nam Định tiếp tục công việc của mình cho đến lúc về hưu năm 1993. Sau này Trường Văn hóa nghệ thuật Nam Định mời ông giảng dạy môn Mỹ thuật cho các sinh viên trong trường, và theo như Phạm Quyền nói, “tuy không phải được đào tạo để làm một thầy giáo chuyên nghiệp” nhưng công việc giảng dạy khiến ông “vui và tự hào”. Hàng năm mỗi dịp 20 tháng 11, những bó hoa rực rỡ của học sinh mang đến tặng thầy khiến Phạm Quyền thấy ấm áp trong lòng. Ông còn mở những lớp dạy thêm tại nhà. Các học sinh đều kính trọng, yêu quý thầy Quyền, và trong nhà ông còn lưu giữ nhiều bức vẽ chân dung thầy cùng nhiều bức ký họa khác của học sinh vẽ tặng.
Trong sự nghiệp hội họa của mình, ông cũng được bạn bè trong giới yêu mến, ngưỡng mộ. Về Nam Định, nói đến các họa sỹ tiêu biểu của thành phố ắt hẳn phải có ông. Phạm Quyền cũng là một trong số các họa sỹ đoạt nhiều giải thưởng nhất của tỉnh Nam Định: Giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực II năm 2003, Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1997, 1999, 2000, 2001, Giải B Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam Ninh năm 1995, Giải B Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định năm 2000, 2005…
Tác phẩm “Không số phận”.
Tác phẩm “Không số phận”.
Phạm Quyền có duyên với tranh sơn dầu. Nhiều khi ông cũng vẽ những chất liệu khác như bột màu, giấy dó, nhưng những tác phẩm được công chúng yêu mến nhất vẫn là sơn dầu. Đề tài mà ông quan tâm thường là phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là đề tài thanh niên xung phong và các vấn đề xã hội như môi trường, thân phận con người, thân phận người phụ nữ… Họa sỹ đau đáu với những nỗi đau trong nhân gian. Chiến tranh đã đi qua, nhưng vết thương trên cơ thể người và trong lòng người vẫn còn đó. Những người con gái quá lứa lỡ thì, nỗi cô đơn của cuộc đời đã xế bóng… Phạm Quyền vẽ nhiều về họ, những cô gái thanh niên xung phong đã dâng hiến tuổi xanh cho đất nước, để khi hòa bình trở về trên quê hương, họ không còn trẻ nữa. Những khóe mắt, những dáng ngồi đượm màu đơn côi… Cảm thương, trân trọng trước hình ảnh ấy, Phạm Quyền đã say sưa vẽ.
Tác phẩm đầu tiên trong loạt tranh về thanh niên xung phong là bức “Lãng quên” (1995). Đây là một câu chuyện có thực, được tái hiện lại bằng màu sắc và xúc cảm của người họa sỹ. Có những người con gái đã cống hiến cả tuổi xuân, thậm chí cả cuộc đời mình như 5 cô thanh niên xung phong vác đạn trong rừng năm nào, nhưng rồi khi đất nước hòa bình, họ không may mắn được vinh danh, và khi mọi người nhớ đến thì họ đã hy sinh. “Lãng quên”, đấy chính là nỗi buồn nhưng cũng là niềm tự hào mà họa sỹ dành tặng cho những người quên mình vì dân tộc, những người đã nằm xuống, những chiến sỹ vô danh mà bất tử.
“Tất cả những điều tôi thể hiện đều xuất phát từ những câu chuyện có thực”, Phạm Quyền chia sẻ. Hàng loạt các bức vẽ về đề tài thanh niên xung phong của ông như “Trụ cầu bất tử”, “Ráng chiều nhớ Trường Sơn”, “Trạm giao liên thời bom đạn”, “Hang Tám Cô”, “Không số phận”, “Vết thương”, “Bóng chùa giỗ đồng đội”… đều gắn với những kỷ niệm không quên nào đó. “Bóng chùa giỗ đồng đội” nói về các cô thanh niên xung phong ở Thái Bình, khi hòa bình lập lại đều đi tu. “Trụ cầu bất tử” vẽ những cô gái thanh niên xung phong ở miền Tây Nam bộ thuở nào ngâm mình dưới suối, bắc những thân cây, tấm ván trên vai làm trụ cầu sống để chở thương binh đi qua… “Những câu chuyện có thực ấy đã tạo cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ.
Tôi cảm thấy mình không thể không vẽ về họ, những người nữ anh hùng này” – họa sỹ Phạm Quyền nói với một nỗi xúc động. Ông mong rằng việc đưa hình tượng người thanh niên xung phong vào hội họa có chút ý nghĩa gì đó với những người xung quanh. Ông kể có những người dân bình thường đến mua tranh của ông, không phải những bức phong cảnh lãng mạn, những bức ký họa chân dung hay gì khác, mà chính là những bức tranh về đề tài thanh niên xung phong. Điều đó khiến họa sỹ vui, vì chắc hẳn tranh của ông đã khơi gợi trong họ những nỗi xúc động. Làm được điều ấy, ông thấy có chút nhẹ nhõm trong lòng, bởi bấy lâu nay câu chuyện về những người con gái trở về từ chiến tranh, cô đơn quá lứa nhỡ thì làm lòng ông đau đáu thương xót. Vẽ tranh về họ, ca ngợi vẻ đẹp của họ khiến nỗi lòng ông được an ủi phần nào. Phạm Quyền thậm chí còn nói: “Chừng nào trái tim còn đập, tôi còn vẽ về đề tài thanh niên xung phong”.
Tác phẩm “Bão lũ miền Trung quặn lòng cả nước”.
Tác phẩm “Bão lũ miền Trung quặn lòng cả nước”.
Ngoài ra, những đề tài khác trong tranh ông cũng khiến người ta xúc động. Những thân phận phụ nữ trôi nổi, cô đơn, bất hạnh, những cô gái thị thành giấu nỗi buồn sau ánh đèn rực rỡ, thiên nhiên bị xâm phạm, môi trường đang ngày càng ô nhiễm… Điều đặc biệt là ngòi bút của Phạm Quyền không bị lệ thuộc vào đề tài. Khi thể hiện các vấn đề xã hội, nét vẽ của ông vẫn đằm thắm, lãng mạn, vẫn bay bổng, mềm mại. Một bức tranh đặc biệt được ông yêu mến là bức vẽ về quê hương miền Trung, mang tên “Bão lũ miền Trung quặn lòng cả nước”.
Vẽ về bão lũ đấy, có vẻ như một vấn đề thời sự của mùa bão năm nào, nhưng có thể thấy bức tranh không hề khô cứng, gượng ép. Bên cạnh một bút lực mạnh mẽ, một bút pháp ấn tượng, là một tình yêu thương tràn đầy đối với quê hương xứ Nghệ. Những ngôi nhà nâu vàng chìm trong biển nước trắng xóa, những con người vất vả chống chọi cơn lũ, những rặng cây xanh vẫn bám đất, xa xa là dải núi in hình vào bầu trời màu xám… Nỗi đau và cả tình yêu tràn ngập trong từng nét vẽ. Người họa sỹ kể lại: “Tôi đã vẽ bức tranh này trong im lặng. Có lẽ chỉ nỗi lặng im và những sắc màu mới diễn tả được một miền Trung bão lũ đau thương”. Phạm Quyền nói, ông là người con lưu lạc, nhưng những lúc tìm đến sắc màu, nó giúp ông khỏa lấp và biết đâu, may mắn, ông lại gặp quê mình trong tranh.
Hàng ngày, Phạm Quyền thường thức đêm để vẽ, có những buổi ông thức thâu đêm miệt mài bên bảng màu. Trong ngôi nhà nhỏ của ông tại Thành phố Nam Định, xưởng vẽ được đặt trên tầng 3, mộc mạc, đơn giản nhưng đủ để thỏa niềm say mê của ông. Các học trò vẫn đến, ngồi xuống góc phòng, ngắm nghía những bức vẽ của thầy và nghe thầy giảng bài. Có những trò khi đã thi đỗ vào một trường mỹ thuật nào đó, đến thăm thầy và lặng lẽ để lại trên bàn một bức chân dung vẽ người thầy mà họ vô cùng yêu kính. Với Phạm Quyền, thế là đủ để ông cảm thấy mình sống có ý nghĩa, tiếp tục vẽ, dạy học và tiếp tục mến yêu cuộc đời. 
TV

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.