Quỳnh Yên - Làng ăn trầu

(Baonghean) - Dẫu An Hòa quê tôi cách làng ăn trầu Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) chỉ một cánh đồng. Dẫu một đôi lần, tôi từng được nghe người ta nói nhiều về tục ăn trầu của người làng Quỳnh. Nhưng nếu như không có chuyến về thăm quê lần ấy, không được anh Hồ Xuân Lương cán bộ văn hóa - thông tin của xã dẫn đường chỉ lối, có lẽ tôi không thể nào biết được quê mình có những đám cưới ngàn cau và những kiện tướng ăn trầu...
Ăn trầu đã trở thành một thói quen của người dân Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu).
Ăn trầu đã trở thành một thói quen của người dân Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu).
Tôi gặp và trò chuyện với anh Lương qua sự giới thiệu của một người bạn. Lần đầu tiếp xúc, tôi thấy anh là một người khá vui tính. Nhìn hàm răng đã bắt đầu ngả màu, cũng có thể đoán biết anh cũng là một người nghiện trầu. Khi hỏi về tục ăn trầu ở làng mình, anh Lương khẳng định: “Ở làng chúng tôi, miếng trầu quả cau không chỉ có mặt trong các lễ nghi như đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, ma chay, hay ngày rằm, mồng một, ngày tết...”.
Điểm ghé thăm đầu tiên của chúng tôi là gia đình cụ Hồ Thị Khoa, 102 tuổi. Cụ Khoa lấy chồng từ năm 19 tuổi, chồng cụ đi dạy học xa nhà. Đến năm 35 tuổi, cụ mới có mụn con đầu lòng. Nhưng khi con gái chưa tròn một tuổi, chồng cụ mắc bạo bệnh rồi qua đời, cụ trở thành góa phụ. Miếng trầu quả cau gắn với đời cụ từ những ngày gian khó. Trong dòng hồi tưởng vẫn còn rất rõ nét, cụ Khoa không bao giờ quên được những ngày phải hái lá mắm thay trầu, hái trái đưng thay cau, gỡ nụ đưng, vỏ đưng thay rễ chay ăn cho đỡ nhớ trầu. Và đến tận bây giờ, khi tuổi đã hơn trăm, răng không còn một chiếc cụ vẫn ăn trầu.
Cô giáo Trần Thị Cương con gái cụ Khoa, nay đã bước sang tuổi 67, cũng là một người hay ăn trầu. Bà nhận mình ăn trầu chẳng thấm tháp vào đâu so với mẹ. Vừa giúp mẹ dập trầu trong chiếc cối nhỏ, bà tâm sự: “Một ngày mẹ tui cũng phải ăn đến 50 đến 60 miếng trầu. Chỉ trừ những lúc ăn cơm, uống nước, đi ngủ thời gian còn lại thì dù làm gì cụ cũng ăn trầu. Nhiều đêm khó ngủ, cụ cứ nằm nhai trầu, hết miếng này lại qua miếng khác, không biết cụ ăn bao nhiêu miếng giấc ngủ mới đến”. Cụ Khoa móm mém nhai trầu, nước da trắng càng hiện rõ nét môi hồng cắn chỉ, cụ bảo với tôi: “Nhịn cơm thì cụ chịu được, chứ nhịn trầu thì chịu không được, con ơi!”.
Biết gia đình bà Hồ Thị Thuyết ở xóm 2 vừa có công việc đám cưới con, anh Lương dẫn tôi vào. Vừa bước tới sân, đã thấy cụ bà Hồ Thị Phượng (mẹ chồng bà Thuyết) đang lúi húi đặt thuốc lào, anh Lương nhanh miệng:
- Cụ đặt thuốc đó à?
- Vâng! 
Dừng tay làm, cụ Phượng ngước lên nheo nheo đôi mắt:
- Ai như chú Lương hả? Già nghiện trầu nặng mất rồi, chú nạ! Giờ ăn trầu mà không có thuốc, thấy nhạt mồm nhạt miệng lắm!
Anh Lương quay sang bảo tôi, miếng trầu có thêm chút rễ chay hay nhón thuốc lào thì cũng như nồi canh đang nhạt mà ta gia vào chút muối vậy. Người nghiện trầu thường ăn trầu thuốc, nghĩa là miếng trầu ngoài cau, trầu không, vôi còn có cả thuốc lào nữa. Những người này, họ không thể chịu được nếu một ngày nhịn trầu và cũng rất hiếm khi thấy người ta nhổ bỏ nước trầu.
Nhác thấy bà Thuyết đang hái trầu ngoài vườn, anh Lương nói vọng ra:
- Có cái đám cưới. Em gái này đang cần mua một ít trầu không, bà có bán không?
Bà Thuyết dừng tay hái, cầm xấp trầu đi vào trong nhà, rót nước mời khách. Bà thong thả:
- Đủ cho nhà dùng thôi, chứ có đâu mà bán chú. Vừa rồi, tôi có cái đám cưới thằng con trai, may mà dì nó mang xuống nữa mới đủ đó.
- Nhà không trồng cau, chắc là bác phải đi mua?
- Cau thì phải đi mua. Bữa ấy, tôi phải lặn lội đi ba bốn chợ mới gom được 2.000 quả cau lo đám cưới cho con.
Bà Thuyết còn cho biết thêm, ở vùng này có cái tục như vậy, trước, trong và sau đám cưới đều phải cần đến cau trầu. Cau trầu để nạp tài, để mời bạn bè, hàng xóm người ta đến chúc phúc. Ai thân hữu ở xa mà không đến được thì gia chủ gửi về gọi là chút quà mọn. Anh Lương thay lời chủ nhà, ngâm nga hát điệu mời trầu trong đám hội : “Gặp đây! Gặp đây! Ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng…”. Đoạn, anh quay sang chào từ biệt chủ nhà:
- Bà không bán trầu thì tôi dẫn cô ấy sang nhà khác mua đây!
Bà Thuyết tiễn chúng tôi ra đến tận cổng:
- Nói thật với chú, ai lại về làng ăn trầu để mua trầu bao giờ, khó đó chú nạ!
Rời nhà bà Thuyết, chúng tôi tìm đến nhà ông giáo Lê Văn Bường, ở xóm 1, Quỳnh Yên. Trên con đường dẫn tới nhà thầy, anh Lương tâm sự: “Tôi với thầy Bường là chỗ tâm giao. Ngày trước, khi vợ thầy còn sống, hai cụ tình cảm lắm. Bà cụ vợ thầy răng yếu, lần nào ăn trầu thầy Bường cũng đều dùng miệng mình cắn dập miếng trầu rồi mới đút cho bà”.
Trông vẻ ngoài, thấy Bường vẫn còn rất trẻ so với cái tuổi 82 của mình. Ngôi nhà mà ông đang ở đến giờ vẫn còn hiện diện một nét đẹp cổ xưa. Không gian quê kiểng với giàn trầu không liên phòng và hàng cau xanh mướt mát chạy trước nhà, khiến cho phần minh đường của ngôi nhà cổ càng thêm khoáng đãng, thanh thoát. “Nhà tôi có tất cả 22 cây cau, trong đó 14 cây đã cho quả và 7 gốc trầu”, ông giáo chia sẻ.
- Nhà nhiều cau trầu thế ông có bán không?
- Để ăn thôi, ăn không hết thì cho. Nhà sẵn cau, sẵn trầu khi nào cần thì ra vườn hái là có ngay. 
Vừa dọn trầu, chủ nhiệm CLB người cao tuổi xã Quỳnh Yên, ông giáo Lê Văn Bường, vừa cao hứng hát: “Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta...”. Vẫn chỉ là quả cau nho nhỏ miếng trầu xanh, nhưng trầu cau làng Quỳnh không cần têm cánh phượng cầu kỳ như người Bắc. Cau chỉ cần chủ nhà bổ thành 4, có khi 5 hoặc 6, vỏ tước hờ. Trầu chỉ cần rọc dài theo sống gân thành những miếng vừa, quết lên tí vôi, bày lên đĩa thế là đã có thể mời trầu. Đơn giản thế nhưng với cách mời, cách ăn nói có duyên của chủ, dẫu là những người khách khó tính nhất cũng khó lòng từ chối!
Rời làng Quỳnh, tôi như vẫn còn say trong điệu mời trầu, say hương trầu thơm thơm nồng xức. Những gương mặt ấm áp, thân tình rạng rỡ nét môi hồng cắn chỉ của con người nơi đây như níu kéo, như thôi thúc thêm một lần trở lại. Có lẽ, trong cuộc sống, những giá trị tinh thần vô giá lại chất chứa ở những điều tưởng chừng giản dị ấy!
 Nguyễn Thị Hòe 
Quỳnh Lưu

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.