Bộ LĐTB&XH trả lời kiến nghị của cử tri Nghệ An về chính sách việc làm và thu hút nhân lực

(Baonghean.vn) Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, cử tri Nghệ An kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách tạo việc làm cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Cần có chính sách ưu đãi để thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH trả lời như sau:

Theo kết quả Điều tra lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2009, lực lượng thanh niên (15-29 tuổi) của cả nước là 22,399 triệu người (chiếm 26% dân số), trong đó nhóm tuổi 20-29 tuổi là 14,324 triệu người và số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chiếm 4,73% lực lượng thanh niên. Thanh niên Việt Nam đặc biệt là sinh viên với những phẩm chất tốt đẹp như: sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của tuổi trẻ; tinh thần ham học hỏi và khả năng tiếp thu nhanh những cái mới, nhất là các lĩnh vực khoa học, công nghệ mới, chính là lực lượng xung kích có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước.

Nhận thức được vai trò quan trọng của thế hệ thanh niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.

Đối với học sinh, sinh viên, Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chính sách hỗ trợ về tài chính ngay từ khi theo học các trường đại học, cao đẳng, không để tình trạng học sinh, sinh viên nghèo phải bỏ học. Cụ thể như: Chính sách Tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với học sinh, sinh viên, để thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho người lao động nói chung, thanh niên và học sinh, sinh viên sau khi ra trường nói riêng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và cho vay vốn ưu đãi để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu lao động.

- Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm: người lao động nói chung, thanh niên và học sinh, sinh viên ra trường nói riêng, có thể vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm với mức vay tối đa 500 triệu đồng/dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, 20 triệu đồng/hộ gia đình; mức lãi suất 0,65%/tháng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và những người khác (Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm. Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg...).

- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng: thanh niên và học sinh, sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được Nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết (theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước) như: được cung cấp miễn phí giáo trình, tài liệu bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức cần thiết; được hỗ trợ 50% mức học phí bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết theo quy định cho người lao động là con thương binh, liệt sĩ và người có công hưởng theo chế độ, chính sách ưu đãi, người lao động thuộc diện hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 20% mức học phí bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ theo quy định cho người lao động trong thời gian đầu thực hiện đề án thí điểm đưa lao động đi làm việc tại thị trường đòi hỏi cao về tay nghề, ngoại ngữ.

- Hỗ trợ phát triển thị trường lao động: thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động như: đầu tư nâng cao năng lực hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm; hỗ trợ các Trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên; thu thập, xử lý, phân tích thông tin thị trường lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động tiến tới hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; dự báo cung - cầu lao động...

Đặc biệt là nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa trong dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, trong đó có sinh viên tốt nghiệp ra trường, ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp; tăng số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên; góp phần tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ thanh niên. Để thực hiện các mục tiêu này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan đang triển khai thực hiện các dự án: Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp: đảm bảo 100% thanh niên có nhu cầu lập doanh nghiệp được cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp; Đầu tư xây dựng Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn Thanh niên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tiền Giang, Quảng Bình, phấn đấu tỷ lệ thanh niên được tiếp cận thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 50% vào năm 2010 và 75% vào năm 2015.

Với các nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, mỗi năm cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,5-1,7 triệu lao động, chủ yếu là lao động thanh niên. Trong đó, thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tạo việc làm cho khoảng 1,2-1,3 triệu lao động, cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm khoảng 250-300 nghìn lao động và thông qua hoạt động xuất khẩu lao động khoảng 70-80 nghìn người. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã cho vay vốn giải quyết việc làm theo kênh của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với nguồn vốn cho vay là 56.814 triệu đồng, hàng năm đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn thanh niên.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động (tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2009 là 2,8%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên là 5,3%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,6%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên ở thành thị là trên 8,8%). Nguyên nhân một phần là do định hướng nghề nghiệp và sự năng động, chủ động trong tìm và tạo việc làm của lao động thanh niên còn thấp. Tâm lý chọn ngành nghề đào tạo còn chưa sát thực tế, thích có bằng cấp hơn là làm chủ các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp mà thị trường lao động đang có nhu cầu.

Nhiều thanh niên trẻ sau khi ra trường còn trông chờ và ỷ lại vào gia đình trong việc tìm việc làm, tâm lý muốn làm cơ quan nhà nước cho ổn định, tâm lý muốn nhàn hạ, chưa chủ động tự tạo việc làm... Mặt khác, chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa (lương, phụ cấp...) chưa thực sự hấp dẫn đối với thanh niên trẻ mới ra trường, trong khi điều kiện ở các khu vực này lại quá khó khăn kém phát triển hơn nhiều so với thành thị. Chính vì vậy, một bộ phận lớn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo không trở về tham gia xây dựng địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị.

Để giải quyết việc làm cho thanh niên nói chung, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường nói riêng, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các ngành, các cấp sẽ phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm và xuất khẩu lao động đã ban hành. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Việc làm để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về việc làm, thống nhất các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên.

- Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút lao động, chú trọng các chính sách thu hút đối với thanh niên có trình độ cao, chính sách thu hút học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đến làm việc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa (chương trình trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng các vùng hải đảo, các vùng xa,... ).

- Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; thành lập bộ phận (phòng/trung tâm) quan hệ với doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề để thường xuyên nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, thực tập sản xuất và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên; thực hiện giảng dạy, truyền nghề trực tiếp tại doanh nghiệp, làng nghề.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động: Nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm công trong tư vấn, thông tin, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm, chủ yếu là sàn giao dịch việc làm với tần suất ít nhất 1 lần/tháng; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động... giúp cho thanh niên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp cận và tìm kiếm được những cơ hội việc làm tốt nhất.

- Nâng cao chất lượng đào tạo cả về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng nghề; gắn giáo dục đào tạo với việc làm, với nhu cầu của thị trường. Chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân, các nhà quản lý, lao động có trình độ cao. Song song với việc đào tạo cần rèn luyện, nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho lao động, đồng thời nâng cao thể lực, sức bền cho lao động Việt Nam góp phần đảm bảo cung cấp đội ngũ lao động có chất lượng cả về thể lực và trí lực, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

- Phối hợp triển khai đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015" trong đó đặc biệt chú ý đến các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để thanh niên học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh và nâng cao năng lực các hoạt động về thông tin, tư vấn, hướng nghiệp giúp thanh niên lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động; đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, các trung tâm giới thiệu việc làm của thanh niên; bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên giỏi trong học nghề, lập thân, lập nghiệp và những doanh nghiệp thu hút được nhiều lao động thanh niên.

- Nâng cao nhận thức của thanh niên về dạy nghề, lập nghiệp. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục để tạo sự chuyển biến về nhận thức của thanh niên, học sinh về dạy nghề, lập nghiệp; xác định rõ vai trò trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật, tác phong làm việc để thanh niên có đủ điều kiện và chủ động tham gia thị trường lao động.

(còn nữa)

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.