Biến tướng giải hạn đầu năm

(Baonghean) - Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp tâm thức tự ngàn đời nay của người Việt. Ngoài việc đi lễ cầu may, không ít gia đình làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm mong muốn một năm mới an lành. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa nhân văn đó, có không ít chuyện biến tướng dẫn đến lãng phí, tốn kém và nhuốm màu mê tín dị đoan.

Tại TP Vinh và các vùng phụ cận có những chùa, đền lớn như Tổ đình Cần Linh (phường Cửa Nam), chùa Ân Hậu (Nghi Đức - Nghi Lộc), đền Ông (phường Hồng Sơn), đền Ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh - Hưng Nguyên). Những nơi này thường được người dân gửi gắm những ước nguyện cầu điều may mắn, xóa bỏ vận hạn cho bản thân và gia đình trong suốt cả năm. Đa phần việc cúng sao giải hạn diễn ra vào các ngày mùng 4, mùng 6 Tết và đặc biệt là vào ngày mùng 8. Ngoài ra, nhiều nơi cũng cúng sao giải hạn vào các ngày 12, 14, 15, 16… tháng Giêng.

Một ngày trước Rằm tháng Giêng, chúng tôi có mặt tại chùa Ân Hậu (xã Nghi Đức, TP. Vinh). Mặc dầu trời đã sang chiều, nhưng tại nơi tiếp đón vẫn khá đông người chờ đến lượt đăng ký làm lễ cầu an cho cả năm và dâng sao giải hạn. Chị Nguyễn Thị Xuân (Hưng Phúc - TP Vinh) đăng ký cho cả gia đình làm lễ vào ngày thứ 7 (14 tháng Giêng) cho biết: Năm nào gia đình chị cũng đăng ký làm lễ ở chùa, cầu an cho một năm an lành, chi phí cho lễ dâng sao giải hạn của nhà chị là tùy tâm. Bởi vậy, chị gửi nhà chùa mỗi người trong gia đình 20.000 đồng, cả nhà 5 người hết 100 ngàn đồng. Thủ tục làm lễ cầu an và giải hạn ở chùa khá đơn giản. Sau khi ghi tên và nộp lệ phí thì vào giờ quy định của các ngày nói trên, những ai bị sao nào chiếu thì đến nghe nhà chùa đọc kinh, đọc tên mình, nhận sớ và hóa vàng là hoàn tất. Còn tại Tổ đình Cần Linh, mức đóng tiền làm lễ cầu an có cao hơn, 100 ngàn đồng mỗi người. Riêng những ai năm nay có sao xấu thì thêm tiền cho mua đồ lễ, mua hình nhân thế mạng sẽ tốn thêm khoảng 50.000 đồng. Bà Lê Ngọc Lan (Cửa Nam) cho biết: “Mọi năm tôi đều đến chùa để cúng sao giải hạn cho con cháu mình. Năm nào tôi cũng đại diện gia đình đi cúng, chỉ mong một năm làm ăn không gặp vận đen, cả nhà khỏe mạnh”. Tại những ngôi chùa này, việc cúng sao giải hạn được thực hiện khá nghiêm túc và bài bản nên không có cảnh chèo kéo, chào mời làm mất vẻ tôn nghiêm.

Làm lễ giải hạn đầu năm ở đền Ông (Hồng Sơn), TP. Vinh.

Tại đền Ông (phường Hồng Sơn), dịp sau Tết luôn là kỳ “bận rộn” đối với đội ngũ viết sớ, đăng ký giải hạn, cầu an. Thường trực trước cửa đền luôn có đội quân chào mời. Lúc chúng tôi vừa vào, đã có ngay 2 phụ nữ đeo túi ngang hông chạy ra níu kéo: “Chú ơi, chú đi giải hạn hay làm chi, vô đây chị làm cho!”. Trước cổng đền có khoảng chừng 5, 6 căn phòng tạm, được biết là nơi dành cho các “thầy” ở để viết sớ, làm lễ và các vấn đề liên quan. Anh bạn đi cùng tôi ngỏ ý không giải hạn mà chỉ muốn chuyển chân hương từ bàn thờ họ lên nhà, ông thầy tên Nh. bảo hết 400 ngàn đồng, mà làm lễ tại chỗ. Riêng giá cả giải hạn tại khu vực này cũng khá đa dạng, theo kiểu “nhìn mặt đặt tên”, nhìn người sang thì giá cao và ngược lại. Anh Hoàng Văn Tùng (Lê Mao -TP Vinh)  năm nay 40 tuổi, đang ghi chép các sao ứng với từng thành viên trong gia đình năm Quý Tỵ. Năm nay anh có sao Thái Bạch, nên việc đầu tiên là lễ xong ra đăng ký giải sao, cầu an cho anh và các thành viên trong gia đình, cầu mong một năm mới an lành, tránh được vận đen. Để tránh được cái “vận đen” ấy, anh Tùng đã mất 1,5 triệu đồng tiền phí và còn nhiều thứ đồ lễ lạt khác.

Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả lại không đến đền, chùa mà tổ chức giải hạn tại nhà. “Từ nay đến hết tháng Giêng, các chùa đều quá tải trong việc làm lễ dâng sao giải hạn, nên gia đình tôi đã mời thầy cúng tại nhà, không sợ bị đọc sai, sót tên, làm cẩn thận, mình yên tâm hơn”, chị Hoàng Thị Vân ở Quán Hành (Nghi Lộc) cho biết. “Mức phí cho mỗi gia đình là 200.000 đồng nếu làm lễ ở những chùa, còn làm ở điện thờ thì cao hơn rất nhiều. Cả gia đình tôi 5 người làm lễ dâng sao giải sao xấu cũng ngốn ngót nghét vài triệu đồng”, bà Đặng Thị Ngọc (Trung Đô) cho biết sau khi làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm tại một điện thờ ở Trung Đô (TP Vinh). Cũng như chị Vân và bà Ngọc, năm nay gia đình chị Phương ở Hưng Chính (Hưng Nguyên) quyết định làm lễ dâng sao giải hạn tại gia. Chị cho biết, để sắm sửa đủ lễ theo hướng dẫn của “thầy” cũng tốn kém tiền triệu. “Nhà nông nên chi tiêu cho vụ này đến tiền triệu cũng là mạnh tay lắm rồi. Xót tiền lắm chứ nhưng thôi kệ, miễn sao cả nhà mạnh khỏe, bình an vô sự là được, tiền mấy cũng không so sánh được” Chị Phương tặc lưỡi.

Để thêm phần tin cậy, đỡ lo lắng thì không ít gia chủ tìm đến các thầy vẫn lập điện thờ ở nhà. Tuy nhiên, để được cậy nhờ các thầy cúng sao giải hạn giúp thì cũng cần có kinh tế tương đối ổn. Trọn gói cho lễ giải hạn thế này khoảng từ 3 – 3,5 triệu đồng kể cả lễ. Sau đó, thường thì nếu thầy làm nhiệt tình, gia chủ biếu thêm thầy từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Một số trường hợp ngoài giải sao, các thầy còn có những lời phán khiến cả gia chủ bàng hoàng, chạy đôn chạy đáo lo tiền theo yêu cầu của thầy. Thầy còn phán nhà gia chủ phải đập cửa bên này, chuyển cổng bên kia, chuyển hướng ban thờ thì mới có “lộc”... Nhiều người có kinh tế khá giả còn nhờ 2 thầy cho chắc. Thế nên mức chi phí cho thủ tục giải hạn đầu năm có nhà lên đến cả chục triệu đồng.

Tuy nhiên, Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Ân Hậu khuyên người dân không nên tốn kém, lãng phí mất tiền làm lễ. Bởi Phật là tại tâm, con người có tâm, Phật luôn linh hiển. Tích cực làm điều thiện sẽ được báo thiện, ngược lại, ác giả ác báo. Không có chuyện sao xấu hay sao tốt chiếu mệnh con người.

Thực tế khi được hỏi về việc làm lễ dâng sao giải hạn, nhiều người cho rằng đó chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý. Còn nếu như bản thân có suy nghĩ và hành vi xấu thì có tốn kém công sức, tiền của bao nhiêu cũng không cắt được sao xấu, không giải được hạn. Việc lễ chùa, cần nhất là thành tâm, bởi vậy đừng trọng lễ lạt duy tâm quá mà sùng bái quá mức, bày đặt các nghi lễ rườm rà, thuê thầy cúng bái gây tốn kém tiền của.

Bài, ảnh: Trần Hải

tin mới

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh.