Trái ngọt của tình yêu thương

(Baonghean) - Vô tình trên Facebook, tôi tìm ra trang trường cũ. Cảm động đến lặng lòng khi nhìn những phòng học, bàn ghế, dãy lớp học, cây bàng cây phượng mình từng gắn bó suốt những năm cấp 3. Dù đã hơn 15 năm trôi qua.

Hơn 15 năm, như mới vừa hôm qua, tôi còn nhớ cảm giác xấu hổ khi ai đó hỏi rằng: "Học sinh trường nào đấy?". Có khi tôi lờ đi không trả lời. Bởi học trường dân lập thì có gì mà khoe ra. Đó là sự kiêu hãnh đặt không đúng chỗ của một đứa nhóc được coi là học giỏi nhưng lại thi rớt cấp 3, bước chân vào trường dân lập. Hình như phân nửa lớp tôi ngày ấy đều có cảm giác như nhau.

Nhưng rồi, cảm giác ấy chẳng bao giờ còn, khi mà...

Thầy chủ nhiệm lúc đó của lớp tôi, thầy Hoàng Trữ hiểu ngay lập tức từng ánh mắt thất trận của lũ học sinh kiêu hãnh. Thầy hay đọc câu thơ: "Thi không ăn ớt, thế mà cay" của Tú Xương để nhắc lũ học sinh “thất trận” kia nhớ tới nỗi đau thi rớt mà nỗ lực hơn. Đến giờ tôi còn nhớ từng điệu nhấn nhá của thầy (thầy cũng sâu cay thật)  Nhưng bên cạnh câu ấy, thầy cũng hay nói với học sinh rằng: "Thất bại là mẹ thành công".

Thầy chủ nhiệm tôi luôn vậy. Ông không bao giờ có thái độ “dìm hàng” học sinh nào quá. Dù đứa đó có tệ cách mấy, học kém quậy phá cách mấy. Ngược lại, cũng không bao giờ tâng bốc một đứa học trò ngoan hiền nào lên mây với những lời khen tặng. Nhờ thế mà lớp chúng tôi không có đứa nào kiêu ngạo cũng không có đứa nào phải mang mặc cảm về mình. Một cô bạn bán rau giúp mẹ hàng ngày nhưng học không tốt bằng bè bằng bạn trong lớp được thầy nhắc nhở thế này: “Các em phải học T. vì T. biết chia sẻ gánh nặng gia đình với cha với mẹ. Nhưng T. cũng phải học các bạn trong lớp để cố gắng có kết quả học tốt hơn. Chỉ học mới thoát nghèo.”

Mỗi Tết đến, thầy đến từng nhà học sinh, thăm tận góc học tập và dặn dò rằng, góc này tối, góc kia luộm thuộm, cần phải chỉnh lại. Đứa học trò nào nhà nghèo lại được thầy mừng tuổi ít tiền mua sách vở. Sách thầy sưu tầm cả đời, học sinh mượn thoải mái “cho đỡ tiền bố mẹ”. Hình như cả đời tôi đi học chỉ gặp mỗi một ông thầy đi thăm tết học trò và luôn nghĩ tới chuyện tiết kiệm tiền cho bố mẹ học trò - là thầy.

Thầy luôn có ánh mắt nhìn sâu như thể hiểu tâm can lũ học trò. Chỉ cần nhìn ánh mắt nghiêm nghị mà chân thành của thầy, chẳng đứa nào có thể nói dối quá hai câu. Những năm cấp 3, đám học trò chúng tôi vẫn không hiểu nổi tại sao thầy có cái uy đến vậy. Chỉ khi va vấp nhiều, xa trường xa thầy đã lầu thì hiểu rằng, đơn giản thầy thương trò, hiểu trò, nghiêm như cha mà gần gũi như mẹ thì làm sao trò không sợ.

Ngoài thầy chủ nhiệm, thầy hiệu phó cấp 3 của tôi cũng khá đặc biệt. Thầy Hoàng Kỳ có dáng hình khá “cổ quái” khiến tôi luôn hình dung giống ông thầy hiệu trưởng chuyên đi vòng quanh sân trường Tô - mô - e trong tác phẩm “Tôt - Tô - Chan, cô bé bên cửa sổ” mà tôi thích. Thầy sẽ dừng lại trò chuyện, tươi cười với bất kì cô cậu học trò nào muốn trò chuyện với thầy. Hoặc có khi, thầy tiện tay xách bịch rác học sinh lỡ “bỏ quên” bên hành lang lớp học để bỏ vào thùng rác.

Lần được thầy kêu lên phòng thầy uống nước trà là vì tôi có bài thơ giống bài của người khác tới 80% đăng báo. Nói văn hoa là "xào nấu", nói trắng ra là đạo văn. Lúc ấy, vì quá thích bài thơ mà tôi "xào nấu" nó lại và nghĩ không ai biết vì nó từng đăng báo rất lâu rồi. Thế mà vẫn có người báo thầy biết. Nếu không phải là thầy Kỳ mà là một thầy giám hiệu nào đó khô cứng, có thể sẽ là kịch bản tồi tệ thế này: Tôi sẽ bị bêu gương trước cờ trong buổi chào cờ. Sau đó mãi mãi thấy nhục và không bao giờ dám cầm bút nữa.

Nhưng may cho tôi, thầy rất nhẹ nhàng gặp riêng và nói: "Thầy không cần em phải giải thích. Ai cũng có lần lỡ dại, thiếu suy nghĩ. Thầy chỉ muốn nói rằng em rất có khả năng, nên em hãy làm những gì bằng chính khả năng em có. Thầy mong rằng em sẽ thành công". Và tôi biết ơn điều ấy vô cùng, nhất là đến giờ vẫn có thể sống vững với nghề cầm bút. Đó là lần duy nhất tôi "xào nấu" và chắc chắn sẽ nhớ tận già. Thầy cũng đã cho tôi bài học về ứng xử đi suốt cuộc đời: Khi bạn thực sự tin và thương ai đó, người đó sẽ không phụ lòng.

Lớp chúng tôi năm đó, dù là những đứa học sinh thi rớt cấp 3 công lập nhưng rồi đều đậu đại học, đi làm và lập nghiệp vững ở nhiều thành phố lớn. Và bạn biết không, chẳng hiểu lí do gì mà sau này, nhiều người gặp tôi hỏi: "Hồi cấp 3, Hương học chuyên Phan Bội Châu hả?", thì ngay lập tức tôi trả lời: "Không, mình học Dân lập Nguyễn Trường Tộ" với lòng tự hào rất thành thật.

Tôi biết rằng thời gian này đây, ở nơi tôi đã từng học ngày đó vẫn có những cô cậu học trò mới lớn ngang ngạnh như tôi ngày nào, ôm nỗi buồn “thi không ăn ớt thế mà cay”. Nhưng mà, em của tôi ơi, chắc chắn sẽ có những điều không ngờ ngọt ngào chờ em phía trước.

Đối với tôi, đó là mái trường rất đáng tự hào khi mình đã được gặp những thầy cô, bè bạn mà tới giờ nghĩ lại mình vẫn luôn thấy ngọt ngào, ấm lòng. Tôi vẫn nhớ lời thầy chủ nhiệm như mới vừa hôm qua: “Ở nơi bất ngờ nhất, nếu gieo vào đó niềm tin, tình yêu thương và sự chân thành thì bao giờ cũng sẽ có trái ngọt”.


Võ Thu Hương

tin mới

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh.