Nét đẹp Xiềng Tắm

(Baonghean) - Những ai có điều kiện đi khắp các bản làng miền núi, vùng cao nghệ an đều khẳng định bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) thuộc hàng đẹp nhất. Điều này cũng được khẳng định qua một số công trình nghiên cứu địa lý địa phương. Khi lần đầu đặt chân đến nơi đây, chúng tôi cũng đã thật sự ngỡ ngàng trước vẻ thơ mộng và quyến rũ của Xiềng Tắm.

Theo những người chuyên nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái, thời phong kiến, Xiềng Tắm là chỗ cư trú của quan lại địa phương, là trung tâm hành chính của cả một vùng rộng lớn. Và bất cứ địa danh nào bắt đầu bằng chữ “Xiềng” hoặc “Xiêng” (như Xiềng Lằm, Xiềng Líp, Xiềng Nứa, Xiêng Thù, Xiêng My...) đều thế. Nếu đúng vậy thì các vị quan lang, phìa- tạo ngày xưa thật sự có con mắt tinh tường và am hiểu về phong thủy khi lựa chọn vùng đất này để định cư.

Dãy núi đang sừng sững trải dài đến đây bỗng dưng lượn một đường cong tạo thành hình bán nguyệt, rồi để lại một thung lũng tương đối bằng phẳng, thật lý tưởng cho việc khai bản, lập mường. Hai bên phải, trái và phía sau được núi bao bọc, chở che; trước mặt là dòng Nậm Nơn trong xanh uốn lượn. Điều đáng nói là dòng Nậm Nơn xưa nay nổi tiếng lắm thác, nhiều ghềnh nhưng khi qua Xiềng Tắm lại rất đỗi hiền hòa, thơ mộng. Vẻ cổ kính của Xiềng Tắm được điểm tô bởi những cây cổ thụ tỏa bóng sum suê và những rặng dừa xanh tươi cao vút. Màu ngói, màu tôn đỏ tươi trên những mái nhà sàn thấp thoáng trong màn sương mờ ảo của núi rừng gợi nên một bức tranh vừa hoang sơ, vừa ấm áp.

Và dòng sông còn ưu đãi cho người dân Xiềng Tắm một bãi cát rộng rãi, bằng phẳng, rất thuận tiện cho sinh hoạt và lưu thông. Đây là nơi để hàng chục con thuyền về gối bãi sau hành trình xuôi ngược Nậm Nơn. Đây cũng là nơi để bà con dân bản quây quần tắm rửa, giặt giũ. Lũ trẻ thường ra đây hò reo, chơi đùa trên cát mịn. Phong cảnh gợi nên sự thanh bình, trù phú của một bản làng biên giới. Từ xưa, phụ nữ Mỹ nổi tiếng xinh đẹp, nhờ được tắm gội dòng nước Nậm Nơn ở phía thượng nguồn. Theo quan niệm của đồng bào vùng cao, con nước đầu nguồn thường mang tính thiêng và sự tinh khiết. Phụ nữ Mỹ Lý đẹp còn bởi siêng năng, chăm chỉ lao động sản xuất; hết nương rẫy rồi đến dệt vải, thêu thùa, chài cá... Có thể nói, con gái Xiềng Tắm tiêu biểu cho vẻ đẹp của con gái Mỹ Lý nói chung. Vì thế, cưới được cô gái Xiềng Tắm về làm vợ luôn là niềm mơ ước của các chàng trai khắp các bản làng. 

Bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn).
Bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn).
Hiện nay, Xiềng Tắm quy tụ khoảng 150 hộ đồng bào dân tộc Thái. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu từ nương rẫy, khai thác lâm sản và đánh bắt cá. So với các bản làng vùng cao, Xiềng Tắm có cuộc sống khá no đủ. Bởi lẽ, từ bao đời nay, người dân nơi đây vốn rất cần cù, chịu khó làm ăn, biết dành dụm, chắt chiu thành quả lao động nên ít nhiều có của ăn, của để. Phụ nữ Xiềng Tắm còn có thêm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Khi đã xong mùa nương rẫy, người chồng vào rừng hoặc xuống sông chài cá, chị em lại ngồi vào khung cửi miệt mài với tiếng thoi và sợi chỉ hoặc tỷ mẩn với từng đường nét hoa văn, họa tiết trên chân váy. 
Ngày nay, Xiềng Tắm vẫn được chọn làm trung tâm hành chính của xã Mỹ Lý. Là nơi đứng chân của Đảng ủy, UBND và trường học, trạm y tế xã. Đây còn là điểm đứng chân của Đồn biên phòng Mỹ Lý, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ và quản lý 46 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, thuộc địa bàn hai xã Mỹ Lý và Bắc Lý. Những năm gần đây, nhờ chương trình xây dựng NTM nên bộ mặt của Xiềng Tắm đã có thêm sự đổi thay, khởi sắc. Các tuyến đường nội bản đã được tê tông hóa, bản làng ngày càng sạch đẹp, việc đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều. 
Ngày trước, để giao lưu với bên ngoài, phương tiện giao thông tối ưu của người dân Xiềng Tắm nói riêng, Mỹ Lý nói chung là chiếc thuyền gỗ lưu hành trên dòng Nậm Nơn. Đường bộ chỉ là những lối mòn men theo sườn núi và luôn bị hổ báo cùng các loài thú dữ rình rập. Giờ đây, tuyến đường từ Mường Xén vào đây đã được rải nhựa, ngày nắng ráo các loại phương tiện đường bộ có thể vào đến Xiềng Tắm khá dễ dàng, thuận lợi. Hàng ngày, có từ 3-4 chuyến xe khách từ Mường Xén vào Xiềng Tắm. Các mặt hàng tiêu dùng được vận chuyển đến tận nơi, không còn tình trạng khan hiếm hàng như trước. 
Hiện tại, người dân Xiềng Tắm đang có một nỗi lo lớn, đó là tệ nạn ma túy đang rình rập và có nguy cơ đe dọa sự bình yên của bản làng. Từ mấy năm nay, bản đã có một số người “dính” vào ma túy, ảnh hưởng nhiều đến gia đình và an ninh trật tự bản làng. Nhận thức được điều này, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cùng người dân nơi đây đang ra sức đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống cộng đồng, để  Xiềng Tắm luôn giữ được vẻ cổ kính, trù phú và thanh bình!
Tường Anh

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.