Ngày Quốc khánh trong tâm thức

(Baonghean) - Bây giờ ngoái lại, nhiều lúc tôi cảm thấy,  những ngày đầu Cách mạng Tháng 8/1945, cái làng Đông Bích bé nhỏ của tôi  sao mà đáng yêu đến vậy?

Ngày 2/9/1945, trong lễ Quốc khánh, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội, khi chào cờ có hát bài Tiến quân ca, nhưng ở các làng quê xa xôi như ở xứ Nghệ ta thì chưa hát bài hát đó. Tôi nhớ trong các buổi chào cờ, dân làng tôi thường hát 2 bài. Một là bài “Dựng cờ dựng” (thay cho bài Quốc ca) và bài “Đuốc gươm thiêng” (thay cho bài “Lãnh tụ ca”). Ngày đầu Cách mạng tháng Tám, nghi thức chào cờ trang nghiêm nhưng cũng rất mộc mạc. Khi chào cờ, tất cả mọi người đứng nghiêm, miệng hát “Dựng cờ dựng ta cùng xung trận”,  tay trái để thẳng, ép sát vào người, tay phải nắm chặt lại như nắm đấm và đưa lên phía trên vành tai nghiêm túc, kính cẩn. 

Từ 19/8 đến 2/9, sáng nào dân làng tôi cũng tập trung trước sân đình để chào cờ. Riêng sáng 2/9, sau lễ chào cờ có tiết mục trung đội dân quân  diễn tập quân sự. Trung đội dân quân cũng toàn người trong làng, áo nâu, chân đất, vai đeo kiếm  hoặc súng bằng gỗ. Đội dân quân làng tôi được lính Nhật ( đã đầu hàng cách mạng và lúc đó gọi là Việt Nam Mới) đóng quân ở bên đình Đảo Ngạn (nay thuộc xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương) đến huấn luyện quân sự. Trung đội dân quân làng tôi tuy áo nâu, chân đất, súng gỗ nhưng các thao tác quân sự thì rất chính tắc, bài bản. Các động tác nghiêm, nghỉ, quay trái, quay phải, đi đều, bước, cứ là răm rắp. Họ diễn tập các động tác lăn, lê, bò, toài, bắn súng, ném lựu đạn hết sức thành thạo. Dân làng tôi, trẻ, già, trai, gái đứng xem đội dân quân thao diễn tỏ ra rất hào hứng, phấn khích và rất tự hào về đội dân quân của làng mình. Chả thế mà người góp tiền, kẻ góp gạo tự nguyện nuôi đội dân quân của làng luyện tập hết tháng này qua tháng khác. Có người hiến cho đội dân quân cả một con bê non để làm thịt khao quân.

Nhà thơ Thạch Quỳ.
Nhà thơ Thạch Quỳ.

Làng tôi vốn là một làng sâu trũng, nằm khuất trong núi, hẻo lánh và rất buồn. Nhưng những ngày đầu Cách mạng Tháng 8/1945 thì bộ mặt làng quê bừng sáng và vui tươi hẳn lên. Những ngày ấy, đường vào làng tôi có cổng chào kết bằng lá dừa, lá thiên tuế, rất đẹp. Hai bên đường có khẩu hiệu viết trên những chiếc nong tròn được quét vôi trắng xóa. Trên nóc đình làng, lá cờ đỏ sao vàng luôn trong tư thế tung bay trước gió. 

Những ngày đầu tháng Tám, ban ngày  vui thế, ban đêm làng tôi còn thú vị hơn. Xưa kia, ban đêm làng tôi vẫn tối tăm, mù mịt. Nay thì ở sân đình, trên đường làng, đâu đâu cũng có những bó đuốc sáng. Thanh, thiếu niên, trai gái trong làng đêm đêm quây quần ở đình làng để tập những bài hát mới. Đó là những bài hát cách mạng, mới mẻ, hào hùng và say đắm lòng người. Đến bây giờ, giai điệu những bài hát đó vẫn còn âm vang trong tôi khi ngồi viết lại  những  dòng  này. Làng tôi có chị Nhung, chị Yến, chị Thảo Linh rất duyên dáng, xinh đẹp và hát thì cực hay. Cứ đêm đến, giọng hát trong trẻo của các chị lại cất lên : “Dân Nam ơi, quốc gia đến ngày giải phóng” hoặc là “Trùng trùng quân đi như sóng, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời”… Cùng với không khí hào hứng vui tươi  ngày đầu cách mạng, tiếng hát xao xuyến, mê li của các chị lôi cuốn đến mức có mấy người trai làng đã tự đổi tên gọi thường ngày của mình, khai sinh lại tên mình  theo lời trong bài hát của các chị. Có lẽ, các chàng trai ấy say mê các chị nhưng không dám thổ lộ ra chăng? Hay việc đổi tên theo lời bài hát cũng là một cách thổ lộ tình yêu kín đáo và tế nhị ? Chỉ biết, có một sự thật là ngày đầu cách mạng, nhiều chàng trai làng tôi đã tự nguyện đổi tên mình theo lời bài hát ngày ấy. Tôi nhớ là chú Lộc đã đổi tên thành chú Dân, chú Dinh đã đổi tên thành chú Nam theo lời trong bài “ Dân Nam ơi…” do các cô gái xinh đẹp của làng tôi ca lên!

Có lẽ chuyện tình lãng mạn và kỳ lạ như thế cũng chỉ riêng người làng tôi mới có chăng ?

Và rồi, ngày ấy, làng tôi,  những đôi trai tài gái sắc ấy cũng đã nên vợ, nên chồng! Bây giờ ngoái lại, nhiều lúc tôi cảm thấy,  những ngày đầu Cách mạng Tháng 8/1945, cái làng Đông Bích bé nhỏ của tôi  sao mà đáng yêu đến vậy?

Thạch Quỳ

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.