Đường Phượng Hoàng - Nhịp phố xưa - nay

(Baonghean) - Nắng hanh hao những ngày cuối đông dát lên đường phố ánh vàng lấp lánh. Nhánh hoa thiết mộc lan nhà ai vươn cao, đón lấy thứ ánh sáng ấm áp hiếm hoi sau những ngày ủ dột mưa rét. Lần đầu ngang qua, cảm giác như màu sắc ấy, mùi hương ấy có phần lạc lõng giữa con phố sôi động, sầm uất; nhưng không, càng đi sâu vào phố, là đằm sâu cảm nhận hòa hợp giữa cũ và mới, giữa xưa và nay, giữa dịu êm và mạnh mẽ…

Đường Phượng Hoàng.
Đường Phượng Hoàng.
Ấy là những cảm nhận phố đầy thương mến mà nhiều người dành nói về đường Phượng Hoàng của TP. Vinh. Nghe tên phố, có lẽ ngay cả những kẻ thờ ơ với kiến thiết đô thị nhất cũng dễ dàng hình dung ra phố nằm ở vị trí nào. Nơi ấy, ven dòng Lam thơ mộng, dưới chân núi Dũng Quyết sừng sững và uy nghiêm chốn đền thờ Hoàng đế Quang Trung; nơi linh thiêng thủy tụ, được bao bọc bởi dáng rồng chầu, hổ phục, bậc “anh hùng áo vải đã “nhìn” ra thế đắc địa ấy mà chọn vùng này là nơi đóng đô của triều đại.
Sử xưa còn ghi: “Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng vào năm 1788. Tại đây, vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim có trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát…”.
Những thành lăng xưa, nay tiếc thay không còn nữa, nhưng âm hưởng trầm lắng của một vùng đất cổ linh thiêng dường như vẫn phảng phất đâu đó trong nhịp sống đô thị nơi đây. Cư dân trên con phố dằng dặc kéo dài đến chân núi Dũng Quyết dễ non 2 cây số này, đa phần là cư dân thuần lao động, chỉ một bộ phận nhỏ là cán bộ, công viên chức nhà nước xen dắm vào sau này theo chủ trương cắt đất của các cơ quan, công sở những năm đầu thập niên 90. Dân lao động thuần phác, thực bụng và lành tính lắm. Đường ven núi mới dựng cột điện đường độ chục năm lại đây, còn trước đó, cứ giờ xâm xẩm tối, vẻ heo hút rợn ngợp và những ngọn gió lành lạnh suốt bốn mùa thổi len lỏi khắp con đường, tạo cho khách lạ cảm giác sợ hãi, ngại ngần. Ấy là thứ cảm giác bản năng, còn thực tế, người dân nơi đây vẫn khẳng định như đinh đóng cột, rằng đường Phượng Hoàng luôn giữ được trật tự- an ninh khối xóm nhờ tình đoàn kết, thân ái láng giềng. Nét cố kết khối xóm ấy chính là chất keo “hút” những người ngụ cư về với con đường này ngày càng nhiều.
Đường Phượng Hoàng không phải là con đường mới mở trong diện mở rộng quy hoạch thành Vinh sau này. Vốn xưa đường đã thành lối đi quen của nhiều người dân thành phố để lên núi Dũng Quyết - nơi có một mé sườn đã thành khu nghĩa trang nhỏ. Con đường bấy giờ vẫn còn lưu trong ký ức cư dân phố, là lối đi nhỏ hẹp, bụi bặm, dân cư thưa thớt, bạc phếch những khoảng đất trống, cỏ dại mọc lút kế bên vài vạt rau tăng gia của các hộ dân. Đường lồ lộ vẻ ven đô, chỉ có “đặc sản” duy nhất là gió và nắng thì đến bây giờ, dẫu những khối nhà cao tầng đồ sộ đã át đi phần nhiều, vẫn dễ hình dung ra được.  
Ký ức đường ấy dễ phải lùi đến vài ba chục năm về trước, còn giờ đây, đường Phượng Hoàng đã được giới địa ốc sành sỏi đánh giá là một trong những vị trí đắc địa, có giá của thành Vinh. Thì hẳn đúng, bởi nhà mặt đường Phượng Hoàng hiện tấp nập hàng quán bán buôn, đủ các thức hàng to, nhỏ, đắt, rẻ… Nào hàng ăn: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn vặt…; nào shop thời trang nam, nữ, trẻ em; lại còn hiệu thuốc tây, tiệm điện thoại di động, photocoppy… Phố trầm tích thuở nào nay đã hòa điệu với nhịp sống mới chốn thị thành, mỗi ngày đi trên phố là phơi phới những bước chân tuổi trẻ.
Trường Đại học Vinh đối diện bên kia đường, hàng ngàn sinh viên ấy, phần lớn chọn ở trọ tại các khu nhà cho thuê trên đường Phượng Hoàng này. Đường “có giá” hẳn lên chính bởi nhu cầu phong phú của đối tượng khách hàng tiềm năng ấy, nhà trên đường này, mở dịch vụ gì cũng dễ hút khách kiếm tiền. Đường theo đó mà cũng sôi động ngày đêm chẳng kém cạnh gì khu vực nội đô.
Một bên mặt đường từ hướng Lê Duẩn rẽ vào là dọc dài các cơ quan, công sở, khách sạn chiếm phần lớn diện tích. Thi thoảng rẽ vào đường, tôi vẫn đứng trước khoảnh sân mênh mông của khách sạn Duy Tân nhìn hắt ra những ồn ã ngược xuôi ngoài phố. Vị trí ấy cho ta cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thân quen, như được nhìn những điều quen thuộc qua lăng kính mới mẻ. Ngay trước cổng vào khách sạn có cây phượng vỹ già. Mùa hè, cây cho màu hoa rực rỡ. Mùa đông, những cành, những lá vẻ đơn độc trong tiết lạnh giá cứ xoắn xuýt lấy nhau, gợi lên những giục giã khách bộ hành chóng về với tổ ấm thân quen. Dáng thế khắc khoải của tạo hóa ấy, tuy nhỏ bé, vẫn thành nét luyến lưu nhiều người trở về con đường ấy sau chuỗi ngày mệt mỏi vì cuộc mưu sinh. Giữa muôn nhộn nhịp sôi động, vẫn toát lên vẻ êm đềm trầm mặc, nhất là khi biết, cuối con đường ấy, có một nơi chốn linh thiêng tọa lạc, chờ tâm hồn người đến gửi nhờ, nương dựa…
Phước Anh
Về di tích Phượng Hoàng Trung Đô, chính sử chép: Ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức thứ 11 (01/10/1788) Nguyễn Huệ Quang Trung hạ chiếu chọn vùng đất có hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc là vùng đất nằm giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân, nay thuộc khối 3, phường Trung Đô, Thành phố Vinh làm nơi xây dựng kinh đô mới. Thành ngoài của Phượng Hoàng Trung Đô xây bằng đất, đá ong, hình tứ giác, chu vi khoảng 2.820m, bờ thành cao từ 3m đến 4m, diện tích rộng 22 ha. Bao quanh phía ngoài thành có con hào rộng khoảng 30cm, sâu từ 2,5m đến 3m. Thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi 1.680m cao 2m. Trong thành nội có tòa lầu rộng 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp bằng đá ong, phía sau có 2 dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa là nơi dùng cho việc thiết triều của vua Quang Trung. Rất tiếc, vua Quang Trung qua đời đột ngột vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) nên chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô. Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Tên Phượng Hoàng được đặt cho con đường trong quần thể di tích năm xưa như một sự khắc ghi, nhắc nhớ về sự kiện trọng đại này cho các thế hệ mai sau.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.