Sầm Văn Bình và tâm huyết bảo tồn chữ Thái

(Baonghean) - Sinh năm 1962, cầm tinh con hổ, có thể nói, Sầm Văn Bình là một “con hổ rừng” thực sự trong giới nghiên cứu văn hoá và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An nói riêng và ở nước ta nói chung.
Tốt nghiệp Trường Đại học Hàng Hải, biết tiếng Anh, bập bẹ tiếng Đức, nhưng vì nhà nghèo, không có tiền để xin được một công việc phù hợp với ngành nghề đã học, anh đành trở về bản quê của mình ở Yên Luốm, xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) và... vùi đầu vào nghiên cứu chữ Thái, lặng lẽ như một ông già vùng cao, sống thu mình ở một bản nhỏ cạnh dòng suối Nặm Hàng, ít quảng giao, ngày ngày đánh vật với những cuốn sách chữ Thái cổ do ông bà để lại... suốt 10 năm trời (1995 - 2005) mà không biết để làm gì? 
Thật ra, từ những năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên, mặc dầu nó là nét văn hoá số một của người Thái, và là một kho báu linh thiêng nhất, có tuổi đời trên dưới cả ngàn năm, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái, nhưng chưa có ai khai thác. Thế rồi ở xã vùng cao Châu Cường (Quỳ Hợp), một câu lạc bộ chữ Thái đã tự phát ra đời, Sầm Văn Bình được mời tham gia và trở thành linh hồn của câu lạc bộ này. Một trong những thành công của Sầm Văn Bình là anh đã soạn gần như hoàn chỉnh (từ năm 2006 - 4/2010) bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, giống như những cái bậc đi lên rẫy trên núi cao của người miền Tây, học viên cứ từng bước, kiên trì nhẫn nại mà leo lên. Tập 2 với 20 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được. Song song và tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, Sầm Văn Bình còn hoàn chỉnh được đến 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giầu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham” (viết chung với Thái Tâm). Sầm Văn Bình còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hoá Thái trên các báo trung ương và địa phương. Anh làm việc thường xuyên, liên tục, có nhiều đêm tận hai, ba giờ sáng mới tắt đèn. 
Anh Sầm Văn Bình trong một cuộc hội thảo khoa học về chữ Thái ở TP. Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Anh Sầm Văn Bình trong một cuộc hội thảo khoa học về chữ Thái ở TP. Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Những cố gắng của Sầm Văn Bình đã được đền bù ngày một xứng đáng: Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp luôn giúp đỡ anh cả về tinh thần và vật chất, tạo mọi điều kiện cho anh nghiên cứu và giảng dạy chữ Thái. Sở VH-TT-DL, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng luôn quan tâm, động viên để anh có nhiều thành quả xứng đáng hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển chữ Thái. Đặc biệt những năm gần đây, Báo Nghệ An còn mở chuyên mục riêng về chữ Thái, thường xuyên có bài viết của Sầm Văn Bình. Qua 5 khoá học do “thầy giáo” Sầm Văn Bình giảng dạy, với một hình thức sư phạm khá độc đáo, đến nay huyện Quỳ Hợp đã có trên 100 người biết đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay, trong đó đến 75% là các em học sinh người dân tộc Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Hiện nay khoá 6 đang tiếp tục, với 3 lớp học và trên 90 học viên, tuổi ít nhất là 13 và nhiều nhất là 45...
Nói về anh Sầm Văn Bình, ông Nguyễn Tiến Cảnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Quỳ Hợp cho biết: “Sầm Văn Bình là một con người đặc biệt của văn hóa Thái ở Quỳ Hợp. Nếu không có Sầm Văn Bình và những cuốn sách của anh ấy, có lẽ còn lâu chữ Thái ở Quỳ Hợp mới có cơ hội được hồi sinh với chính người Thái trên quê hương này!”. Ông Nguyễn Ngọc Luyện - Chủ tịch UBND xã Châu Quang, cũng rất tâm đắc khi nói về Sầm Văn Bình: “Xã chúng tôi rất tự hào vì đã có một Sầm Văn Bình, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã rất dày công nghiên cứu để làm hồi sinh chữ Thái. Hiện xã đang có một lớp học chữ Thái (khóa học thứ 6 của toàn huyện - năm 2013) với hơn 50 người, gồm cả cán bộ và nhân dân với đủ các lứa tuổi khác nhau đến học, do thầy Sầm Văn Bình dạy!”...
Không chỉ dạy chữ Thái ở huyện Quỳ Hợp, Sầm Văn Bình còn được mời đi dạy các lớp học chữ Thái ở các huyện bạn như: Quỳ Châu; Quế Phong; Con Cuông... ngoài ra Sầm Văn Bình còn được các hội thuộc khoa “Thái học” mời đi tham gia hội thảo về chữ Thái và văn hóa Thái ở nhiều nơi trong và ngoài nước, như: Hà Nội; Điện Biên; Sơn La; Thành phố Hồ Chí Minh; Huế; Lào; Thái Lan...  
Ước mơ lớn nhất của Sầm Văn Bình là làm sao cho chữ Thái được hồi sinh thật vững chắc, và những cuốn sách nghiên cứu về chữ Thái của mình được hợp thức hoá và được in ấn phát hành rộng rãi, để phục vụ trực tiếp cho cả người dạy, người học... và cả những người nghiên cứu chuyên sâu thuộc khoa “Thái học” (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang mở, còn rất mới mẻ ở nước ta hiện nay!
Bài, ảnh: Thái Tâm

tin mới

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.