Làng tuồng Kẻ Gám

(Baonghean) - Quê Nghệ vốn nổi tiếng với các làn điệu dân ca đặc sắc như hò ví dặm, hát phường vải, một số nơi còn có hát chèo, ca trù… Mỗi làn điệu hát, một câu hò đều bắt nguồn từ bản sắc truyền thống riêng. Ở vùng Rú Gám, sông Dinh (Yên Thành) có làng Kẻ Gám nổi tiếng bởi nghệ thuật hát tuồng…

Làng Kẻ Gám trước đây có nhiều tên gọi, nào Chân Cảm, Chân Nguyên, Trinh Nguyên, Xuân Nguyên, Nguyên Thành, tới xã Xuân Thành của huyện Yên Thành ngày nay.

Theo sử sách, làng Kẻ Gám có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, vùng đất này vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa, thuần phong. Xóm làng đông vui, bờ xôi ruộng mật, cảnh sắc thanh bình nên thơ, làng nối làng, mái rạ, bờ tre, gốc đa, bến nước, sân đình và tâm hồn người Việt mang đậm dấu ấn truyền thuyết.

Vốn là mảnh đất thuần nông, có thế núi non đất lành đã hun đúc nơi đây nhiều bậc danh hiền, học hành đỗ đạt để trở thành học giả, cụ đồ nho, các bậc sỹ phu yêu nước, đi khắp giao du thiên hạ; họ đã mang về cho quê hương mình nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc, các làn điệu dân ca, ca dao tục ngữ. Đặc biệt, các vở tuồng cổ đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc riêng của vùng Kẻ Gám.

Tuồng làng Kẻ Gám vào Xuân.

Trong ký ức của người dân, vẫn còn in đậm những đêm diễn tuồng thuở trước. Họ cũng chẳng nhớ tuồng cổ làng mình có từ bao giờ, nhưng suốt trong quá trình thăng trầm của lịch sử, tuồng đã đi sâu vào tâm hồn người dân quê, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
Dù cho chiến tranh giặc dã, dù cho cơ chế đổi thay, không gánh hát vùng này, vùng nọ thì hát trong làng, trong xã, hát trong nhà “ta hát, ta nghe”. Cứ thế hệ này đến thế hệ khác, tuồng Kẻ Gám tồn tại có đến hàng thế kỷ, và càng nở rộ hơn vào những ngày lễ, hội làng, mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Thuở xưa, làng có 3 đến 4 đội tuồng liên tục hoạt động. Các vở tuồng cổ toát lên tính nhân văn, có giá trị giáo dục sâu sắc. Trong kháng chiến, tuồng góp phần động viên tiễn đưa bộ đội, các đêm tuồng đã góp phần cổ vũ khí phách cho con em lên đường tòng quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Hát tuồng là những người nông dân áo vải, chân trần, một nắng, hai sương làm nên củ khoai, hạt lúa. Vậy mà khi bước lên sân khấu tuồng, họ sắm vai diễn hết sức sinh động, làm say mê bao người.

Tuồng Kẻ Gám vang tiếng khắp vùng, đã từng lưu diễn phục vụ Cung đình Huế, phối hợp với phường tuồng ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đi lưu diễn khắp nơi. Thời còn khó khăn, trong cơ chế bao cấp, sân khấu dựng bằng tre nứa, ánh sáng được thắp bằng đuốc, đèn dầu. Vậy mà đêm diễn mới kỳ lạ làm sao, làng trên, xóm dưới  bừng rộn náo nức, già trẻ đứng quây quần chật cả sân bãi hồi hộp chờ đợi, buồn vui, yêu ghét với từng nhân vật. Những đào kép, hề, vua quan, lính tráng, cờ quạt, cung điện, núi sông được tái hiện lên trên sàn sân khấu mà có sức hấp dẫn đến kỳ lạ.

Xuất phát từ lòng say mê nghệ thuật, các nghệ nhân xưa như cụ Trùm Vân, ông Hoàng Tao… nhờ có công tìm tòi, học hỏi, nỗ lực trong tập luyện, dàn dựng đã đưa lên sân khấu với hàng trăm đêm diễn, tiêu biểu có các vở “Lưu Bình - Dương Lễ”; “Sơn Hậu Đệ Nhị”; “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga”, “Dưới cờ đại nghĩa” (tức vở Trưng Trắc - Trưng Nhị), “Tống Trân Cúc Hoa”... đã để lại dấu ấn, động viên bà con những lúc nhọc nhằn, vất vả.

Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, băng, đĩa nhạc ngoại tràn lan, nghệ thuật hát tuồng một thời như bị mai một, nhưng riêng làng Kẻ Gám, tuồng vẫn âm ỉ, chờ đến ngày Xuân bùng dậy. Không riêng gì thế hệ các ông, các  bà mà từ bậc trung niên, thiếu niên đến trẻ lên 5 lên 6 cũng thuộc rất nhiều làn điệu tuồng, họ khát khao chờ cơ hội để khôi phục lại tuồng làng.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) như một luồng gió mới, làm bật dậy sức sống làng tuồng. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của ngành Văn hóa huyện, dân làng đã tự nguyện góp công, góp của, xây dựng sân khấu, mua sắm trang phục để thành lập đội tuồng, nay là câu lạc bộ tuồng của xã. Những người nông dân chân lấm tay bùn, ngày đi cấy hái, đêm về bên ấm nước chè xanh, lại cùng nhau đem trống, phách, sáo, nhị ra tập, cả làng rộn ràng, náo nức. Bà con mê nhất là vai diễn của những lão nông tri điền như cụ Hoàng Thư, Thái Văn Lượng, Phan Văn Lạng... Nay người còn, người mất, nhưng giọng hát tuồng và những vai diễn của họ mãi thấm đẫm trong lòng người  Kẻ Gám.

Một trong những nghệ nhân còn tích cực tham gia phong trào cho đến bây giờ phải kể đến ông Phan Văn Lạng. Đã bước sang tuổi 73, có tới 50 năm tham gia vào đội tuồng của xã, gần 10 năm nay ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng cổ xã Xuân Thành. Mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, tuổi cao sức yếu. Nhưng với lòng say mê, ông đã dồn hết bầu nhiệt huyết để dìu dắt câu lạc bộ tuồng của xã không ngừng lớn mạnh, là một trong những chỗ dựa tinh thần để động viên, kèm cặp thế hệ trẻ hôm nay  biết nâng niu, gìn giữ nét đẹp văn hoá phi vật thể mà cha ông xưa đã dày công tạo dựng.

Từ phong trào diễn tuồng đã tạo ra một đội ngũ diễn viên tâm huyết, có tuổi đời còn trẻ, như chị Phan Thị Hường, bà Nguyễn Thị Lan, chị Hoàng Thị Dung, Trần Thị Thịnh, anh Thái Duy Chung, anh Lê Khắc Tài... Họ là những hạt nhân nòng cốt trong mọi hoạt động của tuồng cổ địa phương. Bên cạnh đó, ở xã Xuân Thành hiện nay có 10/12 xóm thành lập được đội tuồng, tạo thành phong trào xã hội hoá sâu rộng trong nhân dân. Nhiều gia đình ở đây có tới 4 thế hệ đều biết hát tuồng cổ, lớp trước diễn, lớp sau thuộc lòng, đó cũng là cách lưu truyền tuồng cổ ở làng Kẻ Gám.

Ai có dịp về làng Kẻ Gám không những vào ngày hội làng, ngày lễ, hay ngày Tết, mà những dịp trăng thanh, gió mát, hoặc một cuộc vui, sẽ được thưởng thức một vài làn điệu tuồng chộn rộn say đắm lòng người.

Xin cảm ơn những nghệ nhân, cảm ơn những con người chân chất bình dị, dẫu vất vả nhọc nhằn vẫn bảo tồn và phát huy được những nét tinh hoa của ông cha trong sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, cho làng tuồng sống mãi với mùa Xuân!

Thái Dương (Đài Yên Thành)

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.